Trận ngập lịch sử vừa qua tại Thành phố Hồ Chí Minh
khiến người dân mất hẳn niềm tin vào các dự án chống ngập đang tiêu tốn
hàng chục nghìn tỷ đồng.
Nhưng công
bằng mà nói, đây là một trận ngập “nằm ngoài sự tính toán” do lượng mưa
quá lớn. Trận mưa lớn này buộc thành phố phải nhìn lại quy mô cũng như
tính dự báo của các dự án chống ngập đang triển khai…
Nỗ lực… vẫn ngập
Ngay
trước “cơn mưa lịch sử” được cho là “lớn nhất trong vòng 40 năm qua”,
thành phố cũng đã rất nỗ lực bằng cả những giải pháp dài hơi cũng như
cấp bách nhằm chống ngập. Đặc biệt là ngay sau khi sân bay Tân Sơn Nhất
bị ngập nặng, “cả hệ thống chính trị” đều đã vào cuộc với những chỉ đạo
quyết liệt từ Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, nhằm giải quyết nhanh chóng
tình trạng ngập.
Cụ thể, ngay sau nhận định,
nguyên nhân ngập là do rác thải gây tắc nghẽn hệ thống cống thoát nước,
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Lê Văn Khoa đã trực tiếp kiểm
tra các vị trí lấn chiếm hệ thống thoát nước trên địa bàn quận Bình
Thạnh và yêu cầu Trung tâm điều hành chống ngập nước khẩn trương duy tu
nạo vét, khơi thông dòng chảy rạch Xuyên Tâm, tăng cường tuyên truyền,
có hướng xử lý tình trạng người dân xả rác, lấn chiếm kênh rạch, đồng
thời bàn giải pháp căn cơ là phải giải tỏa nhà lấn chiếm trả lại hiện
trạng ban đầu của kênh rạch.
Ông Lê Văn Khoa cũng chỉ đạo Quận Bình Thạnh chịu trách nhiệm quản
lý ngăn không cho người dân xả rác và chịu trách nhiệm trước UBND Thành
phố nếu để xảy ra tình trạng xả rác, ngập rác, lấn chiếm kênh rạch. Đồng
thời Quận Bình Thạnh phải khẩn trương khảo sát vị trí lắp đặt máy bơm
chống ngập, tập trung duy tu nạo vét, cải tạo lại toàn bộ hệ thống thoát
nước, khẩn trương lắp đặt camera trên hệ thống kênh rạch để quan sát và
quản lý việc xả rác, đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân hiểu tác hại
của việc xả, vứt rác xuống kênh rạch, nâng cao nhận thức cho người dân…
Riêng
tình trạng ngập nặng ở sân bay Tân Sơn Nhất, trực tiếp Chủ tịch UBND
Thành phố, Nguyễn Thành Phong đã cùng đoàn khảo sát hàng loạt khu vực bị
lấn chiếm cửa xả kênh rạch như tuyến kênh A41 (gồm rạch nhánh 1, 2
đường Cộng Hòa), quận Tân Bình, kênh Đồng Tiến, rạch cầu Suối quận 12,
rạch Vành đai quận Gò Vấp… và yêu cầu quận Tân Bình, Trung tâm điều hành
chương trình chống ngập nước phối hợp với các sở ngành khẩn trương
triển khai dự án vạo vét kênh A41, kênh Nhật Bản cũng như vận động người
dân vớt rác, khai thông dòng chảy...
Bí thư
Thành ủy Đinh La Thăng cũng trực tiếp xuống tận nơi, khảo sát và yêu
cầu, các sở, ngành liên quan rà soát lại quy hoạch khu vực sân bay Tân
Sơn Nhất, bao gồm giao thông, hệ thống thoát nước. Bí thư Đinh La Thăng
yêu cầu các ngành liên quan, khẩn trương thực hiện những giải pháp trước
mắt bao gồm triển khai làm hồ điều tiết trong sân bay, xác định nguyên
nhân dẫn đến ách tắc của 2 mương A41 và Nhật Bản và khẩn trương dọn rác,
nạo vét kênh, mương, tăng cường nhân lực trước khi có mưa lớn...
Những
giải pháp cấp bách này đã mang lại hiệu quả thực tế, đặc biệt trong
“trận mưa lịch sử” nhiều tuyến đường bị ngập nặng, nhưng tình trạng ngập
tại sân bay Tân Sơn Nhất và một số điểm ngập nặng trên địa bàn quận
Bình Thạnh đã được cải thiện.
Vì còn nhiều bất cập
Tuy
nhiên, những nỗ lực trên vẫn không làm xoay chuyển cục diện bức tranh
chống ngập của thành phố. Và Trung tâm chống ngập của thành phố cũng
phải thừa nhận hàng loạt những bất cập đang tồn tại trong các dự án
chống ngập.
Ngoài nguyên nhân lượng mưa quá lớn
vượt xa tần suất thiết kế của hệ thống thoát nước hiện tại, một trong
những nguyên nhân chính gây nên trận ngập lịch sử là do tiến độ “rùa bò”
của các dự án xóa ngập như Dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm, Cải tạo rạch
Ông Búp, Kênh tiêu Liên Xã, dự án thi công Xa lộ Hà Nội, khu vực chân
cầu Rạch Chiếc, đường Nguyễn Văn Quá quận 12... gây tắc nghẽn dòng
chảy.
Cụ thể, dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm với
tổng số vốn hơn 5.100 tỷ đồng nhằm giúp thoát nước, giảm ngập úng cho
700 ha tại nhiều khu vực ở các quận Bình Thạnh, Gò Vấp được giao cho một
công ty tư nhân đầu tư từ năm 2015 hiện vẫn giậm chân tại chỗ. Bên cạnh
đó, các dự án hỗ trợ thoát nước dù đã được quy hoạch và phê duyệt từ
lâu, nhưng đến nay, ngoài cống kiểm soát triều Nhiêu Lộc - Thị Nghè và
60 km đê bao trong tổng số 149 km đã được thi công, còn lại 9 cống kiểm
soát triều vẫn chưa được xây dựng do thiếu vốn. Một số công trình thoát
nước đang thi công cũng được cho là nguyên nhân làm ảnh hưởng đến khả
năng thoát nước của tuyến cống hiện hữu…
Không
chỉ vậy, TS Phạm Sanh, chuyên gia trong lĩnh vực đô thị còn nhiều lần
chỉ ra những nguyên nhân mang tính cố hữu mà đến nay vẫn chưa giải quyết
được, đó là việc thành phố giao nhiệm vụ chống ngập cho quá nhiều sở
ngành, địa phương khiến công tác chống ngập khi triển khai gặp rất nhiều
lúng túng. Và việc tồn tại song song hai đồ án chống ngập của Cơ quan
Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) thiên về thoát nước mưa và quy hoạch
thủy lợi chống ngập của Bộ NN&PTNT thiên về chống lũ, ngăn triều
nhưng lại thiếu tính gắn kết với nhau, thậm chí mâu thuẫn về bản chất
khoa học, đặc biệt là số liệu đầu vào như cường độ mưa, triều cường,
lún... khiến cho công tác chống ngập của thành phố, dù tiêu tốn rất
nhiều tiền nhưng vẫn không hiệu quả.
Các
chuyên gia còn chỉ ra rằng, tư duy chống ngập theo kiểu “ngập đâu, nâng
đó” bằng cách tạo độ chênh cốt nền để thoát nước từ nơi cao xuống nơi
thấp đã khiến việc chống ngập đi vào vòng lẩn quẫn là hết ngập ở khu này
nhờ nâng cao thì phát sinh ngập ở khu khác do bị thấp hơn khu mới nâng.
Thực tế cho thấy, việc cấp hơn 3,5 km đường Kinh Dương Vương, tiêu tốn
hơn 800 tỷ đồng khiến con đường cao ngất ngưỡng và nhà dân trở thành
hầm… cũng được dự báo sẽ không giải quyết được tình trạng ngập ở khu vực
này mà còn khiến đời sống người dân ở đây khốn khổ hơn. Vì rằng, dù
đường có được nâng cao nhưng các hướng thoát nước hai bên đường này ra
các kênh rạch vẫn đang bị lấn chiếm nghiêm trọng sẽ khiến tình trạng
ngập hai bên lưu vực tuyến đường Kinh Dương Vương vẫn tiếp diễn nghiêm
trọng hơn.
Theo TS. Phạm Sanh, thành phố nên
đánh giá nghiêm túc hiệu quả các dự án chống ngập hiện tại, nhanh chóng
điều chỉnh và tích hợp lại hai đồ án quy hoạch thoát nước chống ngập đã
được Chính phủ phê duyệt. Nên có chương trình quan trắc lâu dài về mức
độ lún của thành phố. Xây dựng bản đồ sử dụng đất theo phân vùng cảnh
báo mức độ rủi ro ngập lụt, giáo dục cộng đồng về xả rác, lấn chiếm kênh
rạch... đến từng người dân. Cần nâng số liệu tính toán chu kỳ mưa lên
ít nhất 10 - 25 năm và có kiểm tra đến 100 năm, ưu tiên các giải pháp
chống ngập “mềm” thân thiện môi trường như sử dụng các vật liệu lớp phủ
giảm hệ số dòng chảy, tạo nhiều không gian trữ nước mưa trong khu dân cư
và vận động sự tham gia cộng đồng để giải quyết căn bản tình trạng ngập
hiện nay.
Theo Tin tức