Còn hình thức, thiếu trung thực
Ðiều 44 Luật Phòng, chống tham nhũng (năm 2005) quy định về những người có nghĩa vụ phải thực hiện hằng năm việc kê khai tài sản và mọi biến động về tài sản thuộc sở hữu của mình, của vợ hoặc chồng và con chưa thành niên tại nơi làm việc. Việc kê khai này nhằm bảo đảm tính minh bạch, đồng thời còn để xác minh tài sản khi cần thiết như phục vụ cho việc bầu cử, bổ nhiệm cán bộ hoặc có dấu hiệu, hành vi tham nhũng… Nghị định số 78-NÐ/CP, ngày 17-7-2013 của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập cũng xác định chín nhóm đối tượng dễ có nguy cơ tham nhũng nhất, có nghĩa vụ thực hiện kê khai tài sản, thu nhập. Các bộ, ngành, địa phương đã chỉ đạo triển khai nghiêm túc, yêu cầu những cán bộ thuộc diện điều chỉnh của các quy định nói trên phải kê khai theo đúng quy định. Tuy nhiên, sau nhiều năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng và Nghị định số 78-NÐ/CP, việc phòng ngừa tham nhũng theo "kênh" này chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Nguyên nhân đã được Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII chỉ rõ: "việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức còn hình thức". Kết quả từ việc chỉ đạo quyết liệt công tác chống tham nhũng của Trung ương Ðảng thời gian gần đây còn cho thấy, nhiều người kê khai tài sản không trung thực.
Theo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng của Chính phủ, trong thời gian từ năm 2007 đến nay, các cơ quan chức năng tiến hành xác minh 4.859 trường hợp kê khai tài sản và chỉ phát hiện, xử lý kỷ luật 17 người kê khai không trung thực. Trong khi đó, chỉ sau hơn hai năm thực hiện Nghị quyết Ðại hội XII của Ðảng, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 490 tổ chức đảng và 35 nghìn đảng viên vi phạm, trong đó có gần 1.300 đảng viên bị thi hành kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái quy định. Ðáng chú ý, tiền và tài sản được kê biên, thu giữ từ một số vụ án tham nhũng, án kinh tế đặc biệt nghiêm trọng đạt khá cao. Thí dụ như vụ án Giang Kim Ðạt, cơ quan chức năng đã thu giữ, kê biên, phong tỏa tài khoản hơn 300 tỷ đồng; vụ Hứa Thị Phấn kê biên hơn 10 nghìn tỷ đồng; vụ Ngân hàng Ðông Á kê biên hơn hai nghìn tỷ đồng; vụ Phạm Công Danh (giai đoạn I) thu hồi hơn sáu nghìn tỷ đồng; vụ Ðinh La Thăng thu hồi, khắc phục hơn 20 tỷ đồng; vụ Trịnh Xuân Thanh thu hồi hơn 45 tỷ đồng và vụ AVG thu hồi hơn 8.500 tỷ đồng… Tuy nhiên, số vụ việc, vụ án được phát hiện, xử lý chưa phản ánh đúng thực trạng tham nhũng, nhất là ở các địa phương. Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng cũng còn thấp, chỉ đạt hơn 26% vào năm 2016, hơn 29% vào năm 2017.
Kỳ họp thứ 15 của Ủy ban Kiểm tra T.Ư kết luận về hai trường hợp Phó Bí Tỉnh ủy Ðồng Nai Phan Thị Mỹ Thanh và Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa, nêu rõ trong rất nhiều vi phạm, có hành vi kê khai tài sản không trung thực. Ðối với trường hợp "Biệt phủ Yên Bái", Thanh tra Chính phủ cũng có kết luận về việc kê khai tài sản không trung thực của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái. Từ những vụ án đã đưa ra xét xử hay các vi phạm được Ủy ban Kiểm tra T.Ư kết luận, nhiều người đặt câu hỏi, nếu những cán bộ ấy không bị tố giác, phanh phui vì tham nhũng thì liệu họ có bị phát hiện là đã kê khai tài sản không trung thực hay không?
Thực tế nêu trên đặt ra vấn đề, tại sao việc kê khai tài sản đã được thực hiện đúng quy định, nhưng kết quả chưa phản ánh đúng thực tế, chưa góp phần hiệu quả phòng, chống tham nhũng. Phải chăng quy trình cũng như cơ chế kiểm soát việc kê khai tài sản còn thiếu chặt chẽ? Nhiều cấp ủy, cơ quan, đơn vị chưa chú trọng đúng mức công tác giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ. Hiện, rất nhiều cơ quan, đơn vị tiến hành việc kê khai tài sản xong chỉ để đấy, khi có vụ việc mới đem ra xem xét. Ðây chính là lỗ hổng để nhiều người lợi dụng kê khai không trung thực, hòng che giấu tài sản tham ô, tham nhũng.
Tăng cường tính pháp định về kê khai tài sản
Ðể tăng cường hiệu lực của công tác kê khai tài sản, Trung ương Ðảng tập trung chỉ đạo đổi mới công tác này. Hiện nay, Luật Phòng, chống tham nhũng đang được nghiên cứu, sửa đổi, trong đó chú trọng những nội dung về kê khai tài sản, như mở rộng diện đối tượng kê khai, xác định cơ quan quản lý kê khai, các phương án xử lý tài sản kê khai. Dự thảo luật sửa đổi khi đưa ra thảo luận tại hai kỳ họp thứ tư và thứ năm Quốc hội khóa XIV, đều có nhiều ý kiến tranh luận khác nhau. Ðiều này cho thấy đây là một nội dung phức tạp, liên quan, ảnh hưởng đến nhiều vấn đề của đời sống, xã hội.
Có ý kiến cho rằng nên thu hẹp đối tượng kê khai tài sản, chỉ tập trung vào những người giữ vị trí việc làm có nguy cơ tham nhũng cao. Ngược lại, có ý kiến đề nghị, nên mở rộng đối tượng có nghĩa vụ phải kê khai tài sản, thu nhập, để tạo cơ sở hình thành hệ thống dữ liệu quốc gia về bản kê khai; qua đó giúp cơ quan chức năng dễ dàng truy xuất, xác minh nguồn gốc tài sản khi cần thiết. Về kiểm soát tài sản, thu nhập, đa số ý kiến nhất trí cần có một cơ quan, đơn vị chuyên trách về kiểm soát về vấn đề này; nhưng cần bố trí thế nào cho hợp lý vì liên quan đến biên chế, tổ chức. Nếu không thận trọng, dễ dẫn đến tăng biên chế, ảnh hưởng việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 6 (khóa XII) về sắp xếp, tổ chức bộ máy hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả… Mới đây, tại hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Quốc hội, Chính phủ tập trung chỉ đạo khẩn trương tiếp thu, hoàn thiện Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) bảo đảm khả thi và hiệu quả.
Bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống các quy định pháp lý về kê khai tài sản nhằm góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cũng phải nhìn nhận lại trách nhiệm của các cấp ủy và bản thân đội ngũ cán bộ, đảng viên trong thực hiện nghĩa vụ kê khai tài sản. Tại Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII, Trung ương đã chỉ rõ, kê khai tài sản, thu nhập không trung thực là biểu hiện thứ ba trong chín biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Việc ngăn chặn suy thoái này, trách nhiệm trước hết thuộc về các cấp ủy đảng nơi đảng viên sinh hoạt, tu dưỡng, rèn luyện. Về giải pháp ngăn ngừa biểu hiện suy thoái, Nghị quyết xác định phải tổ chức thực hiện nghiêm việc kê khai tài sản, thu nhập; phải xây dựng và hoàn thiện cơ chế giải trình, cơ chế giám sát việc tăng, giảm tài sản của cán bộ, đảng viên.
Quán triệt, triển khai nghiêm túc giải pháp nêu trên, tháng 3- 2017, Ban Bí thư T.Ư Ðảng ban hành Quyết định số 99 ban hành hướng dẫn khung để các cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, trong đó quy định bản kê khai tài sản, thu nhập của lãnh đạo quản lý và người phải kê khai theo quy định là những nội dung công khai để nhân dân biết, giám sát. Tháng 5-2017, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 85 về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, nhằm mục đích bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của Ðảng, Nhà nước về kê khai tài sản; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các khuyết điểm, vi phạm trong việc kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện cấp ủy quản lý.
Những quy định, hướng dẫn nêu trên thể hiện tinh thần đổi mới, quyết tâm của Ðảng ta đối với chủ trương giám sát thu nhập, sở hữu tài sản của cán bộ nhằm ngăn ngừa tham nhũng, tiêu cực. Các cấp ủy, tổ chức đảng cần quán triệt nghiêm túc; căn cứ vào đó xây dựng văn bản, kế hoạch triển khai phù hợp. Các đơn vị phải đặc biệt quan tâm công tác giáo dục, rèn luyện tư tưởng, đạo đức, lối sống để cán bộ, đảng viên đủ bản lĩnh, luôn kiên định, vững vàng trước những cám dỗ vật chất; kiên trì rèn luyện đức tính liêm khiết, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Mỗi cán bộ, đảng viên phải xây dựng ý thức tự giác chấp hành nghiêm túc các quy định của Ðảng và pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, trong đó có trách nhiệm, nghĩa vụ kê khai trung thực tài sản, thu nhập.
Theo Nhân dân