Thứ Hai, 25/11/2024
Thế giới
Thứ Sáu, 9/12/2016 23:5'(GMT+7)

Chính trường Italy lại đối mặt với thách thức

Thủ tướng Italy Matteo Renzi tuyên bố từ chức tại cuộc họp báo ở Rome ngày 5/12. Ảnh: AFP/TTXVN

Thủ tướng Italy Matteo Renzi tuyên bố từ chức tại cuộc họp báo ở Rome ngày 5/12. Ảnh: AFP/TTXVN

Cử tri Italy đã thể hiện quan điểm một cách khá rõ ràng trong cuộc trưng cầu ý dân tổ chức ngày 4/12 vừa qua, với gần 60% số cử tri phản đối kế hoạch cải cách hiến pháp do chính phủ của ông Matteo Renzi đề xuất. Phe nói "không" với cải cách hiến pháp đã lôi kéo được sự ủng hộ của số cử tri có quan điểm chống lại các biện pháp khắc khổ và đang quan ngại về nền kinh tế của Italy, cũng như số cử tri phản đối chính sách nhập cư và đang cảm thấy "chán ghét" giới chính trị gia chuyên nghiệp.

Quyết định từ chức nhanh chóng của ông Renzi, cộng với những phản ứng khá điềm tĩnh của các thị trường quốc tế trước kết quả của cuộc bỏ phiếu này, cho thấy hậu quả trước mắt là không đến mức nghiêm trọng như một số giới ở Italy cũng như nhiều nơi khác đã dự kiến. Mặc dù vậy, những rắc rối về chính trị và tài chính của Italy dự kiến sẽ kéo dài cũng như có nguy cơ đe dọa Khu vực đồng euro (Eurozone).

Trên thực tế, kể từ tháng 2/2008 tới nay, Italy đã trải qua 4 đời thủ tướng. Kinh tế nước này cũng đang trong giai đoạn phục hồi mong manh từ giữa năm ngoái sau khi thoát khỏi vào cuộc suy thoái nặng nề nhất và kéo dài nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, vốn bắt đầu từ quý II/2011 với nợ công chiếm 133% tổng sản phầm quốc nội (GDP). Mọi sự bất ổn trên chính trường Italy đều sẽ ảnh hưởng tới tình hình kinh tế nước này.

Không giống cuộc trưng cầu ý dân ở Anh mà kết quả là Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), các vấn đề rắc rối trong cuộc bỏ phiếu ở Italy dường như không có mối liên hệ trực tiếp đến EU. Tuy nhiên, cuộc trưng cầu ý dân này đã làm dấy lên những câu hỏi về tương lai của Eurozone và gia tăng sự quan ngại ở Italy về những gì sẽ xảy ra sau cuộc tổng tuyển cử kế tiếp. Hai đảng đối lập chủ chốt vốn phản đối kế hoạch cải cách của ông Renzi - đảng Phong trào 5 Sao (M5S) có quan điểm kháng chính thống và đảng Liên đoàn phương Bắc (LN) có quan điểm chống nhập cư - hy vọng sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về tư cách thành viên của Italy trong Eurozone.

Thượng viện Italy trước cuộc bỏ phiếu về dự thảo ngân sách năm 2017 tại thủ đô Rome ngày 7/12. Ảnh: AFP/TTXVN

Nếu một trong hai đảng nói trên, hoặc một lực lượng khác có quan điểm hoài nghi về đồng euro, tìm cách nắm giữ được quyền lực trong cuộc tổng tuyển cử kế tiếp và tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về đồng euro, cử tri Italy có thể sẽ lựa chọn việc rút khỏi Eurozone. Nhưng trên thực tế, một cuộc bỏ phiếu như vậy là không cần thiết, bởi vì chỉ cần mới công bố tiến hành trưng cầu ý dân về vấn đề này cũng đã có thể làm cho nhiều nhà đầu tư tháo chạy khỏi các ngân hàng ở Nam Âu, dẫn đến sự sụp đổ của Eurozone. Mặc dù kịch bản đó ít có khả năng xảy ra, nhưng nó vẫn không thể bị loại trừ.

Nhằm giảm bớt sự quan ngại về khả năng giành thắng lợi trong tương lai của các chính đảng có quan điểm hoài nghi đối với đồng euro, Quốc hội Italy nhiều khả năng sẽ bổ nhiệm một chính phủ mới trong vài ngày tới. Mục tiêu của chính phủ này sẽ là cải cách luật bầu cử hiện nay của Italy (gọi tắt là Italicum). Theo luật bầu cử này, vẫn chưa được áp dụng kể từ khi được thông qua vào năm 2015 và vẫn đang đối mặt với một số thách thức pháp lý tại Tòa án Hiến pháp, đảng nào giành thắng lợi trong cuộc bầu cử với hơn 40% số phiếu thì đảng đó đương nhiên được nhận 55% số ghế. Nếu không có đảng nào giành đủ mức 40% phiếu, hai đảng có số phiếu ủng hộ cao nhất sẽ bước vào vòng hai. Nhân vật kế nhiệm ông Renzi có thể sẽ tìm cách thay thế quy định này bằng cơ chế phân bổ số ghế theo tỷ lệ phiếu, buộc các đảng phải thành lập liên minh và giảm bớt cơ hội của M5S trong việc tiếp cận quyền lực. M5S lâu nay luôn từ chối liên minh với những đảng khác.

Nhưng cho dù có xoa dịu được nguy cơ phải tổ chức bầu cử sớm, một chính phủ mới sẽ không giải quyết được các vấn đề của Italy. Tỷ lệ tăng trưởng chậm chạp, tình trạng thất nghiệp ở mức cao và sự hoài nghi của người dân đối các thể chế truyền thống ở Italy có thể dẫn đến sự trỗi dậy của các phong trào phản đối cũng như chủ nghĩa dân túy. Tỷ lệ tăng trưởng thấp và sự bất ổn chính trị cũng sẽ tác động mạnh đối với hệ thống ngân hàng của Italy, vốn đang phải vật lộn nhằm tìm kiếm nguồn vốn mới và nhằm thoát khỏi gánh nặng nợ xấu khổng lồ (360 tỷ euro). Trừ phi Italy có thể thực hiện được những cải cách cơ cấu, các công ty tư nhân lúc đó mới sẵn lòng bơm vốn để hỗ trợ các ngân hàng của Italy.

Bên cạnh đó, nếu Italy buộc phải tiến hành cứu trợ các ngân hàng bằng năng lực tự có, điều đó có thể khiến nước này phải đương đầu với EU, đặc biệt là với Đức. Rome khi đó sẽ phải lựa chọn giữa một bên là cứu các ngân hàng của mình bằng cách dựa vào các nhà đầu tư nhằm tuân thủ các quy định của EU, hoặc đi chệch hướng với các quy định của Brussells, dẫn đến nguy cơ hủy hoại tính đáng tin cậy của toàn bộ hệ thống.

Tuy nhiên, hậu quả tức thời do cuộc trưng cầu ý dân ở Italy vẫn chưa đến mức nghiêm trọng như nhiều ý kiến ở Italy và trên thế giới dự kiến. Trong một chừng mực nào đó, các nhà đầu tư đã dự kiến được sự tác động do cuộc trưng cầu ý dân ở Italy gây nên, căn cứ vào các kết quả các cuộc thăm dò dư luận trước đó. Đa số các cuộc thăm dò đều dự báo chính xác kết quả cuộc bỏ phiếu ở Italy, chứ không như trong cuộc bỏ phiếu Brexit.

Các thị trường giờ đây dường như đang đặt cược vào khả năng bầu cử sớm ở Italy, nhưng việc ông Renzi chính thức đệ đơn từ chức tối 7/12 sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Quốc hội nước này bổ nhiệm một chính phủ mới. Tuy nhiên, những rắc rối chính trị và khó khăn kinh tế của Italy, cũng như nguy cơ trỗi dậy của làn sóng dân túy và hoài nghi đối với đồng euro ở nước này, dự kiến vẫn còn lâu mới được giải quyết.

(TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất