Qua thảo luận, nhiều ý kiến đánh giá 2 dự án Luật có nhiều quy định mới, bước đầu đã cụ thể hóa các nội dung của Hiến pháp năm 2013, thể hiện được một số định hướng cải cách tư pháp của Đảng liên quan đến tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân.
Thảo luận về Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân (sửa đổi), nhiều ý kiến tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật hiện hành xuất phát từ việc Hiến pháp năm 2013 đã có những nội dung mới, quan trọng về chế định Viện Kiểm sát nhân dân; dự thảo Luật cần quy định, làm rõ những nguyên tắc mới, tiến bộ của tố tụng tư pháp liên quan trực tiếp đến hoạt động của Viện Kiểm sát nhân dân.
Các ý kiến cho rằng việc sửa đổi Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân theo yêu cầu cải cách tư pháp nhằm tạo cơ sở pháp lý đổi mới toàn diện về hệ thống tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, các nguyên tắc hoạt động, chuẩn hóa các chức danh tư pháp và bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng...
Góp ý cho dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), một số đại biểu đề nghị chỉ nên quy định hai loại là thẩm phán tối cao và thẩm phán thay vì quy định như trong dự thảo bao gồm: Thẩm phán tối cao, thẩm phán cao cấp, thẩm phán sơ cấp và thẩm phán trung cấp.
Chia sẻ quan điểm này, đại biểu Lê Thị Nguyện (Vĩnh Phúc), Võ Kim Cự (Hà Tĩnh) cho rằng thẩm phán từ cấp huyện trở lên do Chủ tịch nước bổ nhiệm, không có cớ gì phân ra sơ thẩm, trung thẩm, mà nếu quy định như vậy thì cần phải phân cấp toà nào thẩm phán sơ cấp được xử, tòa nào thẩm phán trung cấp được xử.
Liên quan đến tuổi nghỉ hưu của Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao, vẫn còn có các ý kiến khác nhau trong việc quy định tuổi nghỉ hưu cho vị trí này. Theo dự thảo, Thẩm phán TANDTC được nghỉ hưu khi 65 tuổi. Đại biểu Nguyễn Trường Dân (Quảng Nam) cho rằng, không thể “đổ đồng” giống nhau và cần xem xét lại quy định này, bởi mỗi người có trình độ khác nhau, sức khoẻ khác nhau, do vậy nên có phân loại.
Một số ý kiến cũng góp ý việc áp dụng chế độ công chức hành chính đối với thẩm phán; nhiệm kỳ thẩm phán; quản lý Tòa án nhân dân, tòa giản lược, án lệ…
Về tổ chức quản lý tòa án, nhiều đại biểu cũng kiến nghị cần nghiên cứu kỹ vì Toà án Nhân dân Tối cao là cơ quan xét xử, nếu theo dự thảo cho phép Tòa án Nhân dân Tối cao quản lý mặt tổ chức tòa án các cấp e rằng công tác xét xử sẽ bị chi phối không đảm bảo tính khách quan.
Kiến nghị của các đại biểu cho rằng, kinh nghiệm các nước cho thấy nên thành lập một hội đồng quốc gia có đại diện có các cơ quan Chính phủ, Mặt trận, Toà án Nhân dân Tối cao để giúp Chánh Toà án Nhân dân Tối cao trong công tác quản lý.
Linh Đan/Chinhphu.vn