Thứ Sáu, 21/3/2014 9:47'(GMT+7)
Chính phủ họp chuyên đề về việc xây dựng pháp luật
Ngày 20/3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ Chuyên đề về xây dựng pháp luật.
Báo cáo đánh giá tình hình soạn thảo, trình các dự án luật, pháp lệnh của Chính phủ quý 1/2014 cho biết các bộ đã cố gắng để thực hiện đúng tiến độ soạn thảo, trình các dự án luật, pháp lệnh trong quý 1 và các dự án luật chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội.
Tuy nhiên, trong quý 1, hai dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi) được đề nghị xin lùi thời hạn trình Quốc hội. Dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) xin lùi thời hạn trình Ủy ban Thườngvụ Quốc hội.
Trong quý 2, các bộ trình Chính phủ cho ý kiến 12 dự án, trong số này có dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo.
Theo Nghị quyết 718 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Kế hoạch tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp và Quyết định số 251 ban hành Kế hoạch của Chính phủ tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp, Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo phải được nâng lên thành luật.
Để triển khai thi hành Hiến pháp, các bộ, cơ quan ngang bộ cần lập và công bố danh mục các quy định, văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành có nội dung trái với các quy định của Hiến pháp theo phạm vi, thẩm quyền quy định tại Nghị định số 16 về rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật.
Trong quý 1, tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh chưa có nhiều chuyển biến. Số lượng văn bản chậm ban hành, nợ đọng còn lớn, nhất là việc xây dựng, ban hành thông tư, thông tư liên tịch. Một số văn bản rơi vào tình trạng “nợ đọng” kéo dài vẫn chưa được khắc phục.
Chất lượng văn bản chưa cao, vẫn còn tình trạng văn bản mới được ban hành có nội dung chưa phù hợp, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung. Nguyên nhân được nêu ra do có một số lượng lớn văn bản “nợ đọng” từ cuối năm 2013 chuyển sang, đồng thời quý I phát sinh nhiệm vụ phải ban hành nhiều văn bản để quy định chi tiết các luật, pháp lệnh có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2014 và từ ngày 1/3/2014.
Trong khi đó, nhiều bộ, cơ quan ngang bộ chưa quyết liệt trong công tác chỉ đạo và tổ chức xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết; chưa chủ động, khẩn trương phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo văn bản theo ý kiến của thành viên Chính phủ…
Trong quý 2, các bộ, cơ quan ngang bộ phối hợp với Bộ Tư pháp xây dựng Báo cáo của Chính phủ về tình hình triển khai thi hành luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5); chỉnh lý, hoàn thiện, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản nợ đọng, nhất là đối với các nghị định đã được các thành viên Chính phủ cho ý kiến, các thông tư, thông tư liên tịch thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ…
Tại phiên họp, lãnh đạo các bộ, cơ quan ngang bộ đã giải trình, nêu rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình soạn thảo trình các dự án luật, pháp lệnh và văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh của ngành mình; đề xuất những giải pháp cụ thể để cải thiện tình trạng này trong quý 2 và những tháng tiếp theo năm 2014.
Kết luận về hai nội dung trên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, đặc biệt là các bộ trưởng, trưởng ngành cần tập trung quyết liệt cho việc soạn thảo để trình Chính phủ cho ý kiến đúng tiến độ đối với 12 dự án.
Các dự án luật này bao gồm Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Luật Thống kê (sửa đổi); Luật An toàn, vệ sinh lao động; Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán; Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Bộ luật Dân sự (sửa đổi); Nghị quyết của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình thế giới; Pháp lệnh Cảnh sát môi trường; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo.
Thủ tướng lưu ý công tác chuẩn bị xây dựng luật, pháp lệnh của các bộ, ngành có vai trò đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng của văn bản pháp luật cũng như tiến độ trình các dự thảo với Chính phủ.
Thủ tướng nêu rõ Luật, pháp lệnh được soạn thảo phải phù hợp với quy luật cuộc sống, nguyện vọng của nhân dân, phù hợp Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp của đất nước. Trong quá trình soạn thảo các Luật, Thủ tướng đề nghị những nội dung đã rõ ràng, mang tính ổn định cao cần quy định chi tiết ngay trong dự thảo Luật.
"Những nội dung không đảm bảo được tính ổn định chỉ quy định mang tính nguyên tắc, định hướng và giao Chính phủ hướng dẫn thực hiện, nếu không “đời sống” của luật sẽ rất ngắn," Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng đánh giá mặc dù các bộ, cơ quan ngang bộ đã có nhiều cố gắng trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, tuy nhiên số lượng nợ đọng còn lớn.
Thủ tướng yêu cầu các Phó Thủ tướng Chính phủ được phân công theo dõi từng lĩnh vực, các bộ trưởng, trưởng ngành cần phối hợp, tập trung triển khai quyết liệt để tạo bước chuyển biến trong nội dung này.
Tại phiên họp này, Chính phủ cho ý kiến về 7 dự án, gồm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh; Luật Đầu tư (sửa đổi); Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự; Luật Công an nhân dân (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.
Các đại biểu cho ý kiến về việc đưa nội dung tham gia bảo hiểm của lực lượng quân đội, công an vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế./.
Theo TTXVN