Thứ Bảy, 23/11/2024
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Thứ Hai, 17/2/2020 20:54'(GMT+7)

Chống “vi rút trì trệ” - Nhìn từ công tác cán bộ

Tuy nhiên thời gian qua đã xuất hiện một số cán bộ, đảng viên làm việc trì trệ hoặc có địa vị rồi thì không chịu tiếp tục học tập, rèn luyện, mắc bệnh háo danh, khi bị phê bình thì “tranh công, đổ tội”, kéo bè cánh… Đây là “vi rút trì trệ”, một biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”...

1. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần cảnh báo nguy cơ và lên án những “bệnh” thường gặp trong công tác cán bộ. Từ Đường kách mệnh (năm 1927), đặc biệt là trong Sửa đổi lối làm việc (năm 1947), Người đề nghị mỗi đảng viên cần hết sức cảnh giác, tránh xa chủ nghĩa cá nhân, coi đó là “một thứ vi trùng rất độc”. Trong nhiều loại “bệnh” dễ mắc, Người nêu rõ: “Bệnh hiếu danh” đồng nghĩa với “tự cho mình là anh hùng, là vĩ đại. Có khi vì cái tham vọng đó mà việc không đáng làm cũng làm. Đến khi bị công kích, bị phê bình thì tinh thần lung lay”. Khi tinh thần bị lung lay thì dễ mắc “bệnh” bè phái và đi đến chia rẽ… Kết quả là dẫn đến tâm lý nghi kỵ nhau, mất đoàn kết nội bộ, sinh ra lối làm việc “cầm chừng”, “phòng thủ” và một bộ phận cán bộ, đảng viên coi đây là “thượng sách”.

Đáng lưu ý, những cảnh báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ nhiều năm trước vẫn là những bài học còn nguyên giá trị. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” đã chỉ ra các hiện tượng: Không gương mẫu trong công tác; né tránh trách nhiệm, thiếu trách nhiệm, làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả; khi có khuyết điểm thì thiếu thành khẩn, phê phán người khác với động cơ cá nhân không trong sáng… và coi đây là những biểu hiện cần kiên quyết ngăn chặn.

Trên thực tế, ở nhiều địa phương, những hạn chế trong các mặt của công tác cán bộ như nêu trên đang phát tác trên nhiều lĩnh vực và có tác hại khôn lường đối với sự phát triển của mỗi tổ chức, đơn vị và cả trên bình diện quốc gia. Trong đó, biểu hiện dễ thấy là cán bộ, đảng viên khất lần hoàn thành tiến độ công việc được giao; lấy lý do sức khỏe, gia đình để thoái thác việc khó; đùn đẩy trách nhiệm giữa các cá nhân, bộ phận; dành thời gian làm việc công để mưu lợi cá nhân; khi có khen thưởng thì “tranh công”, khi có khuyết điểm thì “đổ tội”... Mới đây nhất, trường hợp Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông Trần Thanh Bình; Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Mạc Đĩnh Chi (thành phố Hải Phòng) Nguyễn Thị Xã bị điều chuyển công tác do lơ là nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (Covid-19) gây ra là ví dụ điển hình.

Biểu hiện cao độ của sự trì trệ là nhiều việc đáng lẽ phải được giải quyết ở cấp dưới, nhưng vì cấp dưới, cấp cơ sở không giải quyết, mà cứ dồn dần lên cấp trên, nên cuối cùng rất nhiều nhiệm vụ lên đến tận cấp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Có thể thấy rõ thực trạng này đã kéo dài nhiều năm trong giải ngân vốn đầu tư công, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước; việc xử lý các dự án thua lỗ, chậm tiến độ... Mới đây, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về đánh giá tác động của tình hình dịch bệnh do Covid-19, tổ chức ngày 12-2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh yêu cầu đồng thời chống 2 loại vi rút là vi rút corona và “vi rút trì trệ”. Chúng ta có thể hiểu được sự sốt ruột của Thủ tướng, vì tình hình dịch bệnh do Covid-19 đang rất nóng, không thể chấp nhận tình trạng có những cán bộ không dám tiến công, không chịu làm việc. Quan trọng là sự trì trệ không chỉ trong phòng, chống dịch bệnh, mà còn ở các lĩnh vực khác, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân. Những phản ánh không tốt từ cộng đồng doanh nghiệp, người dân là dẫn chứng và cần sớm được tẩy trừ...

2. Để chống lại “vi rút trì trệ” gồm nhiều công việc phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp và đòi hỏi cả thời gian, quyết tâm chính trị cao độ. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã rất quyết liệt trong vấn đề này, thông qua việc ban hành nhiều quy định, quy chế trong Đảng; sửa đổi, bổ sung luật chuyên ngành và các nghị định hướng dẫn thi hành luật. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là vấn đề con người, cụ thể ở đây là cần đánh giá đúng công tác cán bộ, trong đó tập trung vào một số giải pháp cụ thể.

Trước hết là tiếp tục thực hiện mạnh mẽ Nghị quyết số 18-NQ/TƯ “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Nghị quyết số 19-NQ/TƯ về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng chất lượng hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”, được Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII thông qua ngày 25-10-2017. Đây là dịp để rà soát, sắp xếp lại bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo đúng vị trí việc làm, qua đó góp phần loại bỏ những cá nhân làm việc trì trệ. Trong đó, tập trung xây dựng bộ tiêu chuẩn chức danh đối với từng ngạch lãnh đạo, quản lý ở từng cấp; bảo đảm lấy chất lượng, hiệu quả hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao làm thước đo chủ yếu để đánh giá năng lực của cán bộ.

Tiếp đến là hoàn thiện quy chế, quy định, quy trình đánh giá cán bộ, nhất là các trường hợp bổ nhiệm, bổ nhiệm lại và giới thiệu bầu cử. Trong đó, công tác đánh giá cán bộ không chỉ xem xét trong một thời điểm, mà phải xem xét trong cả quá trình để thấy được sự chuyển biến; phải kết hợp theo dõi thường xuyên với đánh giá định kỳ. Thực hiện công khai, minh bạch kết quả đánh giá cán bộ để phát huy vai trò giám sát, tham gia ý kiến của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân. Trong đó, cần làm thực chất theo tinh thần tại Quy định số 213-QĐ/TƯ ngày 2-1-2020 của Bộ Chính trị (khóa XII) “Quy định trách nhiệm của đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ với tổ chức Đảng và nhân dân nơi cư trú”.

Ngoài ra, cần áp dụng phổ biến cơ chế thi tuyển cán bộ quản lý ở nơi thực hiện chế độ thủ trưởng, có đề án tranh cử rõ ràng và ràng buộc trách nhiệm, nhằm lựa chọn được người có phẩm chất và năng lực tham gia xây dựng cơ quan, đơn vị. Trong đó, quy chế thi tuyển chặt chẽ bảo đảm khách quan, bí mật nhằm loại trừ tác động của mọi yếu tố thân hữu, hối lộ giữa người tổ chức thi, người chấm thi và người thi.

Đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý đương chức, cần đổi mới cách lấy phiếu tín nhiệm theo hướng mở rộng đối tượng tham gia. Với những cá nhân có suy nghĩ, lối làm việc trì trệ rất cần được cấp ủy, chi bộ kèm cặp, nhắc nhở. Nếu không chuyển biến thì thuyên chuyển vị trí công tác, không để cá nhân đó trở thành “hòn đá tảng” làm thui chột ý chí phấn đấu của những người có năng lực, nhiệt huyết cho sự phát triển chung.

“Dụng nhân như dụng mộc” - chỉ có đánh giá đúng thực chất phẩm chất, năng lực của cán bộ mới làm cơ sở cho việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật… cán bộ được khách quan. Chuẩn bị cho đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, công tác cán bộ phải thực hiện cho bằng được chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Kiên quyết không để lọt vào cấp ủy những cán bộ vi phạm, thoái hóa, biến chất!”. Đây cũng là giải pháp ngăn ngừa hiệu quả “vi rút trì trệ”, một biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đang có nhiều biến tướng tinh vi, phức tạp.

Thế Đan/HNM

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất