Thứ Ba, 26/11/2024
Đời sống
Thứ Năm, 28/4/2016 20:39'(GMT+7)

Giám sát việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới tại Long An

Tại buổi làm việc, UBND tỉnh Long An cho biết: Thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể trong tỉnh đã tập trung đẩy mạnh thực hiện xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và đã gặp hái được nhiều kết quả. 

Trong giai đoạn 2010 – 2015, tỉnh Long An đã huy động được gần 16.000 tỷ đồng để đầu tư cho chương trình xây dựng nông thôn mới. Hạ tầng giao thông nông thôn ngày càng phát triển, các thiết chế văn hóa được chuẩn hóa; tình hình an ninh trật tự ổn định; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân vùng nông thôn ngày càng được nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 7,37% (năm 2011) xuống còn 2,98% (năm 2015). 

Tính đến cuối năm 2015, toàn tỉnh Long An có 43 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 33 xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí; 79 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí; 11 xã đạt từ 6 đến 9 tiêu chí của chuẩn nông thôn mới và không còn xã đạt dưới 6 tiêu chí. Số tiêu chí đạt bình quân của toàn tỉnh là 14,3 tiêu chí/xã, tăng 8,3 tiêu chí so với năm 2010. 

Về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh đã tập trung nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống thủy lợi, trạm trại, mô hình sản xuất… nhằm từng bước phục vụ tốt hơn cho nhu cầu sản xuất nông nghiệp. Kết quả sau 2 năm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, toàn tỉnh đã chuyển đổi trên 14,7 nghìn ha đất trồng lúa sang các loại cây trồng khác như thanh long, chanh, mè, rau màu… Nhìn chung, các cây trồng được chuyển đổi đã mang lại hiệu quả cao. Về lĩnh vực chăn nuôi, toàn tỉnh hiện có đàn trâu bò hơn 107.000 con, 258.000 con lợn và hơn 7,2 triệu con gia cầm. 

Theo ông Đỗ Hữu Lâm, Chủ tịch UBND tỉnh Long An, việc thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với thực hiện xây dựng nông thôn mới đã và đang góp phần tích cực vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã góp phần giúp nông dân nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập như: nội dung một số tiêu chí còn chưa sát với điều kiện, đặc điểm từ vùng gây khó khăn cho quá trình triển khai; việc huy động nguồn vốn còn nhiều khó khăn; công tác tuyên truyền chưa đi vào chiều sâu… 

Tỉnh Long An kiến nghị các bộ, ngành xem xét có cơ chế hỗ trợ đặc thù cho các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tăng mức hỗ trợ vốn đầu tư phát triển; đề nghị Chính phủ điều chỉnh, bổ sung một số tiêu chí nông thôn mới cho phù hợp với tình hình thực tế… 

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Giàu đánh giá cao những kết quả đạt được của tỉnh Long An trong thực hiện xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi khá mạnh mẽ và đã thu được kết quả bước đầu tốt đẹp; thành tựu xây dựng nông thôn mới ở Long An cũng khá ấn tượng, đứng ở mức cao so với cả nước và dẫn đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, tỉnh cần chú trọng hơn nữa đến việc đánh giá đời sống người dân, so sánh trước và sau khi đạt chuẩn nông thôn mới, xem xét tính bền vững của các tiêu chí. Việc xây dựng nông thôn mới cần lấy việc nâng cao chất lượng đời sống của người dân làm gốc, không nên cứng nhắc về các tiêu chí, huy động quá sức dân… Về các đề xuất, kiến nghị của tỉnh, ông Nguyễn Văn Giàu cho biết sẽ tổng hợp để trình Quốc hội xem xét, giải quyết./. 

Bùi Trường Giang/TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất