Cải cách chưa đủ mạnh
Chuyên gia kinh tế P.Ô Ke-phê của WB cho rằng, tình trạng già hóa
dân số tại Việt Nam đang gây ra những thách thức với các nhà hoạch định
chính sách, chủ doanh nghiệp, người lao động (NLĐ) và người dân. Trong
đó, thách thức lớn nhất chính là tỷ lệ tham gia BHXH thấp. Hiện Việt
Nam mới chỉ đạt khoảng hơn 22% lực lượng lao động, trong khi phần lớn
chỉ được hưởng một khoản hưu trí xã hội nhỏ (trợ cấp xã hội) nếu sống
đến 80 tuổi. Mục tiêu của Việt Nam là nâng tỷ lệ NLĐ tham gia BHXH bắt
buộc lên 50% vào năm 2020 nhưng sẽ khó đạt được nếu không cải cách
chính sách và tăng chi tiêu công. Tỷ lệ tham gia BHXH bắt buộc hiện nay
mới đạt khoảng 22% nhưng còn cách xa tỷ lệ gộp 38% số NLĐ ăn lương mọi
hình thức được thống kê trong năm 2014. Đây cũng là thách thức chung
tại các nước đang phát triển khi muốn mở rộng đối tượng tham gia trong
khu vực phi chính thức. Luật BHXH năm 2014 đã cho phép NLĐ khu vực phi
chính thức đóng góp một khoản tương ứng nhằm khuyến khích sự tham gia
của họ. Theo đánh giá của WB, cách làm này hay nhưng hiện vẫn còn quá
sớm để khẳng định nó có hiệu quả, giúp làm tăng số người tham gia hay
không.
Dù Luật BHXH năm 2014 đã thực hiện một số cải cách đáng kể nhưng
chưa đủ mạnh để khôi phục cân đối tài chính quỹ hưu trí. Đó là các yếu
tố chính dẫn đến mất cân đối quỹ hưu trí hoặc vẫn chưa được sửa đổi
(tuổi về hưu) hoặc sửa đổi chưa đủ mức (tỷ lệ hưởng và quy định về hưu
trước tuổi). Bên cạnh đó, mức hưởng hưu trí được cho là khá “hào phóng”
của Việt Nam, Luật BHXH 2014 quy định tỷ lệ hưởng hưu trí trên mỗi năm
đóng BHXH là 3% đối với nữ và 2,25% đối với nam. Theo WB, so với tiêu
chuẩn quốc tế, tỷ lệ hưởng rất cao và không bền vững xét về mặt tài
chính. Tuy tỷ lệ cao như vậy, nhưng mức hưởng vẫn thấp do hầu hết NLĐ
chỉ tham gia BHXH mới dựa trên lương cơ bản và thường là dựa trên lương
tối thiểu. Hiện Luật BHXH bắt đầu thực hiện cải cách nhằm mở rộng cơ
sở tính đóng góp không chỉ lương cơ bản mà gồm cả phụ cấp, thưởng và
các chế độ trả công khác. Đây được đánh giá là những bước đi đúng nhằm
giải quyết vấn đề nêu trên.
Mục tiêu mở rộng đối tượng
Theo chuyên gia cao cấp về an sinh xã hội C.Pây-ron Bi-xta (Tổ chức
Lao động quốc tế tại Việt Nam): Việt Nam có tốc độ già hóa dân số rất
nhanh, nếu như năm 2008 có 8,9 triệu người trong độ tuổi hưu, đến năm
2030 con số này sẽ là 21 triệu người. Tỷ lệ người già phụ thuộc sẽ tăng
rất nhanh so với các nước khác trong khu vực Đông -Nam Á và các nước
có cùng mức thu nhập. Như vậy, hệ thống BHXH ở Việt Nam phải tính toán
để bảo đảm tính đầy đủ và tính bền vững trong mọi cải cách hệ thống.
WB cũng khuyến nghị Việt Nam muốn nâng tỷ lệ tham gia hưu trí trong
khu vực phi chính thức, cần xem xét mở rộng các chương trình trợ giá
của Nhà nước để “lôi kéo” NLĐ khu vực phi chính thức tham gia BHXH,
BHYT. Đồng thời, biện pháp quan trọng cần thực hiện là dần dần nâng
tuổi về hưu chính thức, tiến tới nâng tuổi về hưu nam, nữ bằng nhau
(mục tiêu cuối cùng 65 tuổi với cả hai giới, trước mắt tăng 4- 6
tháng/năm); cần giảm mức hưởng cho mỗi năm về hưu sớm, tăng mức cắt
giảm từ 2% lên 4 đến 5% đối với mỗi năm về hưu sớm...
Thứ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho biết:
Việt Nam đang bước qua giai đoạn “cơ cấu dân số vàng”, tuy nhiên ba
phần tư số người trong độ tuổi lao động chưa được nâng đỡ bởi mạng lưới
an sinh nào và chỉ có hơn 12,5 triệu người tham gia BHXH. Do đó, việc
mở rộng đối tượng là nhiệm vụ quan trọng nhất mà Luật BHXH hướng tới.
Để bảo đảm tính ổn định lâu dài, Luật BHXH phải tiếp tục điều chỉnh lại
mức đóng và mức hưởng. Đồng thời phải đa dạng hóa các hình thức tham
gia BHXH để đáp ứng nhu cầu của người tham gia.
Cùng với đó, khi nhận thức của các đối tượng chịu tác động trực tiếp
bởi các quy định này chưa đầy đủ sẽ xảy ra hiện tượng thiếu trung thực
trong kê khai, gian lận về số lượng và đóng BHXH không đúng, không đủ.
Điều này đã tồn tại và kéo dài trong nhiều năm, đặc biệt phổ biến ở
khu vực ngoài nhà nước, các doanh nghiệp vừa và nhỏ mà từ lâu các cơ
quan quản lý, cơ quan tổ chức thực hiện thiếu công cụ, kiểm soát không
hiệu quả. Từ những hạn chế nêu trên, thời gian tới cần tuyên truyền một
cách sâu rộng những nội dung cơ bản nhất của Luật BHXH, đối với các
cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức và trước hết tập trung nâng cao
nhận thức của các đối tượng chịu tác động trực tiếp của các quy định
trong Luật. Bên cạnh đó, bảo đảm đúng tiến độ trong việc thực hiện xây
dựng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật BHXH với chất lượng
cao, thuận tiện trong thực thi và khả thi trong áp dụng. Đồng thời, chủ
động xác định nguồn lực tài chính hỗ trợ cho người lao động tham gia
BHXH tự nguyện theo các phương án khác nhau để trình Chính phủ sớm
quyết định những quy định đã ghi trong Luật: thời điểm, mức hỗ trợ, đối
tượng nhận hỗ trợ và thời hạn hỗ trợ... để tăng nhanh diện bao phủ.
Phấn đấu đến năm 2020, có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH,
35% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Việt Nam chuẩn bị bước vào giai đoạn già hóa dân số với
tốc độ rất nhanh. Theo thống kê của WB, năm 2016, Việt Nam có khoảng 7%
dân số từ 65 tuổi trở lên, tương đương 6,5 triệu người; hơn 10% số người
từ 60 tuổi trở lên. Đến năm 2040, dự báo số người từ 65 tuổi trở lên sẽ
tăng gấp ba lần, đạt khoảng 18,4 triệu người (chiếm khoảng 17% dân số).
Nói cách khác, tỷ lệ người sống phụ thuộc (số người từ 65 tuổi trở lên
so với nhóm người trong độ tuổi lao động) dự tính sẽ tăng gần ba lần, từ
10% lên khoảng 26% năm 2040. |