Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã
quá rõ, vượt ngoài các kịch bản dự báo và trực diện tác động tới đời
sống sản xuất, sinh hoạt của bà con. Thực tế khảo sát tại ba tỉnh Tây
Nam Bộ cho thấy, Kiên Giang đã có những xã bị xâm nhập mặn tới 70% số
diện tích. Còn tại Trà Vinh, dự báo trong vòng 5 năm tới, mực nước biển
có thể dâng thêm 10cm và đến năm 2100, sẽ có khoảng 40% số diện tích bị
ngập trong nước biển, nếu không có giải pháp ứng phó kịp thời. Làm thế
nào để ứng phó với biến đổi khí hậu, hạn chế tối đa những tác động tiêu
cực từ xâm nhập mặn? Giải pháp trước mắt là đầu tư thật nhiều hệ thống
cống chống xâm nhập mặn, xây đê chắn sóng, tích trữ nước ngọt. Nhưng còn
giải pháp căn cơ, lâu dài hơn là gì?
Xâm nhập mặn tác động lớn tới sinh kế của người dân
Biến
đổi khí hậu, đặc biệt là xâm nhập mặn đang ảnh hưởng và có tác động lớn
đến đời sống kinh tế - xã hội, sinh kế của người dân các tỉnh đồng bằng
sông Cửu Long. Tại Trà Vinh, theo ghi nhận của Đoàn công tác do Phó Chủ
tịch QH Phùng Quốc Hiển dẫn đầu, tháng 3.2016, tỉnh đã phải công bố
thiên tai hạn mặn với tình trạng chiều dài ảnh hưởng của mặn đã vào sâu
trên 60km tính từ các cửa sông chính. Hạn mặn kéo dài cũng khiến các
cống trên địa bàn không có khả năng lấy nước ngọt. Ước tính, Trà Vinh có
12.346ha trên tổng số 18.332ha lúa bị thiệt hại do ảnh hưởng của hạn
hán và xâm nhập mặn, tập trung ở các huyện Trà Cú, Cầu Ngang, Tiểu Cần,
Châu Thành, thị xã Duyên Hải và TP Trà Vinh. Đối với lĩnh vực thủy sản,
hiện đã có 228ha/598 hộ nuôi tôm bị đốm trắng, gan tụy; hơn 366ha/424 hộ
nuôi tôm sú tập trung ở các huyện Duyên Hải, Trà Cú, Châu Thành và thị
xã Duyên Hải bị ảnh hưởng. Độ mặn tăng nhanh đột ngột khiến các hộ nuôi
cá lóc ở huyện Trà Cú không kịp trở tay, thiệt hại hơn 985 nghìn con
giống.
Tại Cà Mau, đã có 30 nghìn
hecta đất đã bị xâm nhập mặn. Hiện trạng là đã chạy sâu vào đất liền 2 -
3km và chạy suốt chiều dài bờ biển 254km, thậm chí có nơi nước biển
tràn sâu trong đất liền trên 5km. Tại Kiên Giang, tình hình thời tiết
nắng nóng bất thường, xâm nhập mặn làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản
xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân. Riêng sản xuất lúa vụ mùa và đông
xuân 2015 - 2016, thiệt hại trên 56.506ha, ước tính giá trị thiệt hại
khoảng 1.500 tỷ đồng. Sản lượng giảm hơn 543 nghìn tấn so với kế hoạch,
làm giảm giá trị gia tăng 1.240 tỷ đồng. Thực tế này đã làm cho khu vực
nông, lâm, thủy sản của địa phương lần đầu tiên tăng trưởng âm 6,49%.
Tìm lợi thế trong bất lợi
Chúng ta hiện vẫn chủ yếu phụ
thuộc vào thiên nhiên trong quá trình sản xuất. Điển hình như mô hình
nuôi tôm ở xã Tân Dân (huyện Đầm Dơi, Cà Mau), nước phục vụ cho nuôi tôm
chủ yếu lấy từ nước sông, chứ không phải nước đã qua xử lý. Nếu bị xâm
nhập mặn, độ mặn tăng cao, sẽ gây thiệt hại ngay tới những diện tích
nuôi tôm này. Mức độ rủi ro là 50/50, nông dân có thể thắng mà cũng có
thể thua. Do vậy, đã đến lúc cần xem xét, ứng dụng khoa học - công nghệ,
tìm phương thức chủ động về nguồn nước hơn - đây là một trong những
giải pháp căn cơ để ứng phó được trong trường hợp hạn hán, hoặc xâm nhập
mặn kéo dài, không đủ nước cho nuôi tôm. Rõ ràng, chỉ nhìn từ con tôm
thôi, chúng ta có thể thấy sự cần thiết phải tính các giải pháp lâu dài
cho toàn ngành nông nghiệp cũng như từng cây trồng, vật nuôi.
Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển
|
Chủ động và
tích cực ứng phó với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn - đây là nỗ lực
chung của cả ba tỉnh Trà Vinh, Cà Mau và Kiên Giang. Nhiều dự án nạo
vét, nâng cấp, đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương, đê bao… đã và đang
được triển khai. Tại Cà Mau, tỉnh đang đề nghị QH, Chính phủ xem xét, bổ
sung nguồn vốn xây dựng dự án đê biển Đông, dự án đầu tư xây dựng kè
chống sạt lở ven TP Cà Mau, rồi dự án đầu tư xây dựng kè ngầm bãi tạo
khôi phục rừng phòng hộ, bảo vệ đê biển Tây… Hay tại Kiên Giang, tỉnh có
kế hoạch đầu tư tuyến đê ven biển và hệ thống cống ngăn mặn, điều tiết
nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất của nhân dân. Đặc biệt là dự
án kiểm soát mặn có tính liên vùng như xây dựng 2 cống Cái Lớn - Cái Bé
để ngăn mặn từ biển Tây, tăng khả năng chuyển nước cho vùng đồng bằng
sông Cửu Long, nhất là vùng nam bán đảo Cà Mau.
Khẳng
định sự cần thiết phải xây dựng các công trình ngăn xâm nhập mặn, hồ
chứa nước ngọt để ứng phó với xâm nhập mặn, song theo Phó Chủ tịch QH
Phùng Quốc Hiển, thì cần chủ động sống chung với xâm nhập mặn.
Đây mới là giải pháp căn cơ, lâu dài trong phòng, chống biến đổi khí
hậu, cụ thể là tình trạng xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long. Đơn
cử, khi diện tích lúa nước - sản phẩm nông nghiệp chủ lực của đồng bằng
sông Cửu Long, ngày càng bị thu hẹp do ảnh hưởng từ xâm nhập mặn, thì có
nên tiếp tục duy trì diện tích lúa nước như hiện nay hay không? Hay là
cần chuyển đổi theo hướng tăng cường nuôi trồng thủy sản, cây trồng nước
lợ, nước mặn để biến bất lợi thành lợi thế? Như cách nói của Ủy viên
Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Thanh Vân, đó là Trà Vinh,
Cà Mau và Kiên Giang cần tìm lợi thế trong bất lợi để thích ứng với xâm
nhập mặn.
Với cách thức tiếp cận
này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trương Minh
Hoàng cho rằng, các địa phương cần đánh giá lại thực trạng sản xuất, xem
xét để chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với những diện tích không
trồng được lúa sang nuôi trồng các loại cây con khác. Hoặc, có thể
nghiên cứu để chuyển đổi diện tích trồng lúa sang những cây trồng ngắn
ngày hơn, miễn là mang lại hiệu quả kinh tế và tăng được thu nhập cho
người dân.
Rõ ràng, thực tế khảo sát
tại Trà Vinh, Cà Mau và Kiên Giang cho thấy, cần chủ động hơn trong ứng
phó với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, thay vì bị động chạy theo, ứng
phó tình thế. Có như vậy, các địa phương mới có thể thích ứng và trở tay kịp
với những tác động ngày càng phức tạp của biến đổi khí hậu. Và giải
pháp căn cơ, lâu dài, bền vững hơn cả phải là thay đổi phương thức sản
xuất, tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng thích ứng với biến đổi
khí hậu, xâm nhập mặn. Muốn vậy, cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công
nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, xây dựng đê chắn sóng kết hợp với tạo
bãi trồng rừng. Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển đã nhấn mạnh như vậy
tại các cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Trà Vinh, Cà Mau và Kiên Giang.
Giải quyết được vấn đề xâm nhập mặn tại 3 địa phương này cũng chính là
góp phần thiết thực cùng với các địa phương khác trên cả nước thực hiện
thành công Nghị quyết của QH về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm
2017.
Anh Thảo (daibieunhandan.vn)