Để chủ động phòng chống dịch bệnh trong mùa mưa lũ, Sở Y tế tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nhằm bảo vệ sức khoẻ của người dân.
* Để chủ động phòng chống dịch bệnh trong mùa mưa lũ, Sở Y tế tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nhằm bảo vệ sức khoẻ của người dân.
Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã thành lập Ban điều hành và 2 đội phòng chống dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn; chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, các loại hoá chất cần thiết, các trang thiết bị để xử lý khi dịch bệnh xảy ra; tăng cường tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả khi có thiên tai, bão lũ xảy ra, đặc biệt là ở các xã vùng cao, những vùng trũng thường xuyên xảy ra lũ ống, lũ quét và ngập úng như các huyện Na Hang, Chiêm Hoá, Yên Sơn… và thành phố Tuyên Quang.
Sở Y tế tỉnh đẩy mạnh hướng dẫn người dân biết cách phòng bệnh, bảo vệ nguồn nước, lương thực, thực phẩm trong và sau khi lụt xảy ra, cung cấp bổ sung cơ số thuốc, vật tư, hoá chất khử trùng, tẩy uế những nơi công cộng như: chợ, nhà trọ, bến xe…Sở cũng phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành giám sát tích cực tình hình dịch bệnh để có kế hoạch, biện pháp can thiệp, khống chế kịp thời không để dịch xảy ra.
* Bác sĩ Ngô Văn Hoàng - Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Long An, cho biết, đến nay toàn tỉnh đã có 986 ca bị bệnh tay chân miệng và đã có 6 trẻ tử vong (Bến Lức 1, Đức Hoà 1, Cần Giuộc 3, Cần Đước 1). Địa bàn có số ca bệnh nhiều nhất là Đức Hoà 217 ca, Cần Giuộc 181 ca TP. Tân An 141 ca, Thủ Thừa 118 ca…
Long An đang tập trung triển khai các biện pháp phòng ngừa bệnh tay, chân, miệng trong các nhà trẻ, trường mầm non, nhóm trẻ gia đình, hướng dẫn cách rửa tay trước khi ăn, vệ sinh an toàn thực phẩm, dụng cụ thức ăn, vệ sinh đồ chơi trẻ em, thường xuyên lau chùi phòng học, lớp học bằng nước Javen thông thường. Trung tâm y tế dự phòng mở các lớp tập huấn chuyên môn chẩn đoán, điều trị cho gần 600 cán bộ y tế huyện, xã và mạng lưới cộng tác viên; tổ chức lớp giám sát điều trị, xử lý ổ dịch; thường xuyên giám sát các ca bệnh tại cộng đồng và xử lý, ngăn chặn ổ dịch lây lan; đồng thời, phát gần 1 tấn hoá chất Cloruamin để làm vệ sinh những nơi đang phát sinh ổ dịch…
* Theo Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Đắk Lắk, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 14/15 huyện, thị xã, thành phố xuất hiện bệnh tay chân miệng, với tổng số người mắc tăng lên 176 trường hợp, trong đó có 1 trường hợp tử vong. Chỉ riêng trong 10 ngày cuối tháng 7 này đã có 136 người mắc bệnh tay chân miệng, tập trung nhiều nhất ở thành phố Buôn Ma Thuột. Đặc biệt, ở tỉnh Đắk Lắk hiện nay, bệnh tay chân miệng đã lan rộng về các xã, thôn, buôn vùng sâu, vùng xa và đã có 7 xã, phường, đơn vị của 4 huyện, thành phố xuất hiện các ổ dịch, gồm: xã vùng sâu Krông Nô, Buôn tría (huyện Lắk), xã Ea Puk (huyện Krông Năng), Cư Né (huyện Krông Búk), xã Hoà Thắng, phường Ea Tam, Trường Mầm non quốc tế (thành phố Buôn Ma Thuột).
Tỉnh đã tổ chức phun hoá chất sát khuẩn khử trùng tại những nơi có dịch, thông báo dịch cho tất cả các trường mầm non, điểm nuôi dạy trẻ trên địa bàn nhằm có biện pháp ngăn ngừa, phòng tránh, hoặc sớm phát hiện để cách ly, khoanh vùng xử lý môi trường không để lây lan. Tỉnh cũng tiến hành tập huấn nghiệp vụ về công tác ngăn ngừa, chẩn đoán, điều trị bệnh tay chân miệng cho cán bộ y tế từ tỉnh đến cơ sở kể cả cộng tác viên y tế thôn, buôn. Các bệnh viện trên địa bàn tỉnh lắp đặt thêm gường, ưu tiên khám điều trị bệnh tay chân miệng cho các cháu. Tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương, các ngành chức năng cần phối hợp chặt chẽ với ngành y tế tỉnh để sớm khống chế, dập tắt dịch bệnh tay chân miệng./.
Theo TTXVN