Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về
bảo vệ môi trường vừa diễn ra, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
(TN&MT) Trần Hồng Hà đã chỉ rõ, môi trường nước ta đang chịu nhiều
áp lực lớn từ việc phát triển kinh tế - xã hội trong nước, theo dòng
thương mại quốc tế và tác động xuyên biên giới.
Theo thống kê, hằng năm có hơn 2.000 dự án thuộc diện phải lập báo cáo
đánh giá tác động môi trường. Cả nước hiện có 283 khu công nghiệp, với
hơn 550 nghìn mét khối nước thải/ngày-đêm; 615 cụm công nghiệp trong đó
chỉ khoảng hơn 5% có hệ thống xử lý nước thải tập trung; hơn 500.000 cơ
sở sản xuất trong đó có nhiều loại hình sản xuất làm ô nhiễm môi trường
do công nghệ lạc hậu; hơn 5.000 doanh nghiệp (DN) khai thác khoáng sản,
vật liệu xây dựng; hơn 4.500 làng nghề; hơn 13.500 cơ sở y tế hằng ngày
phát sinh hơn 47 tấn chất thải nguy hại và 125 nghìn mét khối nước thải y
tế. Hiện 787 đô thị xả ra môi trường 3 triệu mét khối nước
thải/ngày-đêm, nhưng hầu hết chưa được xử lý; ngoài ra còn 43 triệu mô
tô và trên 2 triệu ô tô xả khí thải vào môi trường. Hằng năm, cả nước sử
dụng hơn 100.000 tấn hóa chất bảo vệ thực vật; phát sinh hơn 23 triệu
tấn rác thải sinh hoạt, hơn 7 triệu tấn chất thải rắn công nghiệp, hơn
630.000 tấn chất thải nguy hại. Trong số 458 bãi chôn lấp rác thải, có
337 bãi chôn lấp không hợp vệ sinh; có hơn 100 lò đốt rác sinh hoạt công
suất nhỏ, có nguy cơ phát sinh khí điôxin, furan.
Một số dự án FDI đã gây ô nhiễm môi trường như Công ty Vedan, Miwon,
Formosa, khói bụi ô nhiễm của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Công ty
Lee&Men...
Rõ ràng, áp lực từ phát triển kinh tế đã đè nặng lên vấn đề môi trường
đòi hỏi công nghệ mới phải tham gia kiểm soát ô nhiễm. Theo đánh giá của
Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), việc ứng dụng các thành tựu khoa
học công nghệ trong quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường hóa chất và sự
cố môi trường đã có bước tiến mạnh mẽ, góp phần không nhỏ trong dự báo,
phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm. Tuy nhiên, câu chuyện ô nhiễm môi trường
từ các khu công nghiệp, chế xuất... vẫn thực sự nhức nhối.
Nhiều chuyên gia cho rằng, cần tăng cường các nguồn lực, có quy định cụ
thể cho từng nhóm chất độc hại để ưu tiên quản lý. Ngoài ra, cần tiếp
tục đầu tư các công cụ kiểm soát ô nhiễm, nghiên cứu để xây dựng, triển
khai các mô hình đánh giá rủi ro ô nhiễm hóa chất với sự hỗ trợ của cơ
quan chủ quản.
Đối với lĩnh vực quản lý sự cố môi trường, hạn chế lớn nhất nằm ở năng
lực của các cơ quan, đơn vị liên quan do chưa có sự đầu tư thích đáng,
chưa có cơ chế hiệu quả trong việc thông báo, phối hợp, chia sẻ thông
tin trong phòng ngừa, ứng phó sự cố. Yêu cầu đầu tiên trong việc bảo đảm
hiệu quả ứng phó sự cố môi trường là thực hiện các hoạt động ứng phó
nhanh và phù hợp. Ở Việt Nam hiện chưa có sự hỗ trợ cần thiết để bảo đảm
hai tiêu chí quan trọng này.
Để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, các nhà khoa học kiến
nghị, cần phải xây dựng và thực hiện các phương án tăng cường năng lực
trong lĩnh vực quản lý sự cố môi trường, bao gồm tăng cường năng lực về
kỹ thuật (phổ biến và hướng dẫn đánh giá rủi ro, tác động và diễn biến
của sự cố...), thiết lập lực lượng phản ứng nhanh với sự hỗ trợ của
trung tâm thu nhận và xử lý thông tin phạm vi cấp vùng, hoặc toàn quốc
nhằm thu nhận, đưa ra các hướng dẫn kịp thời phù hợp với tính đa dạng
của sự cố; đẩy mạnh nghiên cứu và áp dụng các công nghệ mới trong phòng
ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố môi trường, trong đó có tính đến các sự
cố do thiên tai.
Phương Nhi/HNM