Xét theo tiêu chí
Sau 4 tháng kể từ khi thông báo và tiếp nhận hồ sơ (từ 1/5/2008 đến 30/8/2008), sở TTTT đã nhận được 43 hồ sơ của 35 đơn vị tham gia giải thưởng CNTT-TT.
Giải thưởng được trao cho 4 nhóm gồm: doanh nghiệp (DN) có sản phẩm và giải pháp phần mềm(PM) tiêu biểu (nhóm 1); DN có sản phẩm phần cứng tiêu biểu (nhóm 2); DN cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng tiêu biểu (nhóm 3); DN ứng dụng CNTT-TT tiêu biểu (nhóm 4).
Các tiêu chí để các trao giải:
Nhóm 1:
-Tính phố biến của sản phẩm, giải pháp PM phải có: Doanh số cao, chiếm thị phần lớn trên thị trường; Có số lượng lớn cơ quan, tổ chức, DN sử dụng, triển khai sản phẩm, giải pháp; Có số lượng lớn người sử dụng sản phẩm, giải pháp
-Tính ưu việt của sản phẩm, giải pháp PM so với các sản phẩm, giải pháp PM hiện có trên thị trường: Giải pháp bảo mật thông tin; Khả năng tương thích; Khả năng phát triển mở rộng, giải pháp kỹ thuật; Các thuật toán sử dụng
Ngoài ra, các DN nhóm này phải có: Sản phẩm đã đạt được các giải thưởng trong thời gian 2 năm trở lại đây; có tốc độ tăng trưởng cao hơn về doanh số, thị phần, lợi nhuận và nhân lực (so sánh tăng trưởng của doanh số, thị phần, lợi nhuận và nhân lực của doanh nghiệp trong ít nhất 3 năm gần đây); Đã đạt các chứng chỉ chất lượng của ngành (ISO, CMMi, …); Sản phẩm đã được đăng ký và cấp giấy chứng nhận sở hữu trí tuệ, bản quyền PM.
Nhóm 2:
-Tính phổ biến của sản phẩm phần cứng: có doanh số cao, chiếm thị phần lớn trên thị trường; Có số lượng tiêu thụ lớn
-Bên cạnh đó cần có các tiêu chí như: Sản phẩm đã đạt được các giải thưởng trong thời gian 2 năm trở lại đây; có tốc độ tăng trưởng cao hơn về doanh số, thị phần, lợi nhuận và nhân lực (so sánh tăng trưởng của doanh số, thị phần, lợi nhuận và nhân lực của DN trong ít nhất 3 năm gần đây); Đạt được các tiêu chuẩn, chứng chỉ (trong nước và quốc tế) về chất lượng của ngành như: ISO,…; Sản phẩm đã được đăng ký và cấp giấy chứng nhận sở hữu kiểu dáng công nghiệp.
Nhóm 3:
-Đánh giá tính phổ biến của dịch vụ: Có doanh số cao, chiếm thị phần lớn trên thị trường; Có số lượng lớn người sử dụng dịch vụ
-Các tiêu chí khác cần có như: Sản phẩm, dịch vụ đã đạt được các giải thưởng trong thời gian 2 năm trở lại đây; DN có tốc độ tăng trưởng cao hơn về doanh số, thị phần, lợi nhuận và nhân lực (so sánh tăng trưởng của doanh số, thị phần, lợi nhuận và nhân lực của DN trong ít nhất 2 năm gần đây); Dịch vụ đã được đăng ký và cấp giấy chứng nhận sở hữu trí tuệ, bản quyền phần mềm, bản quyền tác giả. Các chứng chỉ chất lượng hiện có.
Nhóm 4:
-Hạ tầng: Trang web; Giải pháp mạng tổng thể: Có mạng nội bộ (LAN) _ Có trang bị hệ thống bảo mật, an toàn thông tin _ Có trang bị hệ thống an toàn, dự phòng điện, chống sét và phòng chống cháy nổ _ Các dịch vụ khác (bảo mật, wireless, VPN, Video conferencing, Voice IP,…); Trang thiết bị phần cứng; Trang bị hệ thống chữ ký số
-Ứng dụng PM: Thông dụng; chuyên dụng; Tính hệ thống PM (tính liên thông tích hợp, chia sẻ thông tin giữa các PM); Có sử dụng PM nguồn mở
-Nguồn nhân lực: Có cán bộ chuyên trách CNTT (chuyên viên quản trị hệ thống, PM ứng dụng…); Có lãnh đạo về CNTT (CIO); Trình độ CNTT của đội ngũ nhân viên; Quá trình phát triển, chuẩn hóa đội ngũ nhân sự (trong đó có trình độ về CNTT)
-Tính hiệu quả của việc ứng dụng CNTT trong quá trình quản lý sản xuất, kinh doanh: Tăng năng suất, tiết kiệm chi phí; Tăng cường hiệu quả công tác quản lý, kiểm tra, giám sát; Đổi mới, chuẩn hóa quy trình; Tạo sự thuận lợi cho khách hàng trong quy trình phục vụ; DN đạt các chứng chỉ chất lượng của ngành (ISO…); Có sự đánh giá tốt của khách hàng, đối tác.
Căn cứ theo các tiêu chí trên, sở TTTT TP.HCM đã chọn ra được các DN để trao giải gồm:
Nhóm 1:
1.Công ty TNHH Hệ Thống Thông Tin FPT (FIS) với sản phẩm “Kết nối ngân hàng với công ty chứng khoán FPT.SmartConnect”
2.Công ty cổ phần Thương Mại Công Nghệ Mới Kim Tự Tháp (Pythis), với sản phẩm “Hệ thống thông tin quản trị doanh nghiệp tổng thể PERP”
3.Công ty cổ phần Tin Học Lạc Việt với sản phẩm “Giải pháp lớn cho doanh nghiệp với chi phí nhỏ (Lạc Việt Gsme)”.
Nhóm 2:
1.Công ty CMS với sản phẩm “Máy tính để bàn”
2.Công ty CMS với sản phẩm “Máy tính xách tay”
3.Công ty Mekong Xanh với sản phẩm “Máy chủ”
Nhóm 3:
1. Công ty GHP Far East
2. Công ty TNHH Digi-Texx
3. Công ty TNHH Thương Mại Dịch vụ CNTT G.O.L (Golmart)
Nhóm 4:
1.Ngân hàng TMCP Đông Á
2.Công ty Mắt Bão
3.Công ty Điện Thoại Tây Thành Phố
Niềm tự hào
Đây không phải là lần đầu tiên các DN trong lĩnh vực CNTT được tôn vinh nhưng theo ông Lê Mạnh Hà, giám đốc sở TTTT TP.HCM cho biết: "Sự khác biệt của giải đây là lần đầu tiên do cơ quan quản lý Nhà Nước tổ chức, cụ thể là UBND TP.HCM, sau đó có giải thưởng của bộ TTTT và giải thưởng CNTT của TP.Hà Nội. Tất cả các giải thưởng CNTT khác đều không thuộc cơ quan quản lý Nhà Nước. Có thể nói, tính đến thời điểm hiện nay thì đây là giải đầu tiên của Nhà Nước. Do đó, về giá trị cũng như mức độ ảnh hưởng của giải sẽ rộng hơn đến các DN cũng như đến các cơ quan, ban ngành khác, thu hút được đông đảo người tham gia".
Ngoài ra, đây cũng là giải xét trên các tiêu chí của Nhà Nước. Người Việt Nam luôn coi trọng danh hiệu (thương hiệu) nên giải thưởng này còn có ý nghĩa động viên cũng như thúc đẩy ứng dụng sản xuất trong ngành CNTT là rất lớn, ông Hà cho biết thêm.
Các DN hoàn toàn có quyền tự hào về giải thưởng này vì TP.HCM là trung tâm kinh tế - khoa học kỹ thuật lớn nhất của cả nước, tập trung đông đảo các hoạt động.
DN tham gia giải lần này tuy chưa nhiều, chưa phổ biến nhưng tôi rất tâm đắc vì nó có ý nghĩa thiết thực, khuyến khích các DN trên địa bàn TP.HCM phát triển sản phẩm và dịch vụ có chất lượng, nâng cao khả năng cạnh tranh; khuyến khích các cơ quan, tổ chức và cộng đồng ứng dụng hiệu quả CNTT-TT… Nếu giải được tổ chức tốt ở những năm tiếp theo sẽ tác động sâu vào các DN, giúp họ có thêm động lực phấn đấu tốt hơn cũng như ứng dụng tốt hơn. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào việc nâng cao chất lượng của giải, kể cả về chất lượng.