(TG) - Văn phòng Thường trực Ban Vhỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai (PCTT) vừa có công văn gửi Ban Chỉ huy PCTT và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố Bắc Bộ; các tỉnh. thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau về việc ứng phó với gió mạnh trên biển và thời tiết rét đậm.
Theo tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ ngày 22/11, ở Bắc Bộ trời chuyển rét, có nơi rét đậm với nhiệt độ thấp nhất 14-17 độ, vùng núi 10-13 độ, vùng núi cao dưới 8 độ; khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế trời chuyển rét với nhiệt độ thấp nhất 15-18 độ.
Ở vịnh Bắc Bộ và Bắc Biển Đông (bao gồm quần đảo Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, có lúc cấp 8, giật cấp 9, biển động mạnh, sóng biển cao từ 2m đến 4m; khu vực vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau và khu vực giữa biển Đông có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8, biển động, sóng biển cao từ 2m đến 3m.
Để chủ động ứng phó với rét đậm và gió mạnh trên biển, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy PCTT và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố: Bắc Bộ và ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau thực hiện một số nội dung sau:
Ban Chỉ huy PCTT và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố Bắc Bộ cần theo dõi sát diễn biến thời tiết, thông tin kịp thời đến chính quyền và nhân dân, chủ động triển khai các biện pháp an toàn cho người, cây trồng và vật nuôi, đặc biệt là đối với các tỉnh miền núi phía bắc có khả năng nhiệt độ xuống thấp. Thực hiện nghiêm các nội dung tại văn bản số 115/QGPCTT ngày 8/11/2021 của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai về việc chủ động phòng, chống rét đậm, rét hại mùa đông 2021-2022.
Ban Chỉ huy PCTT và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau cần theo dõi chặt chẽ bản tin cảnh báo, dự báo và diễn biến của gió mùa Đông Bắc; thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn về người và tài sản; duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.
Các địa phương cần sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn./.
Tuấn Anh