Chính phủ đã đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường mới
theo hướng tăng mức thu nhưng vẫn nằm trong khung cho phép của Luật
Thuế bảo vệ môi trường. Sau khi xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định chưa biểu quyết
thông qua nghị quyết tại phiên họp này để đánh giá tác động kỹ càng hơn
tới kinh tế-xã hội.
Luật Thuế bảo vệ môi trường (BVMT) có hiệu lực từ ngày 1/1/2012. Trên cơ sở luật này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã ban hành nghị quyết quy định biểu thuế BVMT đối với các mặt hàng thuộc đối tượng chịu thuế, có hiệu lực từ 1/1/2012 và đã được sửa đổi một lần vào năm 2015.
Từ đó đến nay, bình quân mỗi năm, ngân sách Nhà nước thu được khoảng
25.135 tỷ đồng tiền thuế BVMT. Đây là nguồn lực quan trọng để đầu tư cho
các chương trình phát triển bền vững, BVMT, khắc phục ô nhiễm, xử lý
rác thải, ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu… Việc thu thuế BVMT
với các mặt hàng gây tác động tiêu cực lớn tới môi trường cũng góp phần
nâng cao trách nhiệm và nhận thức xã hội đối với môi trường, sử dụng
tiết kiệm và có hiệu quả hơn các mặt hàng này; khuyến khích sản xuất,
tiêu dùng sản phẩm thân thiện với môi trường, đáp ứng yêu cầu phát triển
bền vững.
Tuy nhiên, việc hạn chế sử dụng sản phẩm gây ô nhiễm môi trường vẫn
chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Xăng, dầu, mỡ nhờn, than đá, túi ni
lông... vẫn chưa được sử dụng tiết kiệm triệt để trong sinh hoạt, sản
xuất, kinh doanh dẫn tới nhiều hệ lụy tiêu cực cho môi trường. Đặc biệt,
trong bối cảnh nước ta phải cắt giảm thuế nhập khẩu với các loại hàng
hóa nêu trên theo các điều ước, cam kết thương mại quốc tế, thuế BVMT ở
mức thấp dẫn tới các mặt hàng gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là xăng
dầu, có giá bán thấp hơn các nước xung quanh, khiến tình trạng buôn lậu
xăng dầu diễn biến phức tạp, gây thiệt hại đáng kể về kinh tế cho nước
ta. Bởi vậy, Chính phủ đã đề nghị UBTVQH ban hành nghị quyết về biểu
thuế BVMT mới theo hướng tăng mức thu nhưng vẫn nằm trong khung cho phép
của Luật Thuế BVMT. Sau khi xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng, UBTVQH quyết
định chưa biểu quyết thông qua nghị quyết tại phiên họp này để đánh giá
tác động kỹ càng hơn tới kinh tế-xã hội.
Sự thận trọng của UBTVQH là cần thiết, bởi tăng thuế BVMT chắc chắn sẽ
tác động tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Trong khi đó, hiện nay sức ép
tăng CPI đang khá cao, để giữ được mức tăng CPI cả năm 2018 dưới 4% theo
chỉ tiêu Quốc hội đã thông qua, cần phải cân nhắc từng yếu tố tác động.
Cùng với đó, việc bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô của nước ta cũng còn
chịu nhiều áp lực với diễn biến rất khó lường về thời tiết cực đoan, sự
leo thang căng thẳng trong quan hệ thương mại Mỹ-Trung Quốc… Các mặt
hàng chịu thuế BVMT phần lớn là những mặt hàng thiết yếu trong sinh
hoạt, sản xuất, kinh doanh. Do đó, một quyết định tăng thuế BVMT tại
thời điểm này cần phải được tính toán thật kỹ lưỡng về mọi mặt, sao cho
vừa đáp ứng được yêu cầu BVMT, phát triển bền vững, vừa bảo đảm sinh
hoạt, sản xuất, kinh doanh không bị đảo lộn, đặc biệt là trong bối cảnh
nước ta đang khuyến khích cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp.
Có một biểu thuế BVMT phù hợp với các sản phẩm chịu thuế theo đúng quy
định của Luật Thuế BVMT là cần thiết, nhưng việc lựa chọn đúng thời điểm
điều chỉnh thuế, lộ trình điều chỉnh thích hợp cũng cần thiết không
kém. Đây cũng là một giải pháp tích cực góp phần thúc đẩy tăng trưởng,
phát triển bền vững./.
Thùy Lâm (qdnd.vn)