Thứ Bảy, 26/10/2024
Tuyên truyền
Thứ Ba, 13/9/2016 16:31'(GMT+7)

Chính sách pháp luật, về tôn giáo, tín ngưỡng của Việt Nam: 25 năm nhìn lại

Ngày 13/9, tại Hà Nội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Chính sách, pháp luật về tôn giáo, tín ngưỡng của Việt Nam: 25 năm nhìn lại”.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tham dự và phát biểu tại Hội thảo.

Theo đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Hội thảo nhằm đánh giá hiệu quả của chính sách về tôn giáo, tín ngưỡng của Việt Nam trong thời kỳ đổi mới đối với đồng sống xã hội nói chung, đời sống tôn giáo nói riêng; đồng thời cung cấp những luận cứ khoa học về cơ sở thực tiễn cho việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về tôn giáo, tín ngưỡng của Việt Nam trong thời gian tới. 

Công cuộc đổi mới đất nước từ năm 1986 đến nay đã làm thay đổi sâu sắc, toàn diện các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuy nhiên đất nước cũng đang đối mặt với những thách thức to lớn. Tình hình thế giới và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Ở trong nước, giai đoạn này tôn giáo, tín ngưỡng có nguy cơ bị lợi dụng hoặc trở thành phương tiện cho các thế lực chống phá công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam... Trước tình hình đó, để xử lý đúng đắn những vấn đề mới nảy sinh từ thực tiễn và thực hiện tốt hơn nữa chính sách tôn giáo, tín ngưỡng, phát huy nguồn lực con người đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển bền vững đất nước, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị về công tác tôn giáo. 

Gần đây nhất Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã nhấn mạnh: cần hoàn thiện, phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo; quan tâm và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt theo hiến chương và điều lệ đã được Nhà nước công nhận, theo quy định của Pháp luật, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Các văn bản của Đảng, Nhà nước được ban hành đã từng bước đi vào cuộc sống, mang lại khởi sắc mới cho đời sống, tín ngưỡng tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam. Cộng đồng đồng bào có tôn giáo, tín ngưỡng ở nước ta, góp phần tích cực trong công tác đối ngoại của Nhà nước Việt Nam trên lĩnh vực tôn giáo và nhân quyền. 

Tại hội thảo, các đại biểu đi sâu phân tích, làm rõ quan điểm đổi mới về lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng và công tác tôn giáo của Đảng từ năm 1990 đến nay; thành tựu, hạn chế trong chính sách, pháp luật về tôn giáo, tín ngưỡng của Việt Nam trong 25 năm qua. 

Ở Việt Nam, vài thập niên trở lại, nhìn chung các tôn giáo có sự phát triển về tín đồ, chức sắc, nhà tu hành; cơ sở thờ tự được xây dựng mới khá nhiều. Tổ chức giáo hội được củng cố từ cấp trung ương đến cấp cơ sở. Các tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận đều hoạt động theo đúng giáo luật và pháp luật, gắn bó với dân tộc, tập hợp tín đồ trong khối đại đoàn kết toàn dân. Tuy nhiên, từ năm 1991 đến nay, tình hình tôn giáo ở Việt Nam cũng diễn biến theo chiều hướng khá phức tạp. Để xử lý đúng đắn những vấn đề mới nảy sinh từ thực tiễn và thực hiện tốt hơn nữa chính sách tôn giáo, tín ngưỡng Đảng đã có nhận thức mới về tôn giáo thể hiện rõ trong Nghị quyết 24 của Ban chấp hành Trung ương về tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới và Nghị quyết 25 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa 9) về công tác tôn giáo. 

PGS.TS Nguyễn Thanh Xuân, Viện nghiên cứu tôn giáo, tín ngưỡng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định: khi xây dựng Luật tín ngưỡng, tôn giáo, cần rà lại các vấn đề lớn của các quy định pháp luật hiện hành về nội dung hoạt động tôn giáo, hình thức quản lý hoạt động tôn giáo, đầu mối quản lý hoạt động tôn giáo.

TS Hoàng Văn Chung (Viện Nghiên cứu tôn giáo, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) nhìn nhận, tôn giáo có thể có đóng góp rất ý nghĩa đối với mở rộng phúc lợi xã hội, cung cấp dịch vụ xã hội, giáo dục và khuyến khích công dân sống có trách nhiệm hơn đối với đất nước. Thực tế, Nhà nước không thể và cũng không nên cáng đáng toàn bộ công việc cung cấp phúc lợi xã hội,đặc biệt là công tác từ thiện xã hội, ứng cứu lúc thiên tai, hỗ trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi, người mắc tệ nạn xã hội. Trong khi đó, các tôn giáo với sức mạnh của niềm tin tôn giáo và đạo đức tôn giáo, có thể làm tốt những việc này. Tạo hành lang pháp lý phù hợp là cách khôn ngoan để giải phóng sức mạnh của họ và ba bên: Nhà nước, tổ chức tôn giáo và người dân thuộc đối tượng hưởng phúc lợi xã hội sẽ cùng có lợi.

Hội thảo đã cung cấp những luận cứ khoa học va cơ sở thực tiễn xác đáng cho việc tiếp tục hoàn thiện chính sách và pháp luật về tôn giáo, tín ngưỡng của Việt Nam trong thời gian tới; đưa ra giải pháp giải quyết căn bản những vướng mắc giữa các tôn giáo, thực hiện chính sách hòa hợp dân tộc, đoàn kết tôn giáo, nhằm huy động sức mạnh của các tôn giáo tham gia xây dựng đất nước.

 

 


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất