Mục tiêu của Kế hoạch nhằm chủ động, thực hiện đầy đủ, hiệu quả, đúng tiến độ các nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết số 109/2023/QH15 ngày 29/11/2023 của Quốc hội về việc tiếp tục thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn; xác định rõ và phân công trách nhiệm thực hiện của Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Xây dựng hệ thống thông tin đất đai quốc gia
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường giao nhiệm vụ cụ thể đối với lĩnh vực đất đai, tập trung tăng cường quản lý có hiệu quả đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh; hoàn thành việc xây dựng hệ thống thông tin đất đai quốc gia, cơ sở dữ liệu đất đai theo chuẩn thống nhất trên phạm vi cả nước gắn với cơ sở dữ liệu dân cư; giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai chủ trì, phối hợp Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất, Vụ Đất đai thực hiện theo Đề án “Tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh hiện do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP, ban quản lý rừng và các tổ chức sự nghiệp khác, hộ gia đình, cá nhân sử dụng” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 32/QĐ- TTg ngày 07/01/2020.
Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai chủ trì, phối hợp Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất, Cục Chuyển đổi số và Thông tin dữ liệu tài nguyên môi trường, Vụ Đất đai trình cơ quan có thẩm quyền hoặc ban hành theo thẩm quyền các quy định, định mức kinh tế - kỹ thuật, văn bản quy phạm pháp luật để xây dựng hệ thống thông tin đất đai quốc gia, cơ sở dữ liệu đất đai theo chuẩn thống nhất trên phạm vi cả nước gắn với cơ sở dữ liệu dân cư; triển khai xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin; phần mềm ứng dụng phục vụ quản lý, vận hành, cập nhật, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai; xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai cấp trung ương...
Thực hiện nghiêm, hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường
Lĩnh vực môi trường, hoàn thành Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; ban hành các quy chuẩn quốc gia về môi trường; triển khai thực hiện các biện pháp phân loại rác thải tại nguồn, xử lý rác thải, chất thải, tăng cường tái sử dụng, tái chế, giảm thiểu chôn lấp rác thải; khẩn trương ban hành Bộ định mức kinh tế - kỹ thuật về phân loại rác thải tại nguồn, thu gom, vận chuyển, xử lý rác sinh hoạt; nâng cao hiệu quả hoạt động quan trắc môi trường; đề xuất các chính sách, nguồn lực ưu tiên, xây dựng và triển khai các phương án xử lý ô nhiễm môi trường, nhất là vấn đề rác thải, nước thải, ô nhiễm tại các làng nghề, các khu, cụm công nghiệp, các lưu vực sông, hệ thống thủy lợi...; hoàn thành Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học và các đơn vị có liên quan thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, đào tạo, tập huấn các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đến các tổ chức, cá nhân tổ chức thi hành pháp luật về bảo vệ môi trường; trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền; đôn đốc, hướng dẫn địa phương ban hành các văn bản, quy định nhằm hướng, quy định chi tiết và tổ chức thi hành Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản quy định chi tiết thi hành; tổ chức theo dõi thi hành pháp luật; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường…
Kiểm tra, giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm việc khai thác khoáng sản trái phép
Lĩnh vực địa chất và khoáng sản, tập trung kiểm tra, giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm việc khai thác khoáng sản trái phép; triển khai các biện pháp công trình và phi công trình để phòng, chống hiệu quả tình trạng sụt lún, sạt lở đất.
Cục Khoáng sản Việt Nam chủ trì, phối hợp Cục Địa chất Việt Nam và các đơn vị có liên quan thường xuyên kiểm tra định kỳ và đột xuất việc chấp hành các quy định của pháp luật về khoáng sản đối với các tổ chức hoạt động thăm dò và khai thác khoáng sản; kiểm tra hoạt động khoáng sản, bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kết luận thanh tra do Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (trước đây) ban hành.
Cục Địa chất Việt Nam chủ trì, phối hợp Tổng cục Khí tượng thủy văn, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, từ năm 2024 thực hiện các Đề án: Cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam; điều tra, đánh giá tiềm năng cát, cuội, sỏi lòng sông vùng Đồng bằng sông Cửu Long; điều tra, đánh giá, phân vùng cảnh báo các khu vực sạt lở, sụt lún bề mặt, sạt lở bờ sông vùng Đồng bằng sông Cửu Long; phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh có liên quan triển khai các biện pháp công trình và phi công trình phòng, chống hiệu quả tình trạng sụt lún, sạt lở đất...
Về lĩnh vực khí tượng thủy văn, Tổng cục Khí tượng thủy văn chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan thường xuyên tăng cường khả năng dự báo, cảnh báo về thiên tai: theo dõi, giám sát, dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn; tăng cường khả năng dự báo, cảnh báo bão, áp thấp nhiệt đới; tăng cường khả năng dự báo, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất và sụt lún đất do mưa; hỗ trợ dự báo thời tiết nguy hiểm khu vực Đông Nam Á; hỗ trợ cảnh báo lũ quét khu vực Đông Nam Á…