(TG)- Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội cho biết, cũng như bệnh sốt xuất huyết, quan trọng nhất vẫn là phải diệt tận gốc nơi muỗi sinh sản như diệt trừ bọ gậy bằng cách đậy kín dụng cụ chứa nước sinh hoạt, thay rửa lu chứa nước thường xuyên, thả các loại cá ăn bọ gậy; thu gom phế thải và các dụng cụ có chứa nước mưa ở trong và ngoài nhà, không để cho muỗi, bọ gậy có môi trường trú ngụ.
Chủ động diệt muỗi phòng bệnh do vi rút Zika
Sau khi Bộ Y tế công bố tại Việt Nam đã có 2 trường hợp nhiễm vi rút Zika, người dân ở Hà Nội đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp để diệt muỗi, phòng bệnh do vi rút Zika. Dịch vụ bán các loại xịt, miếng dán chống muỗi cũng vì thế mà bán "chạy" hơn rất nhiều vì nhiều người lùng mua về diệt muỗi.
Những sản phẩm diệt muỗi như thuốc, gel, nhang, miếng dán, vợt điện, tinh dầu đuổi muỗi và đèn bẫy muỗi được các cửa hàng kinh doanh hóa chất, tạp hóa... nhanh chóng nhập về để bán kiếm lời. Các trang mạng cũng xuất hiện những lời quảng cáo “có cánh” đánh trúng tâm lý của người dân để bán được nhiều sản phẩm.
Theo Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, việc người dân chủ động tham gia diệt muỗi phòng bệnh cùng với ngành y tế là điều cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại sản phẩm diệt muỗi, xua muỗi như thuốc xịt muỗi, miếng dán chống muỗi, gel, vợt điện, tinh dầu đuổi muỗi…, người dân cần tìm mua đúng loại sản phẩm được cấp phép lưu hành, còn hạn sử dụng và tuân thủ cách sử dụng theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất để việc phòng chống bệnh có hiệu quả. Bình xịt, vợt điện có thể diệt được muỗi nhưng các loại như miếng dán, kem xoa chỉ xua được muỗi, hiệu quả phòng bệnh không cao.
Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội cho biết, cũng như bệnh sốt xuất huyết, quan trọng nhất vẫn là phải diệt tận gốc nơi muỗi sinh sản như diệt trừ bọ gậy bằng cách đậy kín dụng cụ chứa nước sinh hoạt, thay rửa lu chứa nước thường xuyên, thả các loại cá ăn bọ gậy; thu gom phế thải và các dụng cụ có chứa nước mưa ở trong và ngoài nhà, không để cho muỗi, bọ gậy có môi trường trú ngụ.
Trước nguy cơ vi rút Zika có khả năng gây teo não thai nhi đang lan truyền nhanh chóng trên thế giới, trở thành vấn đề toàn cầu, bên cạnh một bộ phận người dân đã chủ động phòng chống bệnh vẫn còn rất nhiều người thờ ơ với căn bệnh này. Trong khi đó, theo cảnh báo của ngành y tế, nguy cơ dịch bệnh này xâm nhập vào Thủ đô là rất lớn do muỗi Aedes truyền bệnh sốt xuất huyết cũng là muỗi truyền bệnh do vi rút Zika lưu hành phổ biến tại Hà Nội.
Mùa hè đang đến gần là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết phát triển. Để huy động cộng đồng tham gia phòng chống muỗi, vừa qua, Sở Y tế Hà Nội đã ký cam kết với các quận huyện triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch bệnh do vi rút Z ika. Từ đó, các quận huyện đồng loạt tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt muỗi và bọ gậy phòng dịch. Dự kiến trung tuần tháng 4, Sở Y tế sẽ phát động chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt muỗi, bọ gậy phòng chống bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố, nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.
Tăng cường tuyên truyền đến phụ nữ mang thai
Thực hiện Chiến dịch về phòng chống sốt xuất huyết và dịch bệnh do vi rút Zika, từ ngày 15/4 đến ngày 30/5, thành phố Hồ Chí Minh sẽ tổng rà soát các điểm nguy cơ phát sinh muỗi, lập danh sách và có kế hoạch kiểm soát; lập bàn tư vấn, phát tờ rơi tuyên truyền, thực hiện kí cam kết không có lăng quăng, truyền đi 2 thông điệp: luôn kiểm tra vật chứa và chủ động phòng ngừa muỗi đốt.
Ngành Y tế thành phố đang tăng cường các hoạt động chống dịch bệnh do vi rút Zika, tập trung tại quận 1 và quận 2 (nơi làm việc và nơi ở của trường hợp phát hiện nhiễm vi rút Zika tại Thành phố Hồ Chí Minh). Cụ thể, tại quận 1, cơ quan chức năng tiếp tục phun hóa chất diệt muỗi; truy tìm và xử lí các ổ lăng quăng tại khu vực Thảo Cầm Viên . Tại quận 2, cơ quan chức năng mở rộng phun hóa chất khu vực xung quanh Bệnh viện Quận 2 và khu vực phường Thạnh Mỹ Lợi- nơi điều trị và nơi ở của bệnh nhân bị nhiễm vi rút Zika. Bên cạnh đó, công tác truyền thông được ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường, trực tiếp đến thai phụ tại các phòng khám sản của các cơ sở y tế, tập trung vào các thông điệp chính là diệt muỗi, diệt lăng quăng, đồng thời tư vấn cho thai phụ phòng tránh muỗi đốt để tự bảo vệ. Riêng tại phường Thạnh Mỹ Lợi - nơi cư trú của trường hợp nhiễm vi rút Zika, công tác truyền thông sẽ được thực hiện đến tận các gia đình có phụ nữ mang thai.
Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Thời gian tới, trung tâm sẽ trình Sở Y tế kế hoạch thực hiện giám sát tật đầu nhỏ ở thai nhi hoặc ở trẻ sơ sinh để đánh giá mức độ liên quan với việc nhiễm vi rút Zika; đồng thời hồi cứu lại những ca sinh ra trẻ mắc tật đầu nhỏ xem có mối liên quan nào giữa việc nhiễm Zika và tật đầu nhỏ hay không. Trung tâm Y tế dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh cũng tăng cường giám sát, truyền thông và kiểm soát vật trung gian truyền vi rút Zika ngay trong tháng 4 này./.
Tg tổng hợp