Thứ Sáu, 4/10/2024
Thế giới
Thứ Ba, 6/12/2016 20:27'(GMT+7)

Đằng sau quyết định lịch sử của OPEC cắt giảm sản lượng dầu mỏ

OPEC cắt giảm sản lượng khai thác, giá dầu lập tức tăng. (Ảnh: Thomas J. Abercrombie/National Geographic)

OPEC cắt giảm sản lượng khai thác, giá dầu lập tức tăng. (Ảnh: Thomas J. Abercrombie/National Geographic)

Do đâu trong suối thời gian dài OPEC không đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mỏ?

Trong suốt 8 năm qua, đặc biệt là 3 năm gần đây, khi giá dầu thế giới giảm rất sâu tới mức xấp xỉ 30 USD/thùng, thì OPEC-một trong những tổ chức có ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu dầu mỏ thế giới lại không hề cắt giảm sản lượng. Nguyên nhân của động thái này khá phức tạp, vừa mang tính kinh tế, vừa mang tính chính trị, nhưng tựu trung có thể được chia thành hai nhóm: nhóm bên ngoài và bên trong OPEC.

Bên ngoài OPEC có thể tính tới bảy nguyên nhân:

(1) Xuất phát từ quy luật cung cầu. Thị trường dầu thô tuân theo quy luật cung-cầu, nghĩa là khi kinh tế toàn cầu phát triển mạnh, nhu cầu sử dụng dầu cao kéo theo giá dầu tăng cao; khi kinh tế toàn cầu giảm sút, bắt đầu từ cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế năm 2008, nhu cầu giảm khiến giá dầu tụt dốc. 

(2) Nguyên nhân từ Mỹ: lần đầu tiên sau 40 năm, Mỹ trở thành nước xuất khẩu dầu lớn trên thế giới, ngoài OPEC, sau khi họ đã làm chủ công nghệ khai thác dầu từ đá phiến, làm tăng đột biến nguồn cung dầu trên thị trường thế giới.

(3) Nguyên nhân từ Nhật Bản: sau khi khắc phục thành công thảm họa từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima, nguồn năng lượng hạt nhân của Nhật Bản được phục hồi, do đó Tokyo bắt đầu giảm bớt nhu cầu nhập dầu mỏ từ thị trường thế giới.

(4) Nguyên nhân từ Iran: chính quyền Teheran quay trở lại thị trường dầu mỏ sau khi được dỡ bỏ cấm vận một phần liên quan tới chương trình hạt nhân. Iran là quốc gia sở hữu tài nguyên dầu hàng đầu thế giới, bắt đầu trở lại tham gia thị trường dầu thô quốc tế, góp phần đẩy yếu tố cung lên cao.  

(5) Yếu tố Trung Quốc: Trung Quốc là thị trường tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất thế giới và là một trong những nguồn thu kinh tế chủ yếu của các nước OPEC. Bị tác động từ cuộc khủng hoảng năm 2008 từ Mỹ, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, khiến cho nhu cầu dầu mỏ giảm.  

(6) Yếu tố đồng USD: kể từ năm 1972 đồng USD được bảo đảm mệnh giá bằng dầu mỏ, vì thế giao dịch dầu thô trên thế giới đều được thanh toán theo USD. Như vậy, một khi đồng USD mạnh lên, liên tiếp gây sức ép mạnh mẽ lên giá dầu, khiến giá dầu thô lao dốc. Theo một số công trình nghiên cứu, nếu USD tăng giá 5%, giá dầu sẽ có thể giảm 10-25%. Do đó, USD được sử dụng như một công cụ thao túng thị trường dầu mỏ thế giới. Do đó, tập đoàn chính trị thống trị ở Mỹ sử dụng USD làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng giá dầu để gây khó khăn cho một số quốc gia là đối thủ chính trị của Mỹ như Nga, Venezuela và Brasil. Chủ trương này đã phát huy hiệu quả rõ rệt ở Venezuela và Brasil, còn ở Nga do chiến lược phản ứng linh hoạt, mềm dẻo của Tổng thống V.Putin nên Matxcơva đã vượt qua thử thách này.

Có hai nguyên nhân chính bên trong OPEC:

(1) Xuất phát từ lợi ích riêng rẽ, các nước thành viên OPEC không thể tìm được tiếng nói chung nên không thể điều phối được hoạt động sản xuất dầu mỏ. Trong điều kiện xuất hiện xu hướng cung vượt quá cầu nghiêm trọng hiện nay, thay vì điều phối giảm khối lượng sản xuất thì các nước hàng đầu trong OPEC như Arabia Saudi vẫn tăng cường sản xuất dầu thô, phản ánh sự hợp tác kém hiệu quả giữa các nước thành viên của tổ chức này.

Mâu thuẫn này thể hiện rất rõ trong quan hệ giữa Arabia Saudi với Iran và Iraq. Trong khi Arabia Saudi yêu cầu Iran hạn chế sản lượng ở mức khoảng 3,7 triệu thùng/ngày thì Teheran tuyên bố chỉ sẵn sàng đóng băng sản lượng sau khi đạt được mức tương đương như thời điểm chưa bị cấm vận, nghĩa là vào khoảng 3,975 triệu thùng/ngày. Còn Iraq cũng lên tiếng phản đối yêu cầu cắt giảm sản lượng, cho rằng nước này đang cần tiền để tiến hành cuộc chiến chống khủng bố. Tổng sản lượng của Iraq khoảng 8 triệu thùng/ngày, thấp hơn nhiều so với mức 10,5 triệu thùng/ngày hiện nay của Arabia Saudi. 

(2) Chiến lược sai lầm của OPEC: một số thành viên OPEC theo đuổi chiến lược để mặc cho giá dầu thô lao dốc nhằm đẩy Mỹ là quốc gia có chi phí khai thác dầu cao ra khỏi thị trường dầu mỏ. Theo thống kê của các tổ chức quốc tế, hiện nay chi phí sản xuất 1 thùng dầu thô của Anh, Brazil, Canada lần lượt là 52,5 USD, 49 USD, 41 USD, còn chi phí sản xuất dầu thô ở Mỹ dao động từ khoảng 40-70 USD. Trong khi đó chi phí này ở các nước Arabia Saudi và Kuwait, không đến 10 USD. Do đó, theo tính toán của OPEC, chỉ cần giảm giá dầu xuống dưới 50 USD/thùng là đã làm phá sản ngành sản xuất dầu từ đá phiến của Mỹ. 

Quyết định lịch sử của OPEC giảm sản lượng dầu

Ngày 30-11-2016, sau các cuộc tranh luận gay gắt, các nước thành viên OPEC đã nhất trí cắt giảm sản lượng dầu mỏ 1,2 triệu thùng dầu, xuống mức sản lượng 32,5 triệu thùng/ngày nhằm chấm dứt tình trạng dư thừa nguồn cung dầu mỏ trên toàn cầu và khôi phục uy tín của tổ chức này. 

Đóng vai trò lớn trong việc đưa ra quyết định này là ba nước sản xuất dầu lớn nhất của OPEC là Saudi Arabia, Iraq và Iran sau khi họ đã gạt bỏ được những mâu thuẫn và bất đồng sang một bên để đi đến đồng thuận cùng nhau chia sẻ gánh nặng cắt giảm sản lượng lần đầu tiên kể từ 2008. Theo thỏa thuận này, các nước xuất khẩu dầu mỏ bên ngoài OPEC cũng sẽ cắt giảm 600.000 thùng/ngày. Tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Hàng Châu (Trung Quốc), Tổng thống Nga V.Putin và Quốc vương Arabia Saudi đã đạt được sự đồng thuận Nga sẽ cắt giảm sản lượng dầu. Ngay sau khi thông tin được đưa ra, giá dầu giao dịch ở London tăng vọt 7,6%, lên 49,90 USD/thùng. 

Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới quyết định lịch sử này của OPEC xuất phát từ động thái tất cả các nước thành viên OPEC đều chịu sức ép lớn về tài chính. Giá dầu xuống thấp trong suốt 2 năm qua đã khiến nhiều nước thành viên OPEC khốn đốn, trước hết là Saudi Arabia, quốc gia đứng đầu trên thị trường xuất khẩu dầu thế giới và là nước có sản lượng lớn nhất khối bị thâm hụt ngân sách gần 100 tỷ USD do giá dầu giảm mạnh. Vì thế họ đã buộc phải tăng giá xăng thêm 50% để bù hụt thu từ dầu. 

Venezuela-quốc gia có nền kinh tế quá phụ thuộc vào xuất khẩu dầu, đang lâm vào khủng hoảng. Brazil, quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn thứ 9 toàn cầu nhưng chi phí sản xuất dầu mỏ của quốc gia này khá cao, khoảng 48,8USD/thùng, nên khi giá dầu tụt dốc tới dưới 40USD/ thùng, thậm chí tới 30 USD/ thùng, kinh tế nước này lâm vào cuộc  khủng hoảng tồi tệ nhất trong suốt 30 năm qua, trong đó tốc độ tăng trưởng giảm 5,4% trong quý đầu năm 2016.

Nigeria sắp trở thành một trong ba quốc gia đông dân nhất thế giới với nền kinh tế phụ thuộc quá lớn vào xuất khẩu dầu mỏ với kim ngạch xuất khẩu năm 2015 đạt 38 tỷ USD. Trong khi đó, chi phí sản xuất dầu của quốc gia này vào khoảng 31,5USD/thùng, cao hơn mức trung bình là 30 USD/thùng. Giá dầu giảm đã khiến ngân sách của Nigeria sụt giảm 7 tỷ USD, còn tỷ giá đồng Naira của Nigeria giảm tới 61% so với đồng USD. Do đó, kinh tế Nigeria đang đứng trước bờ vực khủng hoảng. Iraq nước trước đây vẫn đòi mức hạn ngạch sản lượng dầu cao hơn để có ngân sách cho việc chống tổ chức khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) bất ngờ nhất trí giảm sản lượng 200.000 thùng/ngày.

Ngoài nguyên nhân chủ yếu trên, còn có những nguyên nhân khác. Đó là trách nhiệm đối với tương lai của thế giới khi nguồn dầu mỏ ngày càng cạn kiệt. Theo dự báo, tới năm 2050 nếu không tiết kiệm năng lượng hoặc tìm nguồn năng lượng thay thế, thế giới sẽ lâm vào cuộc khủng hoảng do cạn kiệt dầu mỏ. 

Cũng không thể không tính đến tác động từ kết quả cuộc bầu cử ở Mỹ, theo đó việc ứng cử viên Donald Trump đắc cử tổng thống với chủ trương “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” sẽ đẩy mạnh sản xuất dầu mỏ và đưa quốc gia này vào vị thế lớn hơn nữa trên thị trường dầu lửa thế giới. Điều này có nghĩa Mỹ sẽ khai thác và xuất khẩu dầu mỏ mạnh hơn trong thời gian tới sau khi giảm đáng kể chi phí sản xuất do cải tiến công nghệ. Khi đó OPEC muốn tăng giá dầu bằng việc cắt giảm sản lượng cũng khó./.

Đại tá Lê Thế Mẫu
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất