Thứ Sáu, 20/9/2024
Đời sống
Thứ Bảy, 15/10/2016 21:22'(GMT+7)

Chủ động, tập trung ứng phó với hậu quả mưa lũ ở các tỉnh miền Trung

Nhiều khu vực dân cư tại các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh bị chia cắt hoàn toàn vì nước lũ.

Nhiều khu vực dân cư tại các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh bị chia cắt hoàn toàn vì nước lũ.

Tình hình mưa lũ ở miền Trung tiếp tục diễn biến phức tạp.

* Quảng Bình: Mưa lũ đã chia cắt nhiều đoàn tàu trên tuyến đường sắt Bắc Nam qua tỉnh Quảng Bình.

Đến 16 giờ 30 phút ngày 15/10, có 132 hành khách trên tàu SE19 “mắc kẹt” do lũ lụt tại ga Lạc Sơn thuộc huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) đã được giải cứu khỏi vùng cô lập để tiếp tục hành trình của mình… 

Để thực hiện việc giải cứu ở trên, lực lượng ngành đường sắt đã phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự và các đơn vị chức năng ở tỉnh Quảng Bình dùng 3 ca nô chuyên dụng tăng bo, vận chuyển hành khách vượt qua sông Gianh ra khỏi vùng bị cô lập. Sau khi được đưa ra khỏi vùng cô lập, ngành đường sắt đã dùng ô tô để chuyên chở hành khách tiếp tục cuộc hành trình đi vào Đà Nẵng theo đúng lộ trình kế hoạch ban đầu…

Trước đó vào tối 13/10, tàu SE19 xuất phát tại Hà Nội chở theo 132 hành khách đi vào Đà Nẵng nhưng đến ga Lạc Sơn bị mưa lũ chia cắt đường nên buộc phải dừng cuộc hành trình. Địa điểm ga Lạc Sơn nằm ở vùng núi cao nên việc “mắc kẹt” lại ở đây gặp rất nhiều khó khăn cho du khách nhất là việc ăn uống, vệ sinh, giữ gìn sức khỏe... Sau gần 24 giờ, với sự nỗ lực của ngành đường sắt và Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Bình cùng các đơn vị chức năng ở đây, 132 hành khách đã được giải cứu khỏi vùng cô lập để tiếp tục cuộc hành trình. 

* Hà Tĩnh:

Tính đến chiều nay (15/10), tỉnh Hà Tĩnh đã có 3 người chết và mất tích do mưa lũ. Đó là anh Trần Văn Trung (sinh năm 1985, quê xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên) trong lúc giúp hàng xóm di dời tài sản, do sơ suất đã sảy chân chết đuối; chị Nguyễn Thị Loan (sinh năm 1982, phường Đại Nài, thành phố Hà Tĩnh) bị chết đuối do lật thuyền. Một người mất tích là anh Thân Văn Thuần (sinh năm 1986, quê xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc) rơi xuống kênh Linh Cảm bị nước cuốn trôi. 

Bên cạnh bị thiệt hại về người, mưa lớn cũng gây ngập lụt 93 xã trên địa bàn của 9 huyện, thị xã và thành phố với 24.158 hộ dân. Địa phương có số xã bị ngập nhiều nhất như là huyện Thạch Hà với 24 xã bị ngập, Cẩm Xuyên với 20 xã, huyện Hương Khê 16 xã bị ngập; 723 ha lúa bị ngập, hoa màu bị ngập úng hư hại trên 1.416 ha. Gia cầm bị chết và cuốn trôi trên 99.000 con; gia súc bị chết và bị cuốn trôi gần 2.000 con trâu, bò và lợn. Đường giao thông sạt lở trên 3.170m3 đất, đá; cầu cống bị xói, lở và hư hỏng trên 16 cái…Mưa lớn cũng đã làm một số tuyến đường giao thông bị ách tắc như: Quốc lộ 15B, Quốc lộ 15, các tuyến đường tỉnh lộ ĐT 553 và ĐT 554. 
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh đã chủ động triển khai các biện pháp sẵn sàng ứng phó với tình hình mưa lũ, đặc biệt là tình huống bão Sarika có khả năng đổ bộ vào các tỉnh miền Trung; tăng cường công tác quản lý tàu, thuyền trên biển, đảm bảo an toàn kho hàng, bến cảng, nhà, cửa tài sản của nhân dân; công trình đê điều, an toàn hồ chứa. Tiếp tục tập trung cao độ cho công tác ứng phó với tình hình mưa, lũ. Kiểm tra, chỉ đạo và vận hành an toàn hồ chứa, điều tiết xã lũ các hồ chứa thủy lợi, thủy điện hợp lý đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các công trình và hạn chế ngập lụt ở vùng hạ du.

* Thừa Thiên Huế: 

Trong khi nhiều nơi trên địa bàn tỉnh vẫn chưa khắc phục xong hậu quả mưa lũ do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, lại có thêm thông tin bão Sarika đang di chuyển và hướng vào khu vực Biển Đông, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu các địa phương, đơn vị ứng trực 24/24 kể cả ngày nghỉ cuối tuần để chủ động ứng phó với diễn biến đang phức tạp của thiên tai.

Các địa phương, đơn vị chủ động chuẩn bị các phương án đối phó theo phương châm "4 tại chỗ"; đồng thời, dự trữ đủ lương thực, thực phẩm, chất đốt từ 7-10 ngày đề phòng mưa lũ chia cắt, không ứng cứu kịp.

Đến chiều 15/10, các địa phương trong tỉnh Thừa Thiên - Huế đã giúp nhau sửa chữa toàn bộ 183 nhà bị tốc mái. Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Thừa Thiên - Huế cam kết thu mua hết nguyên liệu sắn cho hơn 2.000 ha sắn đang được bà con nông dân các huyện Phong Điền, Quảng Điền thu hoạch chạy lũ. 

Thị xã Hương Trà đã đầu tư 200 triệu đồng mua 20 rọ thép, mua hơn 400m3 đã hộc, 700 m2 vải lọc và huy động tối đa lực lượng tập trung khắc phục đoạn đường ven sông Bồ qua phường Hương Xuân bị sạt lở để đảm bảo giao thông đi lại cho người dân. Tại 2 vị trí sạt lở nghiêm trọng, trên tổng chiều dài 50m qua địa bàn phường Hương Xuân chưa khắc phục được, địa phương đã cử người canh chừng, trực để phân luồng giao thông, dựng các biển báo cấm xe ô tô tải và biển cảnh báo hai đầu tại vị trí sạt lở, đồng thời yêu cầu người tham gia giao thông đi vào phía trong nhà dân để đảm bảo an toàn phương tiện khi đi qua khu vực này. 

Ông Nguyễn Đại Vui, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Phong Điền cho biết: Nước sông Ô Lâu trên địa bàn dâng cao gây ngập úng hàng hóa của hơn 100 tiểu thương chợ Phong Mỹ (thôn Đông Thái). Đến chiều 15/10, mực nước ở chợ Phong Mỹ và một số tuyến tỉnh lộ đã rút. UBND huyện chỉ đạo các xã thống kê thiệt hại ban đầu và huy động các nguồn lực của địa phương để khắc phục thiệt hại. Đối với các hộ dân sinh sống ở phía bờ sông nơi có nguy cơ sạt lở, huyện yêu cầu các địa phương tổ chức di dời, sơ tán, tuyệt đối không để người dân ở lại trong khu vực nguy hiểm.

Dịp này, tỉnh Thừa Thiên - Huế chuyển toàn bộ số hàng dự trữ quốc gia gồm 15 nhà bạt loại 16,5m2; 400 áo phao cứu sinh, 800 phao tròn cứu sinh, 10 phao bè cứu sinh phục vụ công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2016 cho 17 đơn vị, địa phương trong tỉnh quản lý, sử dụng để phục vụ cho công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn...

* Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, đêm nay (15/10), khu vực Nghệ An, Hà Tĩnh có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to. Lượng mưa phổ biến từ 20-50mm, có nơi trên 100mm.

Lũ hạ lưu sông Ngàn Sâu, sông Cả và sông La (Nghệ An) tiếp tục lên; thượng lưu sông Ngàn Sâu, sông Ngàn Phố (Hà Tĩnh), sông Gianh, sông Kiến Giang (Quảng Bình) tiếp tục xuống.

Đến sáng mai (16/10), mực nước trên sông Cả tại Nam Đàn lên mức 4,5m, dưới mức báo động 1 là 0,9m; sông Ngàn Sâu tại Chu Lễ xuống mức 12,7m, trên báo động 2 là 0,7m; tại Hòa Duyệt ở mức 10,5m (báo động 3); sông La tại Linh Cảm lên mức 4,2m, dưới báo động 1 là 0,3m; sông Gianh tại Mai Hóa xuống mức 4,5m, dưới báo động 2 là 0,5m; sông Kiến Giang tại Lệ Thủy xuống mức 2,7m (báo động 3). Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2-3.

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi; ngập lụt nghiêm trọng tiếp tục diễn ra ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, trọng tâm là các huyện Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu, Con Cuông, Anh Sơn, Quỳ Hợp, Đô Lương, Thanh Chương, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn (Nghệ An); Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Thành phố Hà Tĩnh (Hà Tĩnh); Tuyên Hóa, Minh Hóa, Quảng Ninh, Lệ Thủy, Thành phố Đồng Hới (Quảng Bình). 
Trên biển, bão Sakira cách đảo Luzon (Philippin) khoảng 280km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (135-150km/giờ), giật cấp 16-17. Do ảnh hưởng của bão, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 8-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-13, giật cấp 15-16. Biển động dữ dội. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.

Cả nước tập trung ứng phó khẩn cấp mưa lũ

* Ngày 15/10, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có Công điện số 1827/CĐ-TTg gửi các Bộ ngành có liên quan về việc tập trung ứng phó khẩn cấp mưa lũ tại các tỉnh miền Trung. 

Công điện  nêu rõ yêu cầu: Ủy ban nhân dân các tỉnh theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, triển khai ngay các biện pháp khẩn cấp ứng phó với mưa lũ theo cấp báo động, bảo đảm an toàn cho người dân, chủ động triển khai phương án khắc phục hậu quả mưa lũ; Kiên quyết sơ tán các hộ dân sinh sống tại các vùng nguy hiểm có nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn; Huy động mọi phương tiện, lực lượng, bằng mọi biện pháp tiếp cận những khu dân cư bị ngập sâu, chia cắt; tổ chức cứu trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho nhân dân, nhất là những người dân chưa kịp sơ tán tại các khu vực bị ngập sâu, không để người dân bị đói, khát; tập trung nỗ lực cao nhất tìm kiếm những người còn đang mất tích; tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại, hỗ trợ cứu chữa người bị thương, mai táng chu đáo cho người bị thiệt mạng; bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà cửa…
Công điện cũng nêu rõ, Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo lực lượng tìm kiếm cứu nạn, các lực lượng quân đội, công an trên địa bàn triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ sơ tán nhân dân, cứu nạn, cứu hộ theo đề nghị của địa phương...

 Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương theo dõi sát diễn biến của mưa lũ, phối hợp với các địa phương chỉ đạo vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện trong khu vực để bảo đảm an toàn, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du. 

Bộ Công Thương chỉ đạo vận hành an toàn hệ thống lưới điện, chuẩn bị đủ nguồn lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, kiểm soát chặt chẽ giá cả các mặt hàng thiết yếu, không để tình trạng lợi dụng mưa lũ tăng giá. 

Bộ Giao thông vận tải tiếp tục thực hiện Công điện 1826/CĐ-TTg ngày 15/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tập trung ứng phó, khắc phục sự cố ách tắc giao thông do mưa lũ; chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ, đường sắt phối hợp với địa phương hỗ trợ phương tiện trung chuyển khách đi tàu bị ách tắc, kiểm soát, hướng dẫn, bảo đảm an toàn giao thông; tập trung khắc phục nhanh các tuyến giao thông chính bị sự cố, sạt lở ngay sau khi lũ rút, nhất là trên các tuyến quốc lộ, tuyến đường sắt Bắc-Nam. 

Bộ Y tế chỉ đạo lực lượng y tế cơ sở và các đơn vị liên quan cung cấp đủ cơ số thuốc chữa bệnh và phòng chống dịch bệnh, hướng dẫn vệ sinh môi trường, không để phát sinh dịch bệnh sau khi lũ rút. 

Các bộ, ngành liên quan theo chức năng và nhiệm vụ của mình chỉ đạo các đơn vị trực thuộc sẵn sàng giúp đỡ địa phương khi có yêu cầu, hỗ trợ các địa phương ổn định đời sống và phục hồi sản xuất ngay sau khi lũ rút. 

Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Trung tâm Khí tượng thuỷ văn Quốc gia tiếp tục theo dõi diễn biến của mưa, lũ, dự báo và cung cấp thông tin kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo và thông báo cho nhân dân biết để chủ động phòng, tránh. 

Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương tăng tần suất, thời lượng phát sóng, cung cấp đầy đủ, kịp thời cho người dân nắm được thông tin về thiên tai, chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức thường trực theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, mưa lũ, kịp thời chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai các biện pháp đối phó với mưa lũ; kịp thời báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý các tình huống cấp bách, vượt thẩm quyền.

* Cũng trong chiều nay, 15/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và đoàn công tác đã vào Thừa Thiên-Huế để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả áp thấp nhiệt đới và mưa lũ xảy ra tại các tỉnh miền Trung.

 Tham gia đoàn công tác của Phó Thủ tướng có Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn.
Ngay khi xuống sân bay Phú Bài, Thừa Thiên-Huế, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và đoàn công tác đã nghe lãnh đạo tỉnh báo cáo nhanh tình hình mưa lũ, thiệt hại và những biện pháp khắc phục hậu quả đang được triển khai.
Theo đó, từ 23h ngày 13/10 đến 3h ngày 14/10, áp thấp nhiệt đới trực tiếp ảnh hưởng đến Thừa Thiên-Huế, gây gió mạnh kèm mưa to đến rất to và dông, phổ biến ở mức 200-300 mm, có nơi đến 360 mm (trạm Bạch Mã).
Hậu quả, trên địa bàn tỉnh có 2 người chết và 2 người bị thương đang được điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế. Toàn tỉnh có 06 ngôi nhà bị sập, 334 nhà bị tốc mái từ 20-75%, tập trung ở các huyện Phú Vang, Phong Điền và thị xã Hương Trà. Về cây trồng, có 150 ha sắn, 98 ha rau màu ở các huyện Phú Vang, Phong Điền và thị xã Hương Trà bị ngập; 130 ha nuôi thủy sản hạ triều bị vỡ, nước tràn vào; 400 cây xanh lâu năm khu vực đô thị bị gãy đổ. Nhiều tuyến đường đô thị, các tỉnh lộ 4, 17, quốc lộ 49B bị ngập nặng hoặc bị sạt lở; một số công trình hạ tầng viễn thông, điện lực bị ảnh hưởng… Nhiều đoạn bờ sông, bờ biển bị sạt lở nặng, uy hiếp đến sự an toàn của một số hộ dân sống ven sông. Ước tính thiệt hại về vật chất trên toàn tỉnh là 12,5 tỷ đồng.

 Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế báo cáo nhanh
tình hình mưa lũ, thiệt hại và những biện pháp khắc phục hậu quả. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến

Để ứng phó với mưa lũ, các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương trên địa bàn tỉnh đã chủ động thông tin tuyên truyền về tình hình mưa lũ để nhân dân biết, chủ động phòng tránh; kêu gọi tàu thuyền hoạt động đánh bắt trên biển về nơi trú ẩn an toàn; bố trí lực lượng hướng dẫn người và phương tiện qua lại các ngầm, tràn, các đoạn đường thường bị ngập lụt để bảo đảm an toàn; triển khai phương án cho học sinh trên địa bàn nghỉ học, phương án sẵn sàng di dân tại các khu vực ngập lụt.
Về công tác khắc phục hậu quả bão lũ, UBND tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thị xã và thành phố Huế tập trung huy động lực lượng công an, bộ đội và dân quân địa phương giúp nhân dân khắc phục nhà cửa bị sập, tốc mái, sớm ổn định đời sống; vận động nhân dân giúp đỡ nhau lúc khó khăn; hướng dẫn người dân thu hoạch những diện tích rau màu bị ngập úng; chỉ đạo các lực lượng chức năng nhanh chóng khắc phục thiệt hại do áp thấp nhiệt đới và mưa lớn gây ra để sớm phục hồi và ổn định các hoạt động giao thông, điện lực, giáo dục, y tế, vệ sinh môi trường…
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao sự chủ động, quyết liệt của Thừa Thiên-Huế trong ứng phó với mưa lũ những ngày qua, từ đó hạn chế thiệt hại về người và tài sản.
Trong những ngày tới, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, đặc biệt là diễn biến của cơn bão số 7 để triển khai ngay các biện pháp khẩn cấp ứng phó với mưa lũ theo cấp báo động, bảo đảm an toàn cho người dân, chủ động triển khai phương án khắc phục hậu quả mưa lũ.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu kiên quyết sơ tán các hộ dân sinh sống tại các vùng nguy hiểm có nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn. Bên cạnh đó, cần khẩn trương huy động mọi phương tiện, lực lượng, bằng mọi biện pháp tiếp cận những khu dân cư bị ngập sâu, chia cắt; tổ chức cứu trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho nhân dân, nhất là những người dân chưa kịp sơ tán tại các khu vực bị ngập sâu, không để người dân bị đói, khát; tập trung nỗ lực cao nhất tìm kiếm những người còn đang mất tích; tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại, hỗ trợ cứu chữa người bị thương, mai táng chu đáo cho người bị thiệt mạng; bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà cửa.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu phải bảo đảm tốt công tác vệ sinh môi trường, không để xảy ra dịch bệnh khi nước rút. Bên cạnh đó, Huế cần có các giải pháp để bảo vệ các công trình, di tích, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho khách du lịch.

* Tối nay, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và đoàn công tác đã ra Quảng Bình tiếp tục chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại đây.

* Cũng trong chiều nay, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đã ký công điện khẩn gửi tới Sở TT&TT các tỉnh/thành phố từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa; các doanh nghiệp Bưu chính, viễn thông và những ban ngành liên quan về việc chủ động ứng phó mưa lũ và bão Sarika.

Công điện nêu rõ, để chủ động ứng phó với tình hình mưa lũ và bão Sarika, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ TT&TT yêu cầu các đơn vị khẩn trương triển khai ngay các nhiệm vụ trọng tâm:

Cục Báo chí, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử và Sở TT&TT các tỉnh/thành phố nói trên chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng tại địa phương tăng cường tần suất, thời lượng phát sóng, đưa tin kịp thời về dự báo, cảnh báo, chỉ đạo ứng phó với mưa lũ, bão và các tình huống bất thường để chính quyền các cấp ở địa phương và người dân lưu ý, theo dõi, cập nhật thường xuyên, chủ động phòng tránh, tránh tư tưởng chủ quan, bị động.

Đặc biệt lưu ý tuyên truyền để nâng cao tinh thần đảm bảo an toàn cho tính mạng người dân, cán bộ tham gia phòng chống lụt bão. Các cá nhân, đơn vị cần chia sẻ khó khăn, tham gia giúp đỡ, ủng hộ hỗ trợ nhân dân các tỉnh bị ảnh hưởng.

Các tập đoàn, tổng công ty và sở TT&TT tổ chức ngay phương án phòng chống và phương án ứng cứu thông tin, đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ chỉ đạo điều hành của các cơ quan đảng, chính quyền địa phương các cấp trong mọi tình huống. Ưu tiên tổ chức gia cố lại các nhà trạm, các tuyến truyền dẫn, cột ăng ten và mạng ngoại vi. Bổ sung kịp thời các thiết bị, vật tư dự phòng cho mạng lưới bưu chính, viễn thông như máy nổ, nhiên liệu, ắc quy… Đảm bảo an toàn mạng lưới, cơ sở vật chất, đặc biệt là người. Chia sẻ khó khăn với nhân dân các tỉnh bị ảnh hưởng.

Cục bưu điện Trung ương sẵn sàng bảo đảm thông tin liên lạc bằng xe cơ động cho đoàn công tác của Chính phủ, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn khi có yêu cầu.

Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam, Tập  đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, Tổng công ty Viễn thông Mobifone và các doanh nghiệp viễn thông di động khác cần đảm bảo thông tin liên lạc tuyệt đối phục vụ chỉ đạo điều hành, công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả Trung ương và chính quyền địa phương các tỉnh nói trên. 
Tăng cường, bổ sung phương tiện, trang bị thông tin vệ tinh Imarsat, VSAT, các cụm BTS di động và xe cơ động thông tin cho các công ty dọc trên địa bàn và viễn thông các tỉnh được dự báo ảnh hưởng trực tiếp của bão để sẵn sàng ứng cứu thông tin trong trường hợp giao thông các tỉnh bị chia cắt.

Công ty TNHH MTV Thông tin điện tử Hàng hải (Vishipel) tăng cường công tác trực, canh, phát sóng các bản tin dự báo, cảnh báo bão trên biển và kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển vào nơi tránh, trú an toàn.

Các đơn vị tiếp tục theo dõi sát tình hình diễn biến của mưa lũ và bão báo cáo Bộ trưởng, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm Cứu nạn Bộ TT&TT về công tác ứng phó, khắc phục hậu quả của mưa lũ và bão, tình hình hoạt động của mạng lưới bưu chính, viễn thông và công tác bảo đảm thông tin liên lạc.

* Cũng trong chiều tối nay, trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp tại miền Trung, chiều tối nay, 15/10, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn gửi các sở giáo dục và đào tạo, các trường đại học, cao đẳng khu vực ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa.

Theo đó, Bộ yêu cầu các đơn vị chủ động ứng phó với tình hình mưa lũ, cho học sinh nghỉ học nếu bị lũ lớn, nguy hiểm.

Bộ cũng đề nghị các cơ sở trực thuộc theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, thông tin kịp thời đến lãnh đạo các trường, học sinh, nhất là vùng ven sông, suối, hạ lưu các hồ chứa, vùng trũng thấp để chủ động các biện pháp phòng tránh.

Các trường, sở chủ động rà soát các phương án phòng, chống ngập lụt, lũ quét do mưa lớn gây ra. Các đơn vị cần sẵn sàng triển khai các phương án đảm bảo an toàn cho học sinh, cán bộ, giáo viên và tài sản, cơ sở vật chất trường lớp.

Trong khi đó, theo thông tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, mặc dù lũ trên các sông lớn tại khu vực miền Trung đang xuống nhưng tình hình thời tiết vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong đêm nay và ngày mai, miền Trung vẫn tiếp tục có mưa.

Bên cạnh đó, bão Sarika đang hoạt động mạnh trên vùng biển phía Đông Philippin và dự báo bắt đầu từ chiều mai, bão sẽ đi vào biển Đông, bão cấp 13, gió giật cấp 15-16./.



TG (Tổng hợp)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất