Thứ Sáu, 4/10/2024
Cuộc sống số
Thứ Ba, 17/2/2009 21:36'(GMT+7)

Phát triển ngành công nghiệp phần mềm trong bối cảnh mới

Nhân viên Công ty phần mềm ESOFT phục vụ theo nhu cầu của khách hàng.

Nhân viên Công ty phần mềm ESOFT phục vụ theo nhu cầu của khách hàng.

Lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp Phần mềm Việt Nam (Vinasa) chính thức thông báo, trong năm 2008, ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam chỉ đạt tốc độ tăng trưởng ước khoảng 20%. Tốc độ tăng trưởng này đã giảm một nửa so với con số ấn tượng khoảng 40% tăng trưởng trong năm 2007, cũng thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu tăng trưởng 35% được ngành này dự báo vào đầu năm 2008. Và đương nhiên cũng thấp hơn tốc độ tăng trưởng mục tiêu 35 - 40%/năm được đề ra trong Chương trình phát triển ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam đến năm 2010 đã được Chính phủ phê duyệt.

Như vậy, nếu doanh số ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam năm 2007 đạt được khoảng 500 triệu USD thì với mức tăng chỉ 20%, doanh số của ngành này trong năm 2008 là khoảng 600 triệu USD (thấp hơn nhiều so với con số mục tiêu 670 triệu USD với tốc độ tăng trưởng khoảng 35%). Khi thị trường nước ngoài chiếm tỷ trọng khá lớn trong "chiếc bánh" thị phần của ngành CN phần mềm trong nước thì với tác động của suy thoái kinh tế, cắt giảm mức chi tiêu cho CNTT của các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài đang diễn ra mạnh mẽ, một phần "miếng bánh" đó bị thu nhỏ cũng không phải là quá bất ngờ. Khi mà nền kinh tế thế giới suy thoái diễn ra khá nhanh và bất ngờ, nằm ngoài dự báo của nhiều chuyên gia kinh tế thì một kịch bản xấu như vậy không được đưa vào kế hoạch xây dựng bản đồ phần mềm Việt Nam cũng là điều đương nhiên.

Ðiều đáng lo ngại là khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu chưa có dấu hiệu kết thúc và nhiều doanh nghiệp phần mềm Việt Nam, đặc biệt là những doanh nghiệp thực hiện gia công phần mềm với các đối tác chính là các doanh nghiệp nước ngoài tại Mỹ, châu Âu và Nhật Bản như FPT Software, NCS Corp., đã chính thức khẳng định khó khăn đã lan rộng và nhiều thách thức lớn hơn vẫn còn đang đón đợi họ trong năm 2009. Ðiều đó cũng có nghĩa là khó khăn và thử thách vẫn đang đón đợi ngành CN phần mềm Việt Nam ở phía trước, và nếu không có những biện pháp chủ động đối phó với thách thức rất có thể mục tiêu 800 triệu doanh số mà ngành CN phần mềm Việt Nam đặt ra đến năm 2010 lại thêm một lần lỗi hẹn.

Dẫu sao, trong khó khăn cũng vẫn hiện lên những điểm sáng tích cực, khi Việt Nam tiếp tục đứng trong danh sách Top 30 quốc gia hấp dẫn nhất về hợp tác gia công phần mềm trên thế giới, TP Hồ Chí Minh xếp thứ 4 trong danh sách Top 50 thành phố mới nổi hấp dẫn nhất về gia công phần mềm trên toàn cầu...

Ðồng thời, cũng xuất hiện những thời cơ lớn đối với chúng ta để hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài đến với phần mềm Việt Nam, ở một quốc gia mà chi phí nhân công vẫn là một lợi thế và có sự ổn định cao về mặt chính trị - xã hội. Các doanh nghiệp phần mềm cũng đừng quên một thị trường nội địa với khoảng 86 triệu dân với nhu cầu ứng dụng CNTT và phần mềm đang ngày càng gia tăng và tiềm năng còn vô cùng lớn.

Khó khăn và thách thức, phần lớn do những yếu tố khách quan, đang một lần nữa hiện hữu trước mắt ngành CN phần mềm Việt Nam, song cơ hội và lợi thế cũng không phải là nhỏ. Tuy nhiên, việc nắm bắt cơ hội và biến những lợi thế này thành kết quả phần lớn phụ thuộc vào thái độ hành động của chính các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý là nhanh hay chậm, chủ động hay thụ động./.
 
(Theo: Nhân dân ĐT)


 

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất