TCTG trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một phần quan trọng trong Chương VI của cuốn sách - Phần Quy chế pháp lý và hiệu lực của hai vùng đảo Trường Sa và Hoàng Sa trong việc xác định ranh giới thềm lục địa Việt Nam
...
1.3.2. Chủ quyền của Việt Nam đối với hai vùng đảo Hoàng Sa, Trường Sa
a) Chủ quyền lịch sử của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa376
Nhiều sách địa lý và bản đồ cổ của Việt Nam ghi chép rõ Bãi Cát Vàng, Hoàng Sa, Vạn lý Hoàng Sa, Đại Trường Sa hoặc Vạn Lý Trường Sa từ lâu đã là lãnh thổ Việt Nam.
Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư, tập bản đồ Việt Nam do Đỗ Bá, tên chữ là Công đạo, soạn vẽ vào thế kỷ XVII, ghi rõ trong lời chú giải bản đồ vùng Phủ Quảng Nghĩa, xứ Quảng Nam: "giữa biển có một bãi cát dài, gọi là Bãi Cát Vàng", "Họ Nguyễn377 mỗi năm vào tháng cuối mùa Đông đưa mười tám chiếc thuyền đến lấy hóa vật, được phần nhiều là vàng bạc, tiền tệ, súng đạn".
Trong Giáp Ngọ bình nam đồ, bản đồ xứ Đàng Trong do Đoán quận công Bùi Thế Đạt vẽ năm 1774, Bãi Cát Vàng cũng được vẽ là một bộ phận của lãnh thổ Việt Nam378.
Phủ biên tạp lục, cuốn sách của nhà bác học Lê Quý Đôn (1726 - 1784) viết về lịch sử, địa lý, hành chính xứ Đàng Trong dưới thời chúa Nguyễn (1558 - 1775) khi ông được triều đình bổ nhiệm phục vụ tại miền Nam, chép rõ đảo Đại Trường Sa (tức Hoàng Sa và Trường Sa) thuộc phủ Quảng Ngãi. "Xã An Vĩnh"379, huyện Bình Sơn, Phủ Quảng Nghĩa, ở ngoài cửa biển có núi380 gọi là Cù Lao Ré, rộng hơn 30 dặm381, có phường Tứ Chính, dân cư trồng đậu, ra biển bốn canh thì đến, phí ngoài nữa lại có đảo Đại Trường Sa. Trước kia có nhiều hải vật và hoá vật của tàu, lập đôi Hoàng Sa để lấy, đi ba ngày đếm mới đến, là chỗ gần xứ Bắc Hải".
Đại Nam nhất thống toàn đồ, bản đồ nước Việt Nam vẽ khoảng năm 1838, ghi "Hoàng Sa" - "Vạn Lý Trường Sa" thuộc lãnh thổ Việt Nam.
Đại Nam nhất thống chí, bộ sách địa lý Việt Nam do Quốc sử quán nhà Nguyễn (1802 - 1945) soạn xong năm 1882382 ghi Hoàng Sa là bộ phận lãnh thổ Việt Nam thuộc tỉnh Quảng Nghĩa. Đoạn nói về hình thể tỉnh Quảng Nghĩa, cuốn sách viết: "Phía Đông có đảo cát - đảo Hoàng Sa - liền với biển làm hào; phía Tây là miền sơn man, có luỹ dài vững vàng; phía Nam liền với tỉnh Bình Định, có đèo Bến Đá chặn ngang, phía Bắc giáp tỉnh Quảng Nam, có ghềnh Sa Thổ làm giới hạn".
Nhiều nhà hàng hải, giáo sĩ phương Tây trong những thế kỷ trước đều xác nhận Hoàng Sa (Pracel hay Paracel) thuộc lãnh thổ Việt Nam.
Một giáo sĩ phương Tây đi trên tàu Amphitrile từ Pháp sang Trung Quốc năm 1701 viết trong một lá thư rằng: "Paracel là một quần đảo thuộc vương quốc An Nam"383.
J.B.Chaigneau, cố vấn của vua Gia Long, năm 1820 đã viết trong phần chú thích bổ sung vào cuốn Hồi Ký về nước Cochinchine384: "Nước Cochinchine mà nhà vua bấy giờ đã lên ngôi Hoàng đế gồm xứ Cochinchine và xứ Đông Kinh385… một vài đảo có dân cư không xa bờ biển và quần đảo Paracel do những đảo nhỏ, ghềnh và đá không có dân cư hợp thành…386.
Giám mục J.L.Taberd, trong bài "Ghi chép về địa lý nước Cochinchine" xuất bản năm 1837, cũng mô tả "Pracel hay Paracels" là phần lãnh thổ nước Cochinchine và nói rõ người Cochinchine gọi Pracel hay Pracels là "Cát vàng". Trong An Nam đại quốc hoạ đồ xuất bản năm 1838, ông đã vẽ một phần của Paracel và ghi "Paracel hay Cát Vàng" (Paracel seu Cát Vàng) ở ngoài các đảo ven bờ miền Trung Việt Nam, vào khu vực quần đảo Hoàng Sa hiện nay388.
Trong bài "Địa lý vương quốc Cochinchina"389 của Gutzlaff, xuất bản năm 1849 có đoạn nói rõ Paracels thuộc lãnh thổ Việt Nam và chú thích cả tên Việt Nam là "Kát Vàng".
Với tư cách là người làm chủ, trong nhiều thập kỷ nhà nước phong kiến Việt Nam đã nhiều lần tiến hành điều tra khảo sát địa hình và tài nguyên quần đào Hoàng Sa và Trường Sa. Các sách địa lý và lịch sử của Việt Nam từ thế kỷ XVII đã ghi lại kết quả các cuộc khảo sát đó.
Trong Toản tập Thiên nam tứ chi lộ đồ thư (thế kỷ XVII): "Giữa biển có một bãi cát dài, gọi là Bãi Cát Vàng, dài độ 400 dặm, rộng 20 dặm, đứng dựng giữa biển, từ cửa Đại Chiêm 390 "đến cửa Sa Vinh"391 mỗi lần có gió Tây Nam thương thuyền các nước đi ở phía ngoài trong trôi dạt ở đấy, có gió Đông Bắc thì thương thuyền đi ở phía ngoài cũng trôi dạt ở đấy, đều cùng chết đói hết cả, hàng hoá thì đều để lại ở nơi đó"392
Trong Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn (1776): "Xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, Phủ Quảng Nghĩa ở gần biển, ngoài biển về phía Đông Bắc, có nhiều Cù Lao, các núi393 linh tinh hơn 130 hòn cách nhau bằng biển, từ hòn này sang hòn kia hoặc đi một ngày hoặc vài canh thì đến. Trên núi có chỗ có nước ngọt. Trong đảo có bãi cát vàng, dài ước hơn 30 dặm, bằng phẳng, rộng lớn, nước trong suốt đáy. Trên đảo có vô số tổ yến, các thứ chim có hàng ngàn hàng vạn, thấy người thì đậu vòng quanh không trách, trên bãi vật lạ rất nhiều. ốc hoa thì có tai voi, to như chiếc chiếu, bụng có hạt to bằng đầu ngón tay, sắc đục không như ngọc trai, cái vỏ có thể đẽo làm tấm bài được, lại có thể nung vôi xây nhà; có ốc xà cừ để khảm đồ dùng; lại có ốc hương. Các thứ ốc đều có thể muối và nấu ăn được… Các thuyền ngoại phiên gặp bão thường bị hư hại394 ở đảo này…
Đại Nam thực lục tiền biên, Bộ sử về chúa Nguyễn do Quốc sử quán nhà Nguyễn soạn xong năm 1844, có đoạn viết: "Xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, Phủ Quảng Nghĩa ở ngoài biển, có hơn 130 bãi cát, cách nhau hoặc một ngày đường hoặc vài trống canh, kéo dài không biết mấy ngàn dặm, tục gọi là Vạn Lý Trường Sa. Trên bãi có giếng nước ngọt. Sản vật có hải sâm, đồi mồi, ốc hoa, vích,.v.v…".
Trong Đại nam nhất thống chí (1882): "Đảo Hoàng Sa: ở phía Đông Cù Lao Ré huyện Bình Sơn, từ bờ biển Sa Kỳ ra khơi thuận gió, ba bốn ngày đêm có thể đến. Ở đó có đến hơn 130 đảo nhỏ, cách nhau hoặc một ngày đường hoặc vài trống canh. Trong đảo có bãi cát vàng, liên tiếp kéo dài không biết mấy ngàn dặm tục gọi là Vạn Lý Trường Sa. Trên bãi có giếng nước ngọt, chim biển tụ tập không biết cơ man nào. Sản xuất nhiều hải sâm, đồi mồi, ốc hoa, vích… Hóa vật của các tàu thuyền bị nạn bão trôi giạt ở đấy".
Theo Đại Nam thực lục chính biên, bộ sử về nhà Nguyễn soạn xong năm 1848, sau khi hoàn thành nhiệm vụ do đặc vẽ bản đồ Hoàng Sa trở về, đội trưởng giám Trương Phúc Sĩ đã tâu với Vua Minh Mệnh rằng Hoàng Sa "là những bãi cát giữa biển, man mác không bờ bến"395.
Các sách khác thời Nguyễn như Lịch triều hiến chương loại chí (1821), Hoàng Việt địa dư chí (1833), Việt sử cương giám khảo lược (1876) cũng mô tả Hoàng Sa một cách tương tự.
Do đặc điểm của Hoàng Sa và Trường Sa là có nhiều hải sản quý lại có nhiều hóa vật của tàu bị đắm như trên đã nói, Nhà nước phong kiến Việt Nam từ lâu đã tổ chức việc khai thác hai quần đảo đó với tư cách một quốc gia làm chủ. Nhiều sách lịch sử và địa lý cổ của Việt Nam đã nói rõ tổ chức, phương thức hoạt động của các hội Hoàng Sa có nhiệm vụ làm việc khai thác đó.
Trong Toản tập Thiên nam tứ chi lộ đồ thư (thế kỷ XVII): "Họ Nguyễn mỗi năm vào tháng cuối mùa đông đưa 18 chiếc thuyền đến (Bãi Cát Vàng) lấy hóa vật, được phần nhiều là vàng bạc, tiền tệ, súng đạn".
Trong Phủ biên tạp lục (1776): "Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng ba nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn sáu tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền tiểu câu396 ra biển 3 ngày 3 đêm thì đến các đảo ấy rồi ở lại đó. Tha hồ kiếm lượm, bắt chim bắt cá mà ăn. Lấy được hóa vật của tàu, như là gươm ngựa, hoa bạc, tiền bạc, vàng bạc, đồ đồng, thiếc khối, chì đen, súng, ngà voi, sáp ong, đồ sứ, đồ chiên cùng là kiếm lượm mai đồi mồi, mai hải ba, hải sâm, hột ốc hoa, rất nhiều. Đến kỳ tháng 8 thì về, vào cửa Eo, đến thành Phú Xuân để nộp. Cân và định hạng xong mới cho đem bán riêng các thứ ốc hoa, hải ba, hải sâm, rồi lĩnh bằng trở về". "…Họ Nguyễn lại đặt đội Bắc Hải, không định bao nhiêu suất hoặc người thôn Tứ Chính ở Bình Thuận hoặc người xã Cảnh Dương, ai tình nguyện đi thì cấp giấy sai đi, miễn cho tiền sưu cùng các tiền tuần đó, cho đi thuyền tiểu câu ra các xứ Bắc Hải, Cù Lao Côn Lôn và các đảo ở Hà Tiên, tìm lượm hóa vật của tàu và các thứ đồi mồi, hải ba, bào ngư, hải sâm, cũng sai cai đội Hoàng Sa kiêm quản".
Trong Đại Nam thực lục tiền biên(1844): "Hồi đầu dựng nước, đặt đội Hoàng Sa gồm 70 người, lấy dân xã An Vĩnh sung vào, hàng năm đến tháng 3 đi thuyền ra đảo, độ ba ngày đêm đi đến, thu lượm hóa vật, đến tháng 8 trở về nộp. Lại có độ Bắc Hải mộ dân ở phường Tứ Chính ở Bình Thuận hoặc xã Cảnh Dương sung vào, được lệnh di thuyền ra các vùng Bắc Hải, Côn Lôn thu lượm hóa vật. Đội này cũng do đội Hoàng Sa kiêm quản".
Kế tiếp các chúa Nguyễn, nhà Tây Sơn phải liên tiếp đối phó với sự xâm lược của nhà Thanh và của Xiêm, tuy vậy vẫn luôn luôn quan tâm đến việc duy trì và sử dụng các đội Hoàng Sa. Trong số tư liệu còn tìm thấy ngày nay, có thể kể tờ sai sau đây để năm 1786 của quan Thượng tướng công:"Sai cai Hội Đức Hầu đội Hoàng Sa dẫn bốn chiếc thuyền vượt câu vượt biển đến thẳng Hoàng Sa và các cù lao trên biển thu lượm đồ vàng bạc, đồ đồng và đại bác, tiểu bác397, đồi mồi, hải ba cùng cá quý mang về kinh đô dâng nộp theo lệ". Nghĩa là thời Tây Sơn, Nhà nước vẫn tiếp tục tổ chức việc khai thác Hoàng Sa với ý thức thực hiện chủ quyền của mình đối với Hoàng Sa.
Từ khi nắm chính quyền năm 1802 đến khi ký với Pháp hiệp ước 1884, các vua nhà Nguyễn ra sức củng cố chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Đại nam thực lục chính biên (1848) chép rõ một số việc làm của các vua nhf Nguyễn củng cố chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo như sau:
Năm 1815, vua Gia Long "cử Phạm Quang Ảnh dẫn đội Hoàng Sa đi thuyền ra Hoàng Sa để khảo sát và đo đạc đường biển"398.
Năm 1816, vua Gia Long "lệnh cho thuỷ quân cùng đội Hoàng Sa ra Hoàng Sa để khảo sát và đo đặc đường biển"399.
Năm 1833, vua Minh Mệnh chỉ thị cho Bộ Công chuẩn bị thuyền để năm sau sẽ phái tới Hoàng Sa dựng miếu, lập bia, trồng nhiều cây cối400.
Năm 1934, vua Minh Mệnh cử đội trưởng giám thành Trương Phúc Sĩ cùng thuỷ quân hơn 20 người ra Hoàng Sa vẽ bản đồ401
Năm 1835, vua Minh Mệnh sai đội thuỷ quân Phạm Văn Nguyên đem lính và thợ giám thành cùng phu thuyền hai tỉnh Quảng Nghĩa, Bình Định chuyên chở vật liệu đến Hoàng Sa dựng miếu. Bên trái miếu dựng bia đá, phía trước miếu xây bình phong402.
Năm 1836, chuẩn y lời tâu của Bộ Công, vua Minh Mệnh sai suất đội thuỷ quân Phạm Hữu Nhật đưa binh thuyền ra Hoàng Sa đo đạc, vẽ bản đồ. Yêu cầu của công việc đo đạc, vẽ bản đồ đã được Đại Nam thực lực chính biên ghi lại rất chi tiết: "Không cứ là đảo nào, bãi cát nào, khi thuyền đi đến cũng xem xét xứ ấy chiều dài, chiều ngang, chiều cao, chiều rộng, chu vi, và nước biển xung quanh nông hay sâu, có bãi ngầm, đá ngầm hay không, hình thế hiểm trở, bình dị thế nào phải tường tận đo đạc, vẽ thành bản đồ. Lại xét ngày khởi hành từ cửa biển nào ra khơi, nhằm phương hướng nào đi đến xứ bờ biển, đối thẳng là vào tỉnh hạt nào, phương nào, đối chênh chếch là tỉnh hạt nào, phương hướng nào, cách bờ biển chừng bao nhiêu dặm, nhất nhất nói rõ, đem về dâng trình"403.
Đại Nam thực lục chính biên cũng chép rõ những bài gỗ mà Phạm Hữu Nhật mang theo để làm dấu chủ quyền đối với những nơi đã đến theo lệnh của nhà vua khắc những chữ sau đây: "Năm Minh Mệnh thứ 17, năm Bính Thân (1836), thuỷ quân chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật vâng lệnh ra Hoàng Sa nom đo đạc đến đây lưu dấu để ghi nhớ".
Các vua Nguyễn không phải chỉ lo đến chủ quyền và quyền lợi của nước mình ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mà còn lo bảo đảm an toàn cho tàu thuyền nước ngoài qua lại vùng biển của hai quần đảo đó. Năm 1833, vua Minh Mệnh bảo Bộ Công rằng: "Trong hải phận Quảng Nghĩa, có một dải Hoàng Sa, xa trông trời nước một màu không phân biệt được nông hay sâu. Gần đây thuyền buôn thường bị nạn. Nay nên dư bị thuyền mành đến sang năm sẽ phái người tới đó… trồng nhiều cây cối. Ngày sau cây cối to lớn xanh tốt, người dễ nhận biết, có thể tránh được nạn mắc cạn. Đó cũng là việc lợi muôn đời"404. Đó chính là ý thức trách nhiệm cao của một Nhà nước thật sự làm chủ quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa với hàng hải quốc tế trong khu vực này.
Như vậy, qua các sách lịch sử, địa lý cổ của Việt Nam cũng như chứng cứ của nhiều nhà hàng hải, giáo sĩ phương Tây nói trên, từ lâu và liên tục trong hàng mấy trăm năm từ triều đại này đến triều đại khác, Nhà nước Việt Nam đã làm chủ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sự có mặt đều đặn của các đội Hoàng Sa do Nhà nước thành lập trên hai quần đảo đó mỗi năm từ 5 đến 6 tháng để hoàn thành một nhiệm vụ do Nhà nước gaio tự nó đã là một bằng chứng đanh thép về việc Nhà nước Việt Nam thực hiện chủ quyền của mình đối với hai quần đảo đó. Việc chiếm hữu và khai thác đó của Nhà nước Việt Nam không bao giờ gặp phải sự phản đối của một quốc gia nào khác, kể cả Trung Quốc. Điều đó càng chứng tỏ từ lâu quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa đã là lãnh thổ Việt Nam.
(Còn tiếp)
376 Xem Bộ Ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam, Sách Trắng, Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa: Lãnh thổ Việt Nam, NXB, KHXH, Hà Nội, 1984; Ministry of Foreign AFFairs Socialist Repub;ic of VietNam. The Hoang Sa and Truong Sa Archipelagoes Vietnamese Territories, 1981.
377 Tức chúa Nguyễn, cát cứ xứ Đàng trong từ nam 1558 đến năm 1775
378 Trong tập Hồng Đức bản đồ.
379 ở phía Nam biển Sa Kỳ, phường An Vĩnh ở Cù Lao Ré cũng thuộc xã này.
380 Đối với người Việt Nam cũng như người Trung Quốc, chữ Hán "Sơn" có nghĩa là núi, nhưng cũng được dùng để chi các hải đảo. Thí dụ: Phần lớn các đảo ở ngoài cửa vịnh Hàng Châu (Nam Thượng Hải) đều được người Trung Quốc gọi là sơn: Bạch Sơn, Đại Ngư Sơn, Đại Ngư Sơn, Đại Dương Sơn, Tiểu Dương Sơn, Trúc Sơn, Tù Sơn.v.v…
Người Trung Quốc cũng dùng sơn để chỉ một số đảo của Việt Nam như Cửu Đầu Sơn (đảo Cô Tô), Bất Lao Sơn (cù Lao Chàm), Ngoại La Sơn (Cù Lao Ré)…
381 Dặm: Đơn vị đơn vị đo lường thời xưa của Việt Nam, tương đương 1/2km.
382 Phàn viết về các tỉnh Trung Bộ được
383 J.Y.C. Trích dẫn trong bài "Bí mật các đảo San hô - Nhật ký về cuộc hành trình đến Hoàng Sa". (Mystere des atolls - Journal de voyage aux Paracels) đăng trong tuần báo "Đông Dưưong" (Indochine) trong các số ngày 3/10; 17 tháng 7 năm 1941 - Danh từ Vương quốc An Nam trong tài liệu chỉ nước Việt Nam thời bấy giờ.
384 Danh từ Cochinchine (tiếng Pháp) hoặc Cochinchina (tiếng Anh) trong tài liệu phương Tây trích dẫn ở đây có hai nghĩa tuỳ theo văn cảnh: a) Nước Việt Nam thời bấy giờ, sách này dịch là nước Cochinchine; b) Xứ Đàng Trong thời bấy giờ, sách này dịch là xứ Cochinchine.
385 Tức Đàng Ngoài (le Tonkin).
386 A.Salles trích dẫn trong bài "Hồi ký về nước Cochinchine của J.B.Chaigneau" (Le Mémeire sur la Chochinchine de J.B. Chaigneau) đăng trong "Tạp chí của những người bạn thành Huế cổ" ("Bulletin des amis du vieux Huế") số 2 năm 1923 tr.257.
388 Đính trong cuốn "Từ điển La Tinh - Việt Nam" (Dictionarium Latino - Anatino- Anamit-cum). 1838
389 Bài "Địa lý vương quốc Cochinchina"(Geograppy of Cochichinese Empire) đăng trong "Tạp chí Hội địa lý Hoàng gia Luân Đôn" (The Jounal of the Royal Geography Sociely of London) tập XIX, 1849, tr.93
390 Cửa Đại chiêm nay là cửa Đại, thuộc tỉnh Quảng Nam.
391 Cửa Sa Vinh naylà cửa Sa Huỳnh, thuộc tỉnh Quảng Ngãi.
392 Bãi Cát Vàng từ lâu là khu vực có nhiều đá ngầm nguy hiểm ở Biển Đông.
393 Về từ "núi" xin xem chú thích (9)
394 Trong Phủ biên tạp lục, vốn là chữ "hoại", nghĩa là "hư hại" có bản chép lầm là chữ "ỷ", nghĩa là "dựa vào", nên trong Lê Quý Đôn toàn tập, tập I. Nhà xuất bản khoa học xã hội xuất bản năm 1977 đã dịch là "đậu".
395 Kỷ thứ 2, quyển 122.
396 Loại thuyền của ngư dân Việt Nam dùng để đánh cá ngoài khơi.
397 Chỉ loại pháo cỡ nhỏ.
398 Quyển 50, kỷ thứ nhất.
399 Quyển 52, kỷ thứ nhất.
400 Quyển 104, kỷ thứ hai.
401 Quyển 122, kỷ thứ hai.
402 Quyển 54, kỷ thứ hai.
403 Quyển 165, kỷ thứ hai.
404 Quyển 104, kỷ thứ hai.