Thứ Tư, 2/10/2024
Xã hội
Thứ Năm, 27/11/2014 22:20'(GMT+7)

Chính sách an sinh xã hội đối với người cao tuổi ở Việt Nam

Ngày 27/11, tại Hà Nội, Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) phối hợp với Viện Chính sách Công và Quản lý (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân) tổ chức Hội thảo “Nhận thức và sự chuẩn bị cho tuổi già của người cao tuổi và vai trò chính sách an sinh xã hội ở Việt Nam”.

Tham dự Hội thảo có đại diện các Bộ, ban, ngành liên quan; đại diện các tổ chức quốc tế; các cơ quan thông tấn báo chí. Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi (NCT) Việt Nam chủ trì Hội thảo.

Hội thảo “Nhận thức và sự chuẩn bị cho tuổi già của người cao tuổi và vai trò chính sách an sinh xã hội ở Việt Nam” là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án Hợp tác Phát triển Đức - Việt do Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển CHLB Đức (BMZ) tài trợ.

Hội thảo nhằm chia sẻ tới các cơ quan, ban, ngành có liên quan và các đối tác phát triển quốc tế về những phát hiện của nghiên cứu về nhận thức và sự chuẩn bị cho tuổi già, cũng như kết quả đánh giá  mức độ đáp ứng của các chính sách hiện nay, đặc biệt là chính sách an sinh xã hội, đồng thời, đề xuất các định hướng và chính sách phù hợp hơn nữa cho mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi, hướng tới “Già hóa thành công”.

Theo PGS.TS. Giang Thanh Long, Viện trưởng Viện Viện Chính sách Công và Quản lý (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân), việc nghiên cứu về chủ đề nêu trên được tiến hành theo phương pháp khảo sát định tính. Địa bàn khảo sát là Thái Nguyên và Tiền Giang, thực hiện từ tháng 7/2014 đến tháng 11/2014. Đối tượng của nghiên cứu là nhóm người cao tuổi (60-69; 70-79, 80+), thành viên gia đình NCT, cấp lãnh đạo địa phương.

Theo kết quả nghiên cứu, dân số Việt Nam đang già hóa với tốc độ chưa từng có. Số người cao tuổi sẽ tăng gấp ba vào năm 2050, tương đương tăng từ 10%-26% dân số. Với mức lương hưu hiện nay còn thấp, phần lớn người cao tuổi sống dựa vào người thân trong gia đình hoặc tự làm việc để nuôi sống bản thân.

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, cấu trúc gia đình truyền thống đang dần biến mất, người cao tuổi ngày càng chỉ biết dựa vào sức mình.

Phụ nữ lớn tuổi thực sự là đối tượng dễ bị tổn thương. Nguyên nhân do phụ nữ thường làm việc trong khu vực phi chính thức, thu nhập không ổn định khiến họ khó có thể tiết kiệm, tích lũy cho bản thân và chuẩn bị cho tuổi già.

Chính vì vậy, với cơ cấu dân số đang thay đổi nhanh chóng ở Việt Nam, cần xây dựng một chiến lược lâu dài nhằm thích ứng và đáp ứng các nhu cầu của người cao tuổi.

Nghiên cứu cũng chỉ ra cách thức thế hệ trẻ đang chuẩn bị như thế nào khi họ về già trong thời gian tới, đồng thời nhấn mạnh vai trò của hệ thống an sinh xã hội trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho cả nam và nữ cao tuổi nhằm đảm bảo hướng tới già hóa thành công./.

TG

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất