Thứ Ba, 12/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Tư, 2/6/2010 20:5'(GMT+7)

Chính phủ trình Quốc hội đồ án quy hoạch thủ đô

Đại biểu quốc hội xem sơ đồ quy hoạch Hà Nội. Ảnh: MINH ĐIỀN

Đại biểu quốc hội xem sơ đồ quy hoạch Hà Nội. Ảnh: MINH ĐIỀN

Theo báo cáo này, dự báo đến năm 2020 dân số Hà Nội vào khoảng 7,1-7,4 triệu người (hiện nay là trên 6,4 triệu người), tỷ lệ đô thị hóa đạt 64%. Đến năm 2030 khoảng 9-9,2 triệu người; đến năm 2050 khoảng 10,8 triệu người. Thủ đô Hà Nội sẽ được xây dựng theo mô hình một đô thị trung tâm làm hạt nhân kết nối với năm đô thị vệ tinh là Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên - Phú Minh, Sóc Sơn và các thị trấn sinh thái. Trục Thăng Long từ hồ Tây (Ba Đình) đến Ba Vì đi qua chuỗi đô thị mới và một số công trình kiến trúc văn hóa, lịch sử, giải trí tầm cỡ quốc gia và quốc tế, có đài độc lập và hệ thống công viên cảnh quan... Mạng lưới giao thông công cộng gồm hệ thống xe buýt nhanh, hệ thống sáu tuyến tàu điện ngầm/metro. Xây dựng mới tám tuyến đường sắt đô thị, kéo dài kết nối trung tâm với các đô thị vệ tinh. Từ đường vành đai 4 trở vào khu vực nội ô chủ yếu sẽ là hệ thống tàu điện ngầm.

Dự kiến, tổng kinh phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật khung cho cả giai đoạn 2010-2030 dự trù khoảng 60 tỷ USD (trong đó quá nửa là đầu tư cho giao thông – khoảng 33,3 tỷ USD). Cụ thể, giai đoạn từ nay đến 2020 Hà Nội sẽ đẩy mạnh xây dựng hạ tầng với tổng kinh phí 30,7 tỷ USD (giao thông chiếm 65%); đến năm 2030 kinh phí xây dựng hạ tầng tăng thêm khoảng 28,9 tỷ USD. Đến năm 2050 cần thêm khoảng 29,9 tỷ USD nữa để xây dựng khung hạ tầng kỹ thuật. Để phát triển đô thị và kết cấu hạ tầng, sẽ huy động tối đa nguồn vốn nội lực, chủ yếu từ quỹ đất, tài sản công thuộc sở hữu nhà nước. Thu hút vốn từ các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Huy động vốn ngân sách nhà nước, FDI, đặc biệt là vốn ODA để xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung cho giai đoạn 2010-2020.
Nêu ý kiến về đồ án trên, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền cho rằng, nhu cầu vốn đầu tư cho hạ tầng theo quy hoạch cần được tính toán kỹ hơn nữa để đáp ứng một số yêu cầu.

Thứ nhất là tính toán nhu cầu vốn cho thực hiện quy hoạch phải căn cứ vào những nội dung công việc cần phải làm để đạt mục tiêu của quy hoạch, không phải căn cứ vào những nội dung có thể làm được. Hai là sự phù hợp của nhu cầu vốn đầu tư cho hạ tầng để thực hiện đồ án với tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thủ đô trong các giai đoạn của quy hoạch. Ba là vốn đầu tư cho hạ tầng để thực hiện đồ án quy hoạch Thủ đô cần đặt trong cân đối vốn đầu tư tổng thể của cả nước cho các dự án, công trình khác (như phát triển điện hạt nhân, đường sắt cao tốc Hà Nội- TP Hồ Chí Minh...).

Ủy ban Kinh tế đề nghị, cần bảo đảm đúng quy định của Luật quy hoạch đô thị về việc công bố lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân để hoàn thiện đồ án. Mặt khác, cần nghiên cứu biện pháp, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giải thích những định hướng của đồ án để cơ quan, tổ chức và nhân dân nhận thức đúng, qua đó tránh sự xáo trộn về tâm lý của nhân dân, tránh lợi dụng, tạo đột biến về giá đất, về thị trường bất động sản. Đặc biệt, cần đề phòng những tác động không đúng đắn của các nhóm lợi ích ảnh hưởng tới các định hướng của đồ án quy hoạch. Về định hướng không gian đô thị, đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế đều cho rằng việc hình thành khu đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh được liên kết với nhau bởi các trục hướng tâm là phù hợp.

Tuy nhiên theo đồ án, đến năm 2030, dân số 5 đô thị vệ tinh khoảng 1,3- 1,4 triệu người. Nhiều ý kiến đề nghị cần làm rõ những động lực chính thúc đẩy sự phát triển của các đô thị vệ tinh, từ đó cân nhắc lại quy mô dân số ở các đô thị này, các khu đô thị mới liên quan đến cơ cấu lao động đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế ở các khu vực. Về trung tâm hành chính quốc gia mới, nhiều ý kiến cho rằng, với quy mô Thủ đô vào năm 2030, 2050 thì không thể để trung tâm hành chính như hiện nay (thực tế chưa có trung tâm hành chính quốc gia theo đúng nghĩa, các cơ quan nhà nước được đặt tại nhiều địa điểm phân tán); cần có một trung tâm hành chính quốc gia tương xứng với Thủ đô của quốc gia có bề dày lịch sử, truyền thống cách mạng, bản sắc văn hóa đang hội nhập và có vị trí quan trọng trong khu vực.

“Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, nếu đặt trung tâm hành chính quốc gia ở Ba Vì thì không phù hợp cả về mặt yếu tố lịch sử, văn hóa và quốc phòng an ninh, do vậy cần làm rõ cơ sở quy hoạch Trung tâm hành chính quốc gia tại Ba Vì, trong khi Trung tâm chính trị vẫn ở khu Ba Đình” – ông Hà Văn Hiền nói. Ý kiến khác đề nghị không nên tách biệt Trung tâm hành chính quốc gia khỏi trung tâm chính trị vì cho rằng chỉ có một trung tâm hành chính và chính trị quốc gia. Hơn nữa, đồ án chưa thể hiện rõ nét, kể cả bằng lời sự gắn kết giữa trung tâm hành chính và trung tâm chính trị hiện nay. Có ý kiến đề nghị cần nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước lập tách riêng khu vực hành chính có hiệu quả không?

Một số ý kiến khác băn khoăn với định hướng của đồ án “Kết thúc trục Thăng Long là khu đất dự trữ xây dựng các công trình của Chính phủ sau năm 2050. Bao gồm trụ sở của các Bộ, ngành, cơ quan Chính phủ, các công trình văn hóa...”  trong điều kiện hiện nay một số bộ, cơ quan Trung ương đã và đang xây dựng trụ sở làm việc mới.

Cũng trong sáng nay, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đậu tư Võ Hồng Phúc thừa ủy quyền Thủ tướng đã trình Quốc hội dự án Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 66/2006/QH11 ngày 29/6/2006 của Quốc hội về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.

Theo đó, có năm tiêu chí xác định các dự án, công trình quan trọng quốc gia, bao gồm: quy mô tổng vốn đầu tư từ 35.000 tỷ đồng trở lên đối với dự án, công trình có sử dụng từ 30% vốn Nhà nước trở lên trên tổng vốn đầu tư (hiện đang là 20.000 tỷ đồng trở lên); dự án công trình có ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường; dự án, công trình phải di dân tái định cư từ 20.000 người trở lên ở miền núi, từ 50.000 người trở lên ở các vùng khác; dự án, công trình đầu tư tại địa bàn đặc biệt quan trọng đối với quốc phòng, an ninh hoặc di tích quốc gia có giá trị đặc biệt quan trọng và dự án, công trình đòi hỏi phải áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được Quốc hội quyết định.

Ngoài ra, Ủy viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận đã trình Quốc hội về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011. Chiều nay, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi).
  
(SGGP)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất