Gắn bó

Theo AP, khi rời Việt Nam năm 1970, Ri-xác Pác-cơ (Richard Parker) tính bỏ lại ký ức về những vụ tấn công bom na-pan trong quá khứ. Nhưng thời gian qua đi, những mảng ký ức ấy vẫn ám ảnh ông. "Chúng tôi là những gã tồi. Bản thân tôi đã phải đối diện với nhiều bóng ma", ông Pác-cơ, đã ngoài 60 tuổi, nói về cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam.

Năm 2011, ông Pác-cơ bay từ bang I-li-noi, Mỹ, tới Đà Nẵng, thành phố miền Trung Việt Nam, nơi ông từng có 22 tháng phục vụ trong Hải quân Mỹ. Đầu tiên, Pác-cơ tới thăm một số địa điểm, trong đó có những nơi ông đã chứng kiến những hình ảnh chiến tranh đau buồn. Cùng chuyến đi ấy, một người đàn ông Việt Nam đã giới thiệu ông Pác-cơ với một vài cựu binh Mỹ đang sinh sống ở Đà Nẵng. Cuộc gặp lý thú cộng với việc tận mắt được chứng kiến những thay đổi thần kỳ ở Việt Nam đã khiến ông quyết định chuyển tới Đà Nẵng sống vài tháng sau đó.

​Đê-ri-li Pê-ri-men (Deryle Perryman), một nhà làm phim Mỹ cũng từng chia sẻ về chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của ông vào năm 1995: "Tôi trở lại vì những lỗi lầm thời tuổi trẻ. Và tôi thấy một đất nước tươi đẹp với những con người phi thường". Pê-ri-men đã trở lại Việt Nam 17 lần và kêu gọi những sự giúp đỡ quý báu nhằm góp phần khắc phục hậu quả chiến tranh tại Việt Nam. Một người bạn của ông Pê-ri-men, Chắc Pa-la-dô (Chuck Palazzo), từng là lính thủy quân lục chiến ở Đà Nẵng, hiện sinh sống tại đây, cũng chia sẻ lần đầu tiên ông quay trở lại đất nước xinh đẹp này vào năm 2001. Sau chuyến thăm đó ông đã trở thành người đồng sáng lập tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại thành phố Xanh Lu-ít, Mỹ, với tên gọi Cựu binh vì hòa bình. Nhóm này hằng năm tổ chức nhiều chuyến thăm tới Việt Nam cho cựu binh cùng các nhà hoạt động nhân đạo Mỹ.

Cũng là một cựu binh thủy quân lục chiến Mỹ ở bang Cô-lô-ra-đô, ông Bin Ê-rơ-vin (Bill Ervin), hiện đang điều hành công ty du lịch tại Đà Nẵng cùng người vợ Việt Nam của mình cho biết, hằng năm có rất nhiều cựu binh Mỹ tới Đà Nẵng. Họ thường xuyên tới bằng visa du lịch ngắn hạn. Một vài cựu binh từng chia sẻ họ trở lại Việt Nam để đối diện với nỗi ám ảnh thời chiến, và tới để biết nhiều hơn về đất nước đã khắc sâu trong tâm trí họ từ khi còn là những người lính trẻ.

Cùng chung tay khắc phục hậu quả chiến tranh

Sau nhiều năm trôi qua, các cựu binh Mỹ và gia đình họ dần hiểu về trách nhiệm của cá nhân và tập thể đối với những tổn thất mà quân đội Mỹ đã gây ra cho Việt Nam, đặc biệt là hậu quả của chất độc da cam/đi-ô-xin vẫn còn dai dẳng đến ngày nay. Mới đây một trang mạng của Mỹ đã đăng bài viết về câu chuyện hai người con gái của các cựu binh Mỹ từng bị nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin ở Việt Nam trong chiến tranh, đang tìm cách gây quỹ để giúp các nạn nhân Việt Nam. Bố của Ca-ti Cô-xten-lô (Katie Costello) và Hê-thơ Bâu-xơ (Heather Bowser), những cựu binh Mỹ là nạn nhân chất độc da cam trong chiến tranh Việt Nam, đều đã qua đời.

Thấu hiểu nỗi đau mà những nạn nhân da cam phải gánh chịu vì chất độc này, họ tìm cách gây quỹ để xây dựng một trung tâm chăm sóc sức khỏe và dạy nghề ở Plei-cu, Việt Nam. Hai người phụ nữ này hy vọng những nỗ lực của họ sẽ làm dịu nỗi đau cả cho gia đình họ và cả những nạn nhân Việt Nam.

Plei-cu là nơi mà cha Cô-xten-lô, ông Tô-ni Ma-tô-la (Tony Matola), phục vụ hồi chiến tranh Việt Nam và đã bị nhiễm chất độc da cam. Ông qua đời mùa hè năm ngoái vì bệnh ung thư phổi. Trong khi cha Bâu-xơ, ông Uy-li-am Mô-rít (William Morris), cũng từng phục vụ tại Việt Nam và bị phơi nhiễm chất độc da cam. Ông Mô-rít qua đời vì một cơn đau tim ở tuổi 50, sau khi chống chọi với nhiều loại bệnh tật. Hai ông đều có mặt ở chiến trường Việt Nam trong giai đoạn 1968-1969. Thời gian đó chỉ khoảng chừng 1 năm, nhưng đã làm biến đổi hoàn toàn cuộc sống của họ và gia đình. "Tôi sinh non mất hai tháng. Bẩm sinh tôi bị cụt chân phải, chân trái thiếu ngón ", Bâu-xơ cho biết. Hơn thế nữa, hai người cha của Cô-xten-lô và Bâu-xơ đều bị ám ảnh tâm lý nặng nề sau cuộc chiến tranh Việt Nam.

Bâu-xơ đã đến Việt Nam 4 lần. Khi đến đây cô đã được chứng kiến rất nhiều người Việt Nam cũng đang chịu ảnh hưởng của di chứng từ chất độc da cam giống như cô và bố. Cho đến gần đây ở Việt Nam vẫn còn những khu vực bị nhiễm độc hóa chất từ hồi đó và còn khả năng gây hại. Tuy nhiên, Bâu-xơ cảm nhận được rằng người Việt Nam không nuôi lòng thù hận và cô vẫn luôn được chào đón tại đây. Sau chuyến đi đến Việt Nam, Bâu-xơ và Cô-xten-lô đã lập một trang mạng để kêu gọi quyên góp số tiền 20 triệu USD cho dự án tại Plei-cu. Cô-xten-lô cho biết cô cũng có kế hoạch sẽ làm việc ở trung tâm này khi nó hình thành và đi vào hoạt động. "Cha tôi đã đánh mất một phần linh hồn của ông ở đây và tôi nghĩ mình sẽ mang nó trở lại", Cô-xten-lô nói./.

Hà Lan (QĐND)