Thứ Bảy, 12/11/2016 8:31'(GMT+7)
Chính sách đối nội và đối ngoại của ông D.Trump có gì mới?
Ứng cử viên Donald Trump của đảng Cộng hòa đã được cử tri Mỹ lựa chọn làm Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. Tuy nhiên, là một chính khách đi lên từ giới doanh nghiệp, ông Trump có nhiều quan điểm chính trị khác biệt so với các chính khách truyền thống. Những khác biệt này thể hiện trong các phát biểu về chính sách đối nội và đối ngoại của ông trong suốt quá trình vận động tranh cử và sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 vào ngày 8-11 vừa qua.
Về đối nội, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã đưa ra rất nhiều tuyên bố và cam kết khi vận động tranh cử cũng như sau khi giành chiến thắng trước ứng cử viên của đảng Dân chủ Hilary Clinton (Hi-la-ri Clin-tơn), như hành động để phục hưng nước Mỹ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hướng tới mục tiêu tăng gấp đôi mức tăng Tổng sản phẩm quốc nội, cắt giảm thuế, tăng chi tiêu chính phủ (nhất là cho cơ sở hạ tầng)..., rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và sẽ đàm phán lại các điều khoản của Hiệp định tự do thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) khi cho rằng các hiệp định thương mại lớn cũng như hoạt động cho thuê ngoài mà nước Mỹ đang thúc đẩy là nguyên nhân khiến nền kinh tế trong nước tăng trưởng chậm.
Không dừng lại ở đó, ông khẳng định sẽ đảo ngược các chính sách năng lượng và khí hậu của chính quyền tiền nhiệm mà ông cho là đang “phá hủy cơ hội việc làm của người Mỹ”. Đặc biệt, ông khẳng định sẽ hủy bỏ cam kết của Washington trong thỏa thuận biến đổi khí hậu ký kết tại Paris, Pháp hồi tháng 12-2015 và ủng hộ dự án đường ống dẫn dầu Keystone XL nối giữa Canada và Mỹ đã bị Tổng thống Barack Obama (Ba-rắc Ô-ba-ma) bác bỏ vì các vấn đề môi trường.
Liên quan đến vấn đề súng đạn gây nhức nhối nước Mỹ, ông Trump cho biết sẽ phủ quyết mọi dự luật kiểm soát súng đạn mới.
Một chủ đề khác được ông Trump nhiều lần đề cập là vấn đề người Hồi giáo và người nhập cư. Ông Trump từng gây tranh cãi với tuyên bố "cấm cửa" tất cả người Hồi giáo nhập cảnh Mỹ, đồng thời muốn xây tường rào để phong tỏa biên giới phía Nam của Mỹ với Mexico. Chính khách - doanh nhân này cũng khẳng định sẽ trục xuất hàng triệu người nhập cư bất hợp pháp thông qua việc siết chặt kiểm soát biên giới và tăng mức phạt đối với những người vi phạm quy chế thị thực. Ông cũng đề xuất mở một cuộc cạnh tranh để người dân tự chọn bảo hiểm ở các bang, đồng thời thỏa thuận với những bệnh viện để cung cấp bảo hiểm cho người nghèo.
Về đối ngoại, ông Trump cho rằng lợi ích của nước Mỹ sẽ được bảo vệ tốt hơn từ việc giảm cam kết với bên ngoài và đặt lợi ích của đất nước và người dân lên trên hết. Xuất phát từ quan điểm vị thế cường quốc của Mỹ đang ngày càng mờ nhạt, ông cam kết sẽ dùng thương lượng kinh tế để khôi phục vị trí trung tâm của Mỹ trên trường quốc tế. Tổng thống đắc cử Trump nhìn nhận mọi cuộc xung đột quốc tế dưới góc độ của một cuộc thương lượng và khẳng định chính quyền mới sẵn sàng hợp tác với các nước khác trên thế giới, tìm kiếm những nền tảng chung và hướng tới quan hệ đối tác thay vì xung đột.
Theo Tổng thống đắc cử Trump, thế giới hiện nay đang dựa quá nhiều vào ảnh hưởng và tiền bạc của Mỹ, trong khi đó Liên hợp quốc và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là hai tổ chức quá tốn kém. Ông chỉ trích NATO đã trở nên "lỗi thời" và tuyên bố sẽ buộc các nước đối tác của Mỹ phải đóng góp nhiều hơn trong các hoạt động đảm bảo an ninh, quốc phòng trên tinh thần chia sẻ công bằng trách nhiệm. Theo ông, các quốc gia đồng minh của Mỹ đã được hưởng lợi từ “chiếc ô an ninh” của Washington, nhưng lại chưa chia sẻ trách nhiệm tài chính một cách tương xứng.
Bên cạnh đó, ông Trump cũng tuyên bố sẽ sử dụng “đòn bẩy kinh tế của Mỹ” nhằm thuyết phục Trung Quốc kiềm chế chương trình hạt nhân gây tranh cãi của CHDCND Triều Tiên. Ông thậm chí còn để ngỏ khả năng đối thoại trực tiếp với nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong Un (Kim Châng Un), đồng thời mong muốn tìm kiếm các mối quan hệ tốt đẹp hơn với Nga và Trung Quốc.
Các chuyên gia phân tích nhận định rằng, Quốc hội mới do đảng Cộng hòa kiểm soát nhiều khả năng sẽ ủng hộ Tổng thống đắc cử Trump trong các nội dung như giảm thuế, củng cố quân đội và đảo ngược các chính sách của Tổng thống Barack Obama liên quan tới người di cư, năng lượng và môi trường. Tuy nhiên, ông Trump sẽ gặp khó khăn trong việc thuyết phục các nghị sỹ Cộng hòa đồng tình với đề xuất mở rộng cơ sở hạ tầng, thu hẹp vai trò của Mỹ trong NATO, quan hệ Nga - Mỹ hay giới hạn nhiệm kỳ Quốc hội.
Mặc dù ông Trump bị đánh giá là chưa rõ ràng và thiếu nhất quán trong tầm nhìn chiến lược cho các chính sách đối nội và đối ngoại, song cử tri Mỹ đã lựa chọn ứng cử viên mà họ đặt nhiều hy vọng có thể làm thay đổi tương lai của nước Mỹ cũng như cuộc sống của chính họ.
Chưa rõ Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ điều chỉnh các chính sách của chính quyền tiền nhiệm đến đâu, nhưng chắc chắn rằng ông cần một đội ngũ đủ mạnh cũng như có nhiều tiềm năng để có thể vượt qua những khó khăn thách thức để điều hành đất nước, “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” đúng như khẩu hiệu mà ông đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử./.
Thanh Lâm (tổng hợp/TTXVN)