Chủ Nhật, 24/11/2024
Diễn đàn
Thứ Năm, 3/7/2014 10:45'(GMT+7)

Chính sách hai mặt của Trung Quốc với ASEAN trong vấn đề Biển Đông

Trung Quốc tiến hành chia rẽ, phân hóa các nước ASEAN nhằm phân tán sức mạnh đoàn kết của ASEAN. Một khi ASEAN bị chia rẽ, không coi Biển Đông là vấn đề chung của hiệp hội mà chỉ là vấn đề giữa Trung Quốc với một nước ASEAN thì Trung Quốc có thể dễ đạt được các thỏa hiệp có lợi nhất về vấn đề Biển Đông. Nhằm mục tiêu ấy, Trung Quốc đã lợi dụng sự bất đồng về lợi ích, về quan điểm giải quyết các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông của các nước ASEAN có tuyên bố chủ quyền để gây chia rẽ, không để các nước này đoàn kết thành một khối đối trọng với Trung Quốc. Bên cạnh đó, Trung Quốc sử dụng con bài viện trợ để các nước này vì lợi ích quốc gia trước mắt mà không ủng hộ các nước ASEAN khác trong “hồ sơ Biển Đông”; chủ trương đàm phán riêng rẽ đối với các nước có liên quan trực tiếp đến tranh chấp ở Biển Đông để đạt lợi ích riêng. Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng đối với các nước ASEAN khác nhằm tách họ khỏi các vấn đề Biển Đông, tập trung vào bao vây, cô lập Việt Nam với các nước ASEAN, vì Trung Quốc cho rằng, Việt Nam là lực cản lớn nhất đối với chiến lược độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.

Trung Quốc chủ trương chủ yếu đàm phán song phương với từng nước ASEAN, không đàm phán chung với cả hiệp hội về vấn đề Biển Đông. Chủ trương của Trung Quốc là thể hiện chủ quyền ở Biển Đông thuộc về Trung Quốc và làm giảm vai trò, sức mạnh tập thể của ASEAN trong các vấn đề an ninh khu vực, qua đó làm tăng vai trò nước lớn của Trung Quốc.

Cùng với việc phản đối đàm phán về vấn đề Biển Đông với ASEAN, Trung Quốc đồng thời vô hiệu hóa các nội dung về Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà hai bên đã ký kết năm 2002. Trung Quốc luôn nói tuân thủ DOC nhưng thực tế, Trung Quốc trắng trợn hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam từ ngày 1-5-2014, đưa các tàu, kể cả tàu chiến và máy bay quân sự chủ động đâm va, dùng vũ lực đối với các lực lượng dân sự thi hành pháp luật của Việt Nam, đâm chìm tàu cá của ngư dân ta, đe dọa an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông, bất chấp phản đối của Việt Nam và nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế.

Trung Quốc tìm lý do trì hoãn bàn với ASEAN về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Trong khi chưa hoàn tất COC, Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng DOC!

Trung Quốc cũng lôi kéo ASEAN ngăn chặn ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực. Trung Quốc luôn coi Đông Nam Á là “khu vực ảnh hưởng truyền thống” của mình. Trước việc Mỹ thực hiện chính sách “tái cân bằng” ở khu vực, lấy Biển Đông làm khâu đột phá để làm suy yếu ảnh hưởng của Trung Quốc, nước này đã tìm cách phản công lại bằng cách quy kết lập trường của Mỹ về Biển Đông chỉ mang lại lợi ích cho Mỹ, không có lợi cho ASEAN.

Trung Quốc ban hành các quy định về vùng đặc quyền kinh tế, cấm các nước khác khảo sát, đo đạc trong vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc; phản đối hoạt động của các tàu do thám Mỹ, muốn đẩy Hải quân Mỹ ra khỏi Biển Đông nhằm phá thế bao vây về quân sự của Mỹ. Đồng thời, Trung Quốc có ý đồ dùng quân sự để khống chế các đường hàng hải quốc tế ở Biển Đông, nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực và hạn chế khả năng Mỹ can thiệp vào vấn đề Đài Loan khi có tình huống xảy ra.

Trung Quốc đang thực hiện ý đồ kiểm soát Biển Đông bằng “sức mạnh mềm”, đồng thời độc đoán, liều lĩnh hơn trong khẳng định yêu sách chủ quyền. Trung Quốc tăng cường đầu tư cho quân sự, quyết tâm thực hiện ba nhiệm vụ quan trọng là: Mạnh về hải quân để trở thành cường quốc biển; chạy đua trên vũ trụ; giành ưu thế về công nghệ thông tin, chiến tranh mạng.

Kể từ năm 1988 đến nay, Trung Quốc đã tăng ngân sách quốc phòng lên 13 lần, do đó, quân đội Trung Quốc đã có hải quân vào loại mạnh nhất châu Á. Hải quân và kiểm ngư Trung Quốc tăng cường hoạt động ở khu vực “đường lưỡi bò” để gây sức ép với các nước ASEAN, tạo sự lo ngại va chạm của các nước có liên quan để các nước này không dám phản đối Trung Quốc. Nước này đã sử dụng các tàu thăm dò, tàu đánh cá hoạt động ở những vùng tranh chấp và tiến hành các biện pháp nhằm dân sự hóa sự hiện diện của Trung Quốc.

Song song với việc áp đặt chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa, ngang nhiên đưa nhiều tàu đánh cá vào hoạt động ở ngư trường truyền thống của Việt Nam, Trung Quốc còn phái một đoàn tàu đánh cá đến Trường Sa. Khi dựa trên một đoàn tàu “dân sự” ngày càng mạnh của Cục Quản lý Đại dương hay của Cơ quan Ngư chính, mà tàu, thuyền được trang bị vũ khí hạng nặng, Trung Quốc đang dùng chính sách “sự đã rồi” để áp đặt chủ quyền của họ.

Trung Quốc cũng phản đối “quốc tế hóa” vấn đề Biển Đông, tránh đưa tranh chấp ra các cơ chế phán quyết quốc tế. Trung Quốc luôn yêu cầu đàm phán song phương với từng nước tranh chấp chủ quyền ở Trường Sa, luôn khước từ một bên thứ ba can thiệp vào những tranh chấp trên Biển Đông vì muốn dùng áp lực nước lớn “nói chuyện” với các nước nhỏ; phản đối Phi-líp-pin, Việt Nam đưa vấn đề tranh chấp ra Tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế (PCA). Trung Quốc né tránh sử dụng luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, điều này chứng tỏ Trung Quốc yếu thế về cơ sở pháp lý trong các yêu sách chủ quyền phi lý của họ trên Biển Đông.

Gần đây, Trung Quốc chủ động yêu cầu Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) cho lưu hành bức thư vu khống Việt Nam đến tất cả 193 quốc gia thành viên của tổ chức quốc tế này. Khỏi phải nói, Trung Quốc “đổi trắng thay đen” thế nào. Thử hỏi, nếu đã gửi công hàm “phản đối” Việt Nam lên LHQ thì liệu Trung Quốc có chấp thuận để cho tổ chức này phân xử những tranh chấp không? Chắc chắn là không. Sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế với hành động của Trung Quốc ngày càng mạnh mẽ và việc Trung Quốc gửi “thư phản đối” lên Tổng Thư ký LHQ không chỉ là để bác bỏ công hàm trước đó của Việt Nam gửi Tổng Thư ký LHQ, mà chính là một nỗ lực làm giảm bớt sức cộng hưởng của vấn đề này trong dư luận thế giới. Phải chăng, Trung Quốc gửi thư này là muốn LHQ sẽ “hợp thức hóa” việc họ hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển của Việt Nam? Kháng thư gửi LHQ còn có thể được hiểu rằng, Trung Quốc sẽ có những bước leo thang mới trên Biển Đông và tìm cách xoa dịu trước những tác động tiêu cực tiềm năng do hành động của họ gây nên.

Thiếu tướng NGUYỄN HỒNG QUÂN (Phó viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng)

(Nguồn: QĐND)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất