Các nguồn tin nước ngoài ngày 28/9 cho biết giới chức Mali thông báo chính phủ đang chuẩn bị tiến hành chiến tranh để giải phóng miền Bắc khỏi các nhóm phiến quân Hồi giáo.
Thông điệp này được công bố sau cuộc họp tại Liên hợp quốc thảo luận về cuộc khủng hoảng tại khu vực Sahel trong đó có Mali, diễn ra ngày 26/9 bên lề khóa họp cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc.
Theo nguồn tin thân cận với Tổng thống Mali Dioncounda Traore, tại cuộc họp, Mali đã nhận được cam kết ủng hộ từ cộng đồng quốc tế về khả năng can thiệp quân sự để giúp chính phủ giải phóng miền Bắc.
Nguồn tin trên khẳng định Pháp, nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, sẽ nỗ lực để triệu tập cuộc họp của Hội đồng Bảo an nhằm thông qua một nghị quyết cho phép triển khai hoạt động này.
Trước đó, ngày 24/9, Mali đã gửi thư tới Liên hợp quốc chính thức đề nghị cơ quan này cho phép triển khai một lực lượng quân đội của Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) tại miền Bắc sau khi ECOWAS và Bamako đã đạt được một thỏa thuận về vấn đề này. Mali và ECOWAS dự báo phải mất hai tháng để có thể đẩy lùi phiến quân.
Chính phủ Mỹ và Pháp đều tuyên bố ủng hộ cuộc can thiệp quân sự vào miền Bắc Mali với lý do đó là giải pháp cần thiết để mang lại hòa bình, an ninh cho quốc gia này.
Trong khi đó, ngày 28/9, hàng trăm người Mali đã xuống đường biểu tình tại Bamako để phản đối nước ngoài can thiệp quân sự vào Bắc Mali. Những người biểu tình phản đối thỏa thuận giữa chính phủ Mali và ECOWAS, cáo buộc tổng thống phản bội khi đề nghị Liên hợp quốc "bật đèn xanh" cho ECOWAS.
Một số nước láng giềng như Algeria, Mauritania và Niger phản đối việc triển khai lực lượng quân đội nước ngoài tại Mali./.
TTXVN