Giới văn chương đang xôn xao, cảm thấy phi lý khi một nhóm người lập nên cái gọi là “Hội đồng thơ báo Facebook nhân loại” trao bảng vàng vinh danh các thành viên với chữ ký của chủ tịch tự xưng, con dấu “trang trọng”.
“Hội đồng thơ báo Facebook nhân loại” thực chất không khác gì những
nhóm, hội, câu lạc bộ thơ tồn tại cả trăm năm qua khắp làng quê đến phố
thị. Thay vì ngâm vịnh thơ ca tại quán nước, đình làng, nhà văn hóa, giờ
đây, người yêu thơ còn sinh hoạt trên mạng xã hội. Câu chuyện sẽ chẳng
có gì đáng bàn nếu những người yêu thơ chỉ đăng tải thơ trên mạng xã hội để
các thành viên bình luận, trao đổi mang lại niềm vui tinh thần cho
nhau. Tiếc là sự việc đi quá xa, trở thành trò cười với bảng vàng vinh
danh mà thành viên nào có nhu cầu sẽ được cấp nếu đóng góp 300.000 đồng.
Lý do được cấp bảng vàng gây cười, bởi vì “đã có thành tích đóng góp
thơ báo Facebook nhân loại”.
Tìm hiểu văn hóa, lịch sử, dễ dàng nhận ra người Việt Nam yêu thơ,
thích làm thơ và ngưỡng mộ những cá nhân có khả năng sáng tạo thơ ca. Vô
hình trung, danh xưng “nhà thơ” rất đáng tự hào, thể hiện là người có
văn hóa sâu rộng, tài năng ngôn ngữ, khả năng cảm thụ cái đẹp hơn người.
Điều này khiến những người thích làm thơ mong muốn được xã hội công
nhận, để được gọi là nhà thơ. Thế mới có chuyện, hằng năm có khoảng hơn
800 đơn xin trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam thì phần đông là ở
lĩnh vực thơ ca. Nếu không trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam hay
hội viên hội văn học nghệ thuật tỉnh (thành phố), thì những người sáng
tác thơ ca kiểu hò vè sẽ gia nhập các hội, nhóm, câu lạc bộ thơ tự lập,
tự quản và tự gọi nhau là nhà thơ.
Một số người cơ hội hiểu rõ tâm lý háo danh của người yêu thơ nhưng
tài năng dưới cả “thường thường bậc trung” liền ra tay tranh thủ kiếm
lời. Họ sẽ tiếp cận người cao tuổi, những người thiếu hiểu biết để gạ
gẫm in thơ trên các tuyển tập thơ, kết nạp vào hội thơ tự lập nào đó,
ghi danh trên các bằng khen, bảng vàng... Đổi lại, những người yêu thơ
sẽ tự nguyện đóng góp vài trăm nghìn đồng. Chuyện này đã diễn ra hàng
chục năm nay, các cơ quan quản lý, hội nghề nghiệp chính thống nhiều lần
lên tiếng cảnh cáo nhưng không có chuyển biến. Lý do là chính các “nạn
nhân” của chiêu trò này vốn dĩ háo danh, sẵn sàng chi tiền, không có bất
kỳ khiếu nại nào, cốt để có tuyển thơ, bằng khen, bảng vàng để khoe với
người thân, bạn bè. Họ rất vui sướng trong huyễn hoặc khi được thừa
nhận “chính danh”, từ nay có thể tự xưng là nhà thơ.
Có ý kiến cho rằng không nên nâng quan điểm về hội, nhóm văn chương
nghiệp dư, tào phào. Song, xem xét kỹ sẽ thấy hệ lụy đó là “cào bằng”
danh xưng nhà thơ vốn được xã hội tôn trọng, làm tổn thương những nhà
thơ thành danh, một đời hy sinh, đóng góp tài năng, cống hiến cho thơ ca
nước nhà. Nhìn rộng ra, trong xã hội hiện nay đang có tình trạng “vàng
thau lẫn lộn”. Một cuộc thi người đẹp “cấp xóm”, người đăng quang cũng
mang danh xưng hoa hậu cao quý; nhân viên công ty truyền thông tự xưng,
tự in thẻ nhà báo; người nghiên cứu chẳng có thành tựu nào, chỉ cần chi
ra 200USD để ghi danh vào từ điển nhà khoa học quốc tế... Có người bỏ
tiền mua danh không chỉ cho vui, mà còn mang cái danh mua được để lừa
đảo vi phạm pháp luật khiến xã hội bất ổn.
Nếu chúng ta không lên tiếng, không làm rõ đâu là vàng, đâu là thau,
đâu là chân chính, đâu là giả dối, hệ giá trị sẽ bị đảo lộn. Vốn dĩ
những giá trị đích thực là do cá nhân, tập thể tài năng tạo nên, từ đó
thúc đẩy xã hội phát triển. Những người có tài năng, có tinh thần cống
hiến chắc hẳn sẽ nản chí bởi giá trị họ tạo ra từ công sức học tập, lao
động sẽ bị đánh đồng với những người kém tài, lười biếng, chỉ giỏi mua
danh./.
Hàm Đan (qdnd.vn)