1. Trong mọi giai đoạn cách mạng, Đảng, Nhà nước ta
luôn đặc biệt quan tâm công tác phòng, chống lãng phí, đã ban hành nhiều
nghị quyết, chỉ thị, kết luận về vấn đề này và lãnh đạo cả hệ thống
chính trị, toàn dân tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả. Trước yêu cầu
tăng cường nguồn lực, khơi dậy sức dân đưa đất nước bước vào kỷ nguyên
mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác phòng, chống lãng phí đang đứng
trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới rất khẩn trương, cấp bách.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng phòng, chống lãng phí.
Bác căn dặn “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân,
của bộ đội và của Chính phủ”(1); Người chỉ rõ “Tham ô có hại nhưng lãng
phí có khi còn hại nhiều hơn: Nó tai hại hơn tham ô vì lãng phí rất phổ
biến...”(2); “Lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng
rất tai hại cho nhân dân, cho Chính phủ. Có khi tai hại hơn nạn tham
ô”(3); Người nhiều lần nhấn mạnh “Phải quý trọng của công: Tất cả cái
ăn, cái mặc, cái dùng của các cô, các chú là mồ hôi nước mắt của đồng
bào. Phải tiết kiệm, giữ gìn, không được lãng phí(4); “Tham ô, lãng phí,
quan liêu là một thứ "giặc ở trong lòng”. Nếu chiến sĩ và nhân dân ra
sức chống giặc ngoại xâm mà quên chống giặc nội xâm, như thế là chưa làm
tròn nhiệm vụ của mình. Vì vậy, chiến sĩ và nhân dân phải hăng hái tham
gia phong trào ấy”(5). Không chỉ là thường xuyên căn dặn, nhắc nhở, bàn
luận về tiết kiệm, chống lãng phí dưới góc độ lý luận, Chủ tịch Hồ Chí
Minh chính là tấm gương mẫu mực, sáng ngời về thực hành tiết kiệm, chống
lãng phí, đã truyền cảm hứng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ra
sức thi đua, huy động, hội tụ tiềm lực, sức mạnh chiến thắng thực dân,
đế quốc, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Từ khi tiến hành công cuộc đổi mới đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ
Chính trị, Ban Bí thư các khóa đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết,
kết luận về phòng, chống lãng phí. Ngày 21/8/2006, Hội nghị lần thứ ba
Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa X) ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW
về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham
nhũng, lãng phí"; ngày 25/5/2012, Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) ban
hành Kết luận số 21-KL/TW về việc "Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị
lần thứ ba, Ban Chấp hành Trung ương (khóa X); ngày 21/12/2012, Ban Bí
thư ban hành Chỉ thị số 21-CT/TW về việc "Đẩy mạnh thực hành tiết
kiệm, chống lãng phí"; ngày 25/12/2023, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị
27-CT/TW về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành
tiết kiệm, chống lãng phí". Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
XIII của Đảng chỉ rõ: “Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí...
chưa có chuyển biến rõ rệt... phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí vẫn
còn hạn chế... Tham nhũng, lãng phí... vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp...
ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội”(6). Thể chế hóa các chủ
trương của Đảng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa X ban hành Pháp lệnh
thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 1998; Quốc hội đã thông qua Luật
thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2005 và năm 2013; Hiến pháp năm
2013 quy định “Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thực hành tiết kiệm,
chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng trong hoạt động kinh tế - xã hội
và quản lý nhà nước”(7).
Thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương Đảng, Bộ
Chính trị, Ban Bí thư, Hiến pháp và quy định của pháp luật, các cấp ủy
đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương
đã xác định rõ hơn trách nhiệm trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm
vụ phòng, chống lãng phí. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, khai
thác, sử dụng các nguồn lực của đất nước được nâng lên. Ngân sách nhà
nước được kiểm soát chặt chẽ từ khâu lập đến chấp hành dự toán và quyết
toán; mua sắm, trang bị, quản lý và sử dụng tài sản, phương tiện đi lại,
trang thiết bị làm việc trong các cơ quan, tổ chức sử dụng ngân sách
thực hiện theo đúng định mức, tiêu chuẩn, chế độ quy định; công tác quản
lý các dự án đầu tư sử dụng vốn, tài sản nhà nước có chuyển biến tích
cực. Việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước được triển
khai; quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, ý thức
tiết kiệm trong sản xuất và tiêu dùng của nhân dân có nhiều chuyển biến
tích cực. Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã góp phần đưa
công cuộc đổi mới đạt những thành tựu vĩ đại; đạt và vượt hầu hết các
mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội qua các nhiệm kỳ, kể cả
trong bối cảnh có những thách thức chưa từng có tiền lệ như dịch bệnh,
thiên tai; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn nhân lực,
vật lực, tài lực, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, an sinh xã
hội, phúc lợi xã hội của đất nước.
Bên cạnh kết quả, lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng
thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát
triển. Trong đó, gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính,
giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên,
gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Hơn thế, lãng phí còn gây suy giảm
lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong
phát triển kinh tế - xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước. Một
số dạng thức của lãng phí đang nổi lên gay gắt hiện nay, đó là: Chất
lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn công
cuộc đổi mới dẫn đến khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát,
lãng phí các nguồn lực. Lãng phí thời gian, công sức của doanh nghiệp,
cá nhân khi thủ tục hành chính rườm rà, dịch vụ công trực tuyến chưa
thuận tiện và thông suốt. Lãng phí cơ hội phát triển của địa phương, của
đất nước do bộ máy nhà nước có nơi, có lúc hoạt động chưa hiệu quả, một
bộ phận cán bộ nhũng nhiễu, thiếu năng lực, né tránh, đùn đẩy công
việc, sợ trách nhiệm; do chất lượng, năng suất lao động thấp. Lãng phí
tài nguyên thiên nhiên; lãng phí tài sản công do quản lý, sử dụng chưa
hiệu quả, trong đó giải ngân vốn đầu tư công; cổ phần hóa, xử lý thoái
vốn của các doanh nghiệp nhà nước; sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở
hữu Nhà nước, các dự án sử dụng nhiều tài nguyên đất và nước; thực hiện
các chương trình, mục tiêu quốc gia, các gói tín dụng hỗ trợ phát triển
an sinh xã hội hầu hết rất chậm. Lãng phí trong hoạt động sản xuất, kinh
doanh, tiêu dùng của nhân dân diễn ra dưới nhiều hình thức.
Ngoài những nguyên nhân dẫn đến từng dạng thức lãng phí, còn do thực thi
các nghị quyết, chỉ thị, văn bản pháp luật về phòng, chống lãng phí
trong thực tế vẫn còn hạn chế; hệ thống tiêu chuẩn, định mức, chế độ,
một số chưa phù hợp thực tế nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung; xử lý lãng
phí chưa được đề cao, thường gắn với xử lý tham nhũng như hệ lụy kéo
theo. Chưa tạo được phong trào thi đua rộng khắp về thực hành tiết kiệm,
chống lãng phí cũng như dư luận xã hội mạnh mẽ để phê phán, lên án
những hành vi gây lãng phí. Việc xây dựng văn hóa tiết kiệm, không lãng
phí trong xã hội chưa được quan tâm đúng mức.
2. Chúng ta đang đứng trước cơ hội lịch sử để đưa đất nước bước vào kỷ
nguyên vươn mình của dân tộc. Đây cũng là thời điểm để định hình tương
lai của chúng ta. Để nắm bắt cơ hội, đẩy lùi thách thức, gia tăng mạnh
mẽ nguồn lực chăm lo cho nhân dân, làm giàu cho đất nước trong giai đoạn
cách mạng mới, xây dựng tương lai tốt đẹp, công tác phòng, chống lãng
phí cần được triển khai quyết liệt, đồng bộ với những giải pháp hữu
hiệu, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, trở thành tự nguyện, tự giác của mỗi cán
bộ, đảng viên và người dân, văn hóa ứng xử trong thời đại mới; chú trọng
một số giải pháp trọng tâm, sau đây:
Thứ nhất, cần thống nhất nhận thức đấu tranh phòng, chống lãng
phí là cuộc chiến chống “giặc nội xâm” đầy cam go, phức tạp; là một phần
của cuộc đấu tranh giai cấp; có vị trí tương đương với phòng, chống
tham nhũng, tiêu cực để xây dựng Đảng ta vững mạnh, “là đạo đức, là văn
minh” Tập trung tuyên truyền sâu rộng, nâng cao ý thức, trách nhiệm
trong cán bộ, đảng viên và người lao động, trước hết là sự nêu gương của
người đứng đầu tại từng cơ quan, tổ chức, cá nhân khu vực công, khu vực
tư về ý nghĩa, tầm quan trọng và trách nhiệm thực hành tiết kiệm, chống
lãng phí. Tiết kiệm, chống lãng phí phải được thể hiện rõ nét qua những
cam kết, kế hoạch, có lãnh đạo, có chỉ tiêu cụ thể, tiến hành thường
xuyên, triệt để. Xây dựng, triển khai thiết thực các cuộc vận động,
phong trào thi đua về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo khí thế
thi đua sôi nổi, rộng khắp trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.
Kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các điển hình tiên tiến
trong thực hiện tốt công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Thứ hai, tập trung hoàn thiện và tổ chức triển khai có hiệu quả
thể chế phòng, chống lãng phí; xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể có
hành vi, việc làm gây thất thoát, lãng phí tài sản công. Ban hành quy
định của Đảng nhận diện cụ thể những biểu hiện lãng phí trong thực hiện
nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên; quy định vai trò, trách nhiệm của cấp
ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị
trong công tác phòng, chống lãng phí; xây dựng và tổ chức thực hiện
Chiến lược quốc gia về phòng, chống lãng phí. Tiếp tục nghiên cứu, sửa
đổi quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo
hướng tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho giám sát, kiểm tra, phát
hiện, xử lý mạnh, có tính răn đe cao đối với các hành vi lãng phí; xây
dựng cơ chế thực sự hữu hiệu cho giám sát, phát hiện lãng phí của Mặt
trận Tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân. Đẩy mạnh phát hiện, xử lý nghiêm
minh các vụ vi phạm gây lãng phí lớn tài sản công theo tinh thần “xử lý
một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”.
Thứ ba, tập trung giải quyết triệt để các nguyên nhân dẫn đến
lãng phí tài sản công, tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực chăm lo nhân
dân và phát triển đất nước. Trọng tâm là: (i) Đổi mới mạnh mẽ công tác
xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật, coi đây là yếu tố quan trọng
để phòng, chống lãng phí. Trong đó, xây dựng pháp luật phải xuất phát
từ thực tiễn; vừa làm vừa rút kinh nghiệm; không cầu toàn, không nóng
vội; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, kịp thời tháo
gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực, giải quyết, khắc phục điểm
nghẽn, mở rộng không gian, tạo đà cho phát triển. Thường xuyên đánh giá
hiệu quả, chất lượng chính sách sau ban hành để kịp thời điều chỉnh bất
cập, mâu thuẫn, giảm thiểu thất thoát, lãng phí các nguồn lực. Rà soát,
bổ sung các quy định về cơ chế quản lý, các định mức kinh tế - kỹ thuật
không còn phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước. Hoàn thiện các
quy định xử lý hành vi lãng phí; các quy định về quản lý, sử dụng tài
sản công; thể chế trong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tạo
sự đồng bộ trong chuyển đổi để giảm thiểu lãng phí. (ii) Cải cách triệt
để, giảm tối đa thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ của người dân,
doanh nghiệp; chống bệnh quan liêu. (iii) Sử dụng tài nguyên, nhân lực,
vật lực hiệu quả; tăng cường tính bền vững, tối ưu hóa quy trình làm
việc; nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng. Giải quyết dứt điểm tồn tại
kéo dài đối với các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, dự án
hiệu quả thấp, gây thất thoát, lãng phí lớn; các ngân hàng thương mại
yếu kém. Sớm hoàn thành cổ phần hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động của
doanh nghiệp nhà nước. Tổng kết, nhân rộng kinh nghiệm triển khai dự án
đường dây 500 kv mạch 3 Quảng Trạch (Quảng Bình) - Phố Nối (Hưng Yên) để
rút ngắn thời gian thực hiện các công trình, dự án đầu tư công trọng
điểm, quan trọng quốc gia, đường cao tốc, công trình trọng điểm, liên
vùng, dự án có tác động lan tỏa. (iv) Tập trung xây dựng, tinh gọn bộ
máy tổ chức Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức
chính trị - xã hội để hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán
bộ, nhất là người đứng đầu các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang
tầm nhiệm vụ trong điều kiện mới. Có các giải pháp cụ thể tăng năng
suất lao động, nâng cao giá trị lao động Việt Nam trong giai đoạn mới.
Thứ tư, xây dựng văn hóa phòng, chống lãng phí; đưa thực hành
tiết kiệm, chống lãng phí trở thành “tự giác”, “tự nguyện”, “cơm ăn nước
uống, áo mặc hàng ngày”. Xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí
trong các cơ quan, tổ chức; khuyến khích nhân dân tăng cường thực hành
tiết kiệm, chống lãng phí, tạo thói quen quý trọng tài sản của Nhà nước,
công sức của nhân dân, sự đóng góp của tập thể và công sức của mỗi cá
nhân; coi việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ hằng
ngày. Thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng văn hóa tiết kiệm, ý thức
tiết kiệm; tư duy làm việc khoa học, quản lý thời gian hiệu quả, hình
thành trách nhiệm đạo đức xã hội gắn với thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ
luật.
V.I. Lênin nói “Chúng ta phải thực hành tiết kiệm tột mức trong bộ máy
nhà nước của chúng ta. Chúng ta phải bài trừ mọi vết tích lãng phí mà
nước Nga quân chủ và bộ máy quan liêu tư bản chủ nghĩa của nó đã để lại
đầy rẫy”(8); Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu nhấn mạnh “Muốn tiến lên chủ
nghĩa xã hội phải khắc phục khuyết điểm, tức là phải tăng gia sản xuất,
tiết kiệm, chống lãng phí, bảo vệ của công”(9); để đưa đất nước vững
bước đi lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến
lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 100 năm thành lập nước, nhất
định chúng ta phải quyết tâm phòng, chống lãng phí gắn với phòng, chống
tham nhũng, tiêu cực./.
TÔ LÂM
Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam
Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
______________________
(1) (2) (3) (5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.7, tr.357, 345, 357, 362.
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.221.
(6) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.I, tr.92, 93.
(7) Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2013, tr.12.
(8) V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1979, t.45, tr.458-459.
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.110.