Ngày 22/4, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 52/NQ-CP về
Chương trình hành động và Kế hoạch của Chính phủ triển khai thực hiện
Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh
đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp,
không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thủy
sản.
Việc ban hành Chương trình
nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện hiệu quả
Chỉ thị số 32-CT/TW; khẩn trương khắc phục những hạn chế, yếu kém trong
công tác quản lý, phát triển ngành Thủy sản và chống khai thác IUU thời
gian qua, đảm bảo thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chủ trương của
Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm
2030, tầm nhìn đến năm 2045; các quy hoạch, chiến lược, chương trình
quốc gia liên quan đến phát triển bền vững và hội nhập quốc tế ngành
Thủy sản. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ nhận thức về vai trò, tầm quan
trọng của chống khai thác IUU, từ đó thay đổi hành động của các cấp,
ngành đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo
cáo và không theo quy định; nâng cao năng lực quản lý nhà nước và các
hoạt động hợp tác quốc tế trong công tác chống khai thác IUU, khẩn
trương khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác chống khai thác
IUU...
Chương trình đưa ra nhiệm vụ, giải pháp đến tháng 5/2024 gồm: nâng
cao hiệu quả công tác thông tin truyền thông, tuyên truyền, tập huấn,
vận động, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm đối với công tác chống
khai thác IUU; hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan chống khai
thác IUU; triển khai đồng bộ, quyết liệt pháp luật về thủy sản trong
quản lý đội tàu, kiểm soát hoạt động tàu cá trên biển, tại cảng, xuất,
nhập bến phải tuân thủ đầy đủ theo quy định pháp luật; thực hiện nghiêm
các quy định pháp luật Việt Nam và quốc tế về xác nhận, chứng nhận và
truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác, đảm bảo không có sản phẩm thủy
sản bất hợp pháp xuất khẩu ra nước ngoài; điều tra, xác minh, xử lý
triệt để các hành vi khai thác IUU, không có trường hợp ngoại lệ; kiên
quyết ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân khai thác bất hợp
pháp ở vùng biển nước ngoài.
Nhiệm vụ, giải pháp dài hạn là khẩn trương rà soát, hoàn thiện chính
sách, pháp luật trong lĩnh vực thủy sản, chú trọng chính sách nuôi
trồng, khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, bảo quản, chế
biến phục vụ xuất khẩu; có chính sách hỗ trợ hiện đại hóa nghề cá, cải
thiện sinh kế, đào tạo nghề, tạo điều kiện cho ngư dân vươn khơi, bám
biển, nâng cao cuộc sống, hướng dẫn quản lý lao động nghề cá phù hợp với
quy định pháp luật lao động trong nước và quốc tế.
Rà soát, nghiên cứu, tham mưu về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành
chính trong lĩnh vực thủy sản đối Chi cục trưởng các Chi cục thuộc Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có chức năng quản lý nhà nước về
thủy sản hoặc thực hiện chức năng, nhiệm vụ về kiểm ngư theo quy định
pháp luật trong quá trình xây dựng, sửa đổi, bổ sung Nghị định quy định
chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính
để đảm bảo cơ quan chức năng có liên quan đủ thẩm quyền để thực thi
pháp luật về thủy sản, chống khai thác IUU.
Đầu tư nguồn lực nhà nước, khuyến khích xã hội hóa, hợp tác công tư
phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng thủy sản; kiện toàn, nâng
cao năng lực, ý thức trách nhiệm cho lực lượng kiểm ngư và các cơ quan
chức năng quản lý hoạt động thủy sản, bảo đảm công cụ, phương tiện cho
các lực lượng chấp pháp trên biển thực hiện công tác chống khai thác
IUU.
Thực hiện mạnh mẽ giải pháp chuyển đổi nghề, phát triển ngành nghề
bền vững, đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản trên biển, giảm phụ thuộc vào
khai thác thủy sản cho ngư dân; đảm bảo số lượng tàu cá và cường lực
khai thác phù hợp với trữ lượng nguồn lợi thủy sản trên các vùng biển.
Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ứng
dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số
trong nuôi trồng, khai thác thủy sản, thiết lập chuỗi sản xuất bền vững,
hệ sinh thái toàn diện, tạo môi trường thuận lợi cho ngành Thủy sản
phát triển lâu dài, theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, giảm
phát thải, có uy tín, khả năng cạnh tranh cao, tham gia sâu vào chuỗi
cung ứng toàn cầu, thích ứng biến đổi khí hậu, thân thiện với môi
trường.
Đồng thời, chú trọng bảo tồn, bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy
sản; phát triển ngành thủy sản phải gắn với bảo đảm an sinh xã hội, sinh
kế bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của ngư dân và người
lao động có liên quan; xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh trên biển,
góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Tăng cường hợp tác quốc tế về thủy sản, đưa tàu cá và ngư dân đi khai
thác hợp pháp ở ngoài vùng biển Việt Nam; đàm phán, phân định vùng đặc
quyền kinh tế và thềm lục địa giữa Việt Nam và các nước, giải quyết các
tranh chấp trên biển; tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, đảm bảo an ninh, an toàn
cho ngư dân khai thác trên biển; thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ
quốc tế của Việt Nam trong thực hiện các cam kết, điều ước quốc tế về
bảo vệ đại dương, môi trường, hệ sinh thái biển và nguồn lợi thủy sản.
Triển khai thực hiện các quy hoạch, chiến lược, chương trình quốc gia
liên quan đến phát triển bền vững và hội nhập quốc tế ngành thủy sản;
đảm bảo thực hiện có hiệu quả nghị quyết, chủ trương của Đảng về Chiến
lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn
đến năm 2045./.
TTXVN