Chủ Nhật, 24/11/2024
Thế giới
Chủ Nhật, 14/4/2013 13:35'(GMT+7)

Tìm kiếm giải pháp hòa bình trên bán đảo Triều Tiên

Trước cửa Khu công nghiệp Kaesong ở biên giới Hàn Quốc - Triều Tiên.

Trước cửa Khu công nghiệp Kaesong ở biên giới Hàn Quốc - Triều Tiên.

Bất chấp tuyên bố mới nhất của Triều Tiên các loại vũ khí nước này đã sẵn sàng để khai hỏa bất cứ lúc nào, nhưng cả Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, Mỹ và nhiều quốc gia khác đều nhấn mạnh các bên cần phải kiên trì theo đuổi giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên thông qua đối thoại và tham vấn, thúc đẩy cải thiện quan hệ giữa các bên liên quan cũng như chú trọng duy trì hòa bình và ổn định của bán đảo Triều Tiên; ủng hộ tìm kiếm "một giải pháp hòa bình và hợp lý" đối với tất cả các bên.

Bên cạnh đó, thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên hiện vẫn yên ả, mọi hoạt động kinh doanh, buôn bán và giao thông vẫn diễn ra bình thường, người dân dường như không lo ngại về một cuộc chiến có thể xảy ra. Các đường phố ở Bình Nhưỡng tràn ngập không khí chuẩn bị các hoạt động mừng ngày sinh của cố lãnh đạo Kim Nhật Thành vào ngày 15/4.

Tại khu vực Đông Nam Á, tuần qua tại Brunei, nước Chủ tịch ASEAN năm 2013, đã diễn ra 3 hội nghị quan trọng gồm: Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN lần thứ 9 và Hội nghị Hội đồng Điều phối ASEAN lần thứ 12.

Trong chương trình làm việc, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tập trung trao đổi về tiến độ xây dựng Cộng đồng ASEAN, quan hệ đối ngoại và vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình, tình hình quốc tế, khu vực cũng như các vấn đề có tầm quan trọng liên quan đến hòa bình, an ninh và hợp tác ở khu vực, trong đó có việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông và thúc đẩy sớm Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN cũng đã cơ bản hoàn tất các công việc chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao ASEAN 22 cả về nội dung, chương trình nghị sự cũng như công tác tổ chức hội nghị.

Theo kiến nghị của các Bộ trưởng Ngoại giao, dự kiến Hội nghị Cấp cao ASEAN 22 sẽ tập trung bàn về các chủ đề như: đẩy mạnh tiến độ xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 và định hướng tương lai của Hiệp hội; duy trì đoàn kết và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực; mở rộng và làm sâu sắc quan hệ với các đối tác; trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm…

Trong lĩnh vực kinh tế, theo bản đánh giá thứ hai của mình về sự mất cân bằng kinh tế tại 13 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu, Ủy ban châu Âu (EC) đã nêu lên các mối quan ngại đối với nền kinh tế Pháp và Italia, đồng thời xếp Tây Ban Nha và Slovenia vào danh sách những nước có thể phải đối mặt với các khoản phạt nếu họ không điều chỉnh đường hướng.

EC cho rằng có lẽ điều đáng quan ngại hơn là những dấu hiệu ngày càng gia tăng về sự mất cân bằng ở Pháp và Italia, cho dù sự mất cân bằng đó vẫn chưa được coi là "quá mức". Nếu những vấn đề này trở nên trầm trọng hơn, gần như không nền kinh tế nào trong EU, có lẽ ngoại trừ Đức, sẽ được miễn dịch trước sự tác động của cuộc khủng hoảng nợ công, đồng thời chi phí vay mượn khắp khu vực có thể sẽ gia tăng.

Liên quan đến bệnh cúm A/H7N9, hiện ở Trung Quốc, tình hình bệnh cúm H7N9 tiếp tục diễn biến phức tạp với số ca nhiễm bệnh và tử vong tăng lên hàng ngày.

Trong bối cảnh đó, hơn 900 đại biểu đến từ 46 nước trên thế giới đã tham dự hội nghị Hội nghị thượng đỉnh Y tế thế giới khu vực châu Á năm 2013 tại Singapore. Hội nghị tập trung vào 4 lĩnh vực: ảnh hưởng của y tế đối với các nền kinh tế châu Á, những phát minh trong lĩnh vực y tế tại châu Á, hỗ trợ tài chính về chăm sóc y tế tại châu Á và những mối đe dọa về y tế đang nổi lên tại châu Á. Tại hội nghị, nhiều chuyên gia cho rằng mối đe dọa lớn đối với châu Á hiện nay là tình trạng gia tăng nhanh của các bệnh không lây nhiễm và các loại bệnh mới như SARS, cúm gia cầm và cúm lợn.  

Theo các chuyên gia, suy dinh dưỡng, mắc bệnh lây nhiễm từ khi còn nhỏ tuổi và bất ổn tâm thần là những nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm. Thay đổi lối sống để thích nghi với môi trường toàn cầu hóa và đô thị hóa cũng làm các bệnh không lây nhiễm nặng thêm. Mỗi năm có hơn 60% người chết do mắc các bệnh không lây nhiễm và nguy cơ cao nhất là huyết áp cao và béo phì. Một mối đe dọa khác cũng đang gia tăng ở châu Á, đó là các loại bệnh lây nhiễm do phá rừng và sự tiếp xúc ngày càng tăng giữa con người với động vật hoang dã.  

Nhân dịp này, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo mối đe dọa từ ô nhiễm không khí lớn hơn nhiều so với suy nghĩ trước đó, đồng thời nhắc lại kêu gọi hành động toàn cầu để nhanh chóng giảm bớt "một trong mối nguy hiểm nhất" đối với sức khỏe con người này. Lời cảnh báo này được đưa ra tại hội nghị của Liên minh Khí hậu và Không khí sạch (CCAC) thuộc Chương trình môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) tổ chức tại Paris, (Pháp) cuối tuần qua. Các nhà môi trường cho biết ô nhiễm không khí trong nhà đã trở thành nhân tố rủi ro hàng đầu cho “gánh nặng bệnh tật” ở Nam Á, xếp thứ hai là khu vực Đông, Trung và Tây Phi, xếp thứ ba là Đông Nam Á.

WHO ước tính có khoảng 3,5 triệu người chết mỗi năm do ô nhiễm không khí trong nhà và 3,3 triệu chết do ô nhiễm không khí ngoài trời. Theo WHO, ô nhiễm không khí đã trở thành một trong mối đe dọa sức khỏe lớn nhất mà con người phải đối mặt vào thời điểm hiện tại, là kẻ thù cho sức khỏe con người, nguyên nhân gây mất mùa và biến đổi khí hậu. Theo Chương trình môi trường Liên Hợp Quốc, việc hành động nhanh chóng sẽ giúp giảm đáng kể số lượng người chết hàng năm do ô nhiễm không khí./.

Nguyễn Chiến (VGP)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất