Chỉ với 42 chữ, bài ca dao đã “vẽ” lên bộ mặt mẹ con nhà Vạc ăn ở ác tâm, cố tình giẫm lúa nhà người ta mà lại đổ lỗi cho Cò. Những kẻ ăn không nói có như mẹ con nhà Vạc trong bài ca dao được người đời gọi là “Gắp lửa bỏ tay người”! Còn những kẻ muốn gieo tai họa, hãm hại người lương thiện nhưng vẫn muốn bảo toàn được danh tính của mình thì gọi là “Ném đá giấu tay”!
Liên tưởng bài ca dao ngụ ngôn và những câu thành ngữ trên đến việc ai đó mạo danh rồi dựng chuyện, tung tin trên mạng xã hội một cán bộ lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa có “bồ nhí”, mới thấy sự đơm đặt thời nay còn ác ý gấp bội lần. Không chỉ là hành vi phạm pháp về tội vu khống, bịa đặt, mà đây còn là việc làm vô liêm sỉ rất đáng lên án. Bởi lẽ, không chỉ những người trong cuộc bị xúc phạm về danh dự, nhân phẩm, mà vợ, chồng, con, anh em, bố mẹ của họ cũng bị tổn thương về tinh thần. Thậm chí, nội bộ cơ quan những người trong cuộc cũng ít nhiều bị ảnh hưởng bởi cái tin giả như vậy. Đấy là chưa kể người đời vốn có tính tò mò, hay bàn ra tán vào theo kiểu “tam sao thất bản” khiến cho câu chuyện đi quá xa và trở nên phức tạp hơn!
|
Mạng xã hội được ví như cái “chợ trời” xuyên không gian. Ảnh minh họa. Nguồn: Tạp chí Tuyên giáo. |
Rồi đây, theo quy luật nhân quả “ác giả ác báo”, những người đơm đặt dựng chuyện trước sau sẽ bị lật tẩy và chịu sự trừng phạt nghiêm minh của pháp luật. Nhưng nhìn từ phương diện văn hóa, mới thấy trong xã hội vẫn còn một bộ phận người không những “hổng” kiến thức luật pháp, mà “hổng” cả về tư cách, đạo lý làm người. Cái sự “hổng” này, tiếc thay lại do mạng xã hội “dắt mũi”! Vì sau khi cái tin nhắn giả kia xuất hiện, nó được nhân bản với tốc độ “chóng mặt” bởi những dòng “like” vô cảm, những lời “share” vô tâm và cả những câu “comment” thiếu trách nhiệm. Đã từ lâu, mạng xã hội được ví như cái “chợ trời” xuyên không gian, xuyên biên giới với vô vàn điều “thượng vàng hạ cám”. Những người dùng thông thái, có văn hóa thì tận dụng ưu thế, mặt tích cực của mạng xã hội để góp phần nhân lên những điều hay lẽ phải, người tốt, việc hay ở đời. Nhưng cũng có không ít người vừa thiếu hiểu biết, vừa muốn được nhiều người biết đến, thậm chí thích nổi tiếng theo kiểu “đốt đền” nên tung tin giả mạo, ghép hình lệch lạc nhằm câu view, câu like, làm vẩn đục môi trường văn hóa giao tiếp trên mạng xã hội.
Cách nay một thế kỷ, một nhà văn châu Âu từng viết câu chuyện đại ý, trong một ngày tuyết rơi, mấy đứa trẻ chạy ra ngoài trời cùng nhau vui đùa. Nhưng một đứa trẻ có suy nghĩ oái ăm là đào một cái hố trong tuyết rồi đặt lên miệng hố một lớp tuyết mỏng ngụy trang nhằm “bẫy” những đứa trẻ khác. Rồi sau đó nó lại chạy ra chơi cùng các bạn và thầm nghĩ sẽ có đứa bị rơi xuống hố. Nhưng lúc mải vui đùa, chính nó đã sa chân vào cái hố do mình đào. Nó đau đớn lắm mà không dám nói ra. Viết câu chuyện này, nhà văn đã dựa trên một câu nói theo tinh thần của Kinh Thánh: “Người nào đào hố bẫy ai thì chính họ sẽ rơi xuống hố trước”. Qua đó, nhà văn muốn gửi tới mọi người một thông điệp: Hãy sống và ứng xử với nhau sao cho thân thiện, nhân văn; chớ có “đánh bẫy” ai vào chỗ hiểm nguy vì biết đâu “cái bẫy” đó lại trở thành tai họa cho chính mình!
Ươm mầm phúc thì hái lộc lành, còn “gieo gió” ắt có ngày “gặt bão”. Chuyện đời là vậy. Chuyện ứng xử trên mạng xã hội cũng vậy. Thế nên, bài học về trường hợp trang mạng xã hội “Thánh cô cô bóc” chuyên bịa đặt, nói xấu người khác đã bị cơ quan chức năng “bóc mẽ” chân tướng và đưa ra ánh sáng pháp luật năm 2015, sẽ là điều cảnh tỉnh, cảnh báo nghiêm khắc đối với những ai chưa từ bỏ ý đồ “ném đá giấu tay”, “gắp lửa bỏ tay người” trên mạng xã hội!