Thứ Năm, 28/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 23/5/2014 15:21'(GMT+7)

Cho ý kiến về việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước

 Ưu tiên giải quyết nhanh các bức xúc của cử tri

Cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2013; phương án đảm bảo cân đối ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương năm 2013; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2014, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao vai trò điều hành của Chính phủ và các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp đã có nhiều cố gắng trong việc giải quyết những khó khăn của nền kinh tế. Đại biểu Trần Hoàng Ngân (thành phố Hồ Chí Minh) nêu rõ: Tình hình kinh tế vĩ mô đang đi đúng hướng; hiệu quả đầu tư có sự cải tiến. Cán cân thương mại trong hai năm gần đây đã chuyển sang xuất siêu, từ đó góp phần cải thiện cán cân vãng lai. Lạm phát cơ bản được kiềm chế; thị trường chứng khoán được phục hồi; thể chế được hoàn thiện dần, góp phần tái cơ cấu trong đầu tư công, tái cơ cấu trong các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước…

Chỉ ra những hạn chế cần khắc phục, đại biểu Trần Hoàng Ngân kiến nghị về mục tiêu dài hạn, Chính phủ cần tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế, hoàn thiện thể chế. Mục tiêu trước mắt cần ưu tiên giải quyết nhanh các bức xúc của cử tri về việc làm, ô nhiễm môi trường, quy hoạch treo, thủ tục hành chính, bệnh viện quá tải; triển khai nhanh, hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với các doanh nghiệp bị thiệt hại do những hành vi quá khích trong thời gian qua; thực hiện nghiêm túc kỷ luật về ngân sách, điều phối ngân sách một cách linh hoạt… Trong bối cảnh hiện nay, đánh giá về phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ cần đặt trong bối cảnh động, tức là vừa ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô gắn với an ninh quốc phòng. Những dự án chưa cần thiết phải dừng lại, ưu tiên cho các dự án chiến lược quốc phòng - đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.

Cùng quan điểm trên, đại biểu Võ Thị Dung (thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị Chính phủ cần rà soát lại các chính sách hiện có, kiểm soát chặt chẽ lại các nguồn lực quốc gia về đất đai, tài nguyên, môi trường…, giảm thiểu các chính sách còn dàn trải, kém hiệu quả; tập trung nguồn lực tăng năng suất lao động, “thắt chặt” trong chi tiêu, chống tham nhũng để giải quyết khó khăn của nền kinh tế, đồng thời bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia.

Giúp ngư dân bám biển

Quan tâm đến việc tập trung phát triển nông nghiệp, đại biểu Trần Hoàng Ngân (thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng Quốc hội cần có Nghị quyết về nông nghiệp, trong đó tập trung hỗ trợ nông dân, ngư dân để xây dựng một nền nông nghiệp bền vững, bảo đảm được cung - cầu, có giải pháp hỗ trợ nông dân nếu rủi ro xảy ra, tránh cho người nông dân “được mùa, rớt giá; mất mùa, trắng tay”. Đối với ngư dân, cần tập trung hỗ trợ ngư dân yên tâm bám biển, đặc biệt là để có đội tàu công suất lớn.

Tán thành với ý kiến trên, đại biểu Trần Du Lịch (thành phố Hồ Chí Minh) nhận định: Thời gian tới, một trong những giải pháp để phát triển là giải quyết tốt "bài toán" về nông nghiệp. Nông nghiệp không thể giải quyết một cách đơn lẻ mà cần có một tổng thể để giải quyết một cách căn cơ. Về vấn đề ngư nghiệp, Nhà nước cần tập trung đóng tàu cho ngư dân thuê lại với giá ưu đãi, không để ngư dân tự đóng tàu. Đây là vấn đề cần làm ngay - đại biểu Trần Du Lịch nhấn mạnh. Đại biểu Đỗ Văn Đương cũng kiến nghị: Nhà nước đóng tàu để ngư dân thuê tàu là hết sức cần thiết để ngư dân có thể vươn khơi bám biển, góp phần giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Xử lý những khoản chi sai chế độ

Đánh giá về quyết toán ngân sách năm 2012, đại biểu Trần Du Lịch (thành phố Hồ Chí Minh) chỉ rõ: Trong thời gian tới, Nhà nước cần thay đổi cơ chế từ ngân sách "mềm" sang ngân sách "cứng". Ngân sách "cứng" nghĩa là sẽ không có một khoản chi nào nếu không nằm trong dự toán mà Quốc hội đã thông qua. Vấn đề lớn nhất là cần sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước, trong đó cần quy định không có ngân sách lồng ghép. Ngân sách Trung ương là của Trung ương, phần nào Trung ương trợ cấp địa phương thì Quốc hội phải giám sát.

Đặt vấn đề "hiện nay những thông tin từ báo cáo của ngành tài chính, cơ quan thống kê đều cho thấy con số nợ công trong ngưỡng an toàn nhưng liệu có thực sự an toàn chưa?", đại biểu Võ Thị Dung (thành phố Hồ Chí Minh) đề xuất Chính phủ cần có báo cáo đầy đủ, phân tích sâu hơn về nợ công để Quốc hội được biết. Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (thành phố Hồ Chí Minh) cũng đề nghị Chính phủ cần làm rõ nguyên nhân vì sao vẫn còn tình trạng chi sai chế độ gây lãng phí. Nếu chế độ đã quá lỗi thời, không còn phù hợp cần sửa đổi chế độ, tiêu chuẩn, định mức cho phù hợp. Nếu chế độ đúng nhưng vẫn chi sai, phải xử lý kịp thời và báo cáo cho Quốc hội biết. Đồng thời, các cấp, các ngành cần tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ công chức hiểu rõ nguồn thu ngân sách gồm những khoản gì để có sự chi tiêu đúng mức, tránh lãng phí, tiêu cực./.

Theo TTXVN
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất