Trong nhóm phần mềm bảo mật, cuộc chạy đua giữa các đối thủ "nặng ký" ngày càng diễn ra sôi nổi, buộc mỗi hãng không ngừng tung ra những tính năng mới, tối ưu hơn. Vậy phiên bản nào là tốt nhất để chọn lựa sử dụng?
Đây là một câu hỏi rất khó trả lời, bởi vì nó phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm, kiến thức và sự trải nghiệm của người dùng. Bài viết xin điểm qua một vài cách thức, tiêu chí lựa chọn và giới thiệu các phần mềm diệt virus đang được đánh giá cao do tạp chí PCMag thực hiện.
Kiểm tra các công cụ
Để kiểm tra các phần mềm chống virus, bạn cần phải tiến hành thử nghiệm chúng trên các môi trường thực. Tức là bạn sử dụng một máy ảo, cho lây nhiễm các phần mềm độc hại, virus vào đó để thử thách khả năng phát hiện và làm sạch của các công cụ diệt virus.
Sau đây là bảng so sánh kết quả kiểm tra hiệu quả diệt và ngăn chặn phần mềm độc hại.
|
Bảng kết quả thử nghiệm gỡ bỏ mã độc - Nguồn: PCMag |
|
Bảng kết quả thử nghiệm khóa mã độc - Nguồn: PCMag |
Chỉ có công cụ “làm sạch” virus
Ba trong số những sản phẩm gần đây được thiết kế theo hướng diệt virus và phần mềm độc hại mà không có công cụ bảo vệ theo thời gian thực. Malwarebytes' Anti-Malware Free 1.51 (miễn phí, 4 sao) là sản phẩm diệt phần mềm độc hại có hiệu quả nhất. Tỷ lệ phát hiện của nó không cao nhưng hiệu quả loại bỏ virus của nó đạt 6,4 điểm trên tổng thể. Và tại thời điểm này, nó đạt số điểm cao nhất trong những sản phẩm của năm 2012.
Malwarebytes' Anti-Malware Pro 1.51 (24,95USD, 3 sao) có bảo vệ theo thời gian thực nhưng hiệu quả của nó không cao bằng những sản phẩm trong nhóm.
Norman Malware Cleaner 2.1 (miễn phí, 3,5 sao) không hiệu quả như Malwarebytes. Khả năng loại bỏ rootkit của nó có số điểm khá thấp, bởi vì phần lớn các rootkit được phát hiện vẫn còn hoạt động sau khi loại bỏ chúng.
Không miễn phí giống như hai sản phẩm trên nhưng avast! Rescue Disc (10USD, 3,5 sao) có mức giá khá phù hợp. Rootkit và các phần mềm độc hại được loại bỏ ngay cả khi Windows không khởi động được. Tuy nhiên, theo thử nghiệm một số rootkit vẫn còn hoạt động sau khi loại bỏ chúng.
Công cụ miễn phí
Như đã nói, Malwarebytes và Norman là hai tiện ích diệt virus miễn phí tập trung vào việc "làm sạch" các nguy cơ bảo mật. Một vài sản phẩm khác vẫn miễn phí và đáp ứng được hai tính năng dọn dẹp và bảo vệ hệ thống theo thời gian thực.
Panda Cloud Anti-Virus 1.5 Free Edition (miễn phí, 3,5 sao), tuy không có “nhãn mác” 2012 nhưng xét ở thời điểm hiện tại nó là sản phẩm dùng cho năm 2012. Nó có tỷ lệ phát hiện virus, gỡ bỏ virus cao nhất nhưng số điểm về khả năng làm sạch không cao.
AVG Anti-Virus Free 2012 (miễn phí, 4 sao) là một sản phẩm được đánh giá rất cao trong việc ngăn chặn và dọn dẹp các phần mềm độc hại, được nhiều người tin dùng.
Xếp hạng không trọn vẹn
Một số sản phẩm của năm 2012 có một chút không cân bằng giữa các tính năng, có thể nói “được cái này, mất cái kia”.
Cụ thể, Outpost Antivirus Pro 7.5 (29,95 USD/ 3 máy, 3 sao) đã làm tốt được bài kiểm tra ngăn chặn phần mềm độc hại nhưng lại khá kém trong việc loại bỏ chúng. Panda Antivirus Pro 2012 (49,99USD/ 3 máy, 3 sao) lại ngược lại, khả năng làm sạch phần mềm độc hại tốt hơn nhiều.
G Data AntiVirus 2012 (29,95USD, 3 sao) có tỷ lệ phát hiện cao nhất trong suốt quá trình kiểm tra nhưng bài kiểm tra khả năng loại bỏ chỉ ở mức độ trung bình. Eset Nod 32 Antivirus 5 (39,99USD, 3 sao) đã làm tốt công việc dọn dẹp các phần mềm độc hại nhưng không hiệu quả trong việc ngăn chặn các cuộc tấn công của phần mềm độc hại mới, đặc biệt là rootkit.
TrustPort Antivirus 2012 (39,95USD, 3,5 sao) đạt được điểm tốt trong hai bài kiểm tra nhưng trong một số thử nghiệm cho thấy khả năng phân biệt phần mềm hữu ích và phần mềm độc hại còn rất yếu. Còn đối với Trend Micro Titanium Antivirus 2012 (39,95USD, 2,5 sao) phát hiện được hầu hết các mối hiểm họa nhưng chưa thể ngăn chặn được chúng khi phát hiện. Kaspersky Anti-Virus 2012 (59,95USD/3 máy, 3,5 sao) được đánh giá khá cao trong các cuộc thử nghiệm. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao đó, nó cần phải có sự hỗ trợ kỹ thuật từ các chuyên gia của Kaspersky.
Không chỉ là công cụ chống virus
ZoneAlarm Antivirus + Firewall 2012 (59,95 USD/3 máy, 3 sao) đã thêm vào nhiều tính năng mạnh mẽ: phát hiện virus dựa theo hành vi và diệt virus tiên tiến, giám sát các hoạt động tín dụng, kết hợp với tường lửa ngăn chặn sự xâm nhập từ bên ngoài.
Bitdefender Antivirus Plus 2012 (39,95USD/3 máy, 4 sao) đạt được điểm số khá tốt trong các cuộc thử nghiệm của giới chuyên môn. Phần mềm kết hợp các tính năng mạnh mẽ: chống trộm dữ liệu, bảo vệ dữ liệu, bảo vệ tài khoản Facebook, chống giả mạo và các module Auto Pilpot, Network Map, Privace, Safego để giúp máy tính chống lại các mối đe dọa.
Norton AntiVirus 2012 (39,99USD, 4,5 sao) là một công cụ chống virus độc lập, nó được xếp thứ hạng rất cao trong các cuộc thử nghiệm. Đặc biệt, phần mềm được trang bị tính năng Recovery Tool giúp thuận tiện hơn trong việc dò tìm và dọn dẹp “sạch sẽ” virus đã xâm nhập vào máy tính trước đó.
Tuy là một sản phẩm mới nổi nhưng Webroot SecureAnywhere Antivirus 2012 (39,95USD, 4,5 sao) có thể là một lựa chọn hoàn hảo để ngăn chặn và loại bỏ phần mềm độc hại. Ngoài tính năng bảo vệ máy tính khỏi virus và hacker, chương trình có khả năng tối ưu dung lượng và bộ nhớ nên máy tính hoạt động rất nhẹ nhàng, không làm ảnh hưởng đến công việc và các chương trình khác, bởi vì các hoạt động quét đều được thực hiện trên đám mây./.
Theo Tuổi trẻ (tổng hợp từ PCMag)