Tọa đàm diễn ra trong bối
cảnh kỷ niệm 134 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, danh nhân văn
hóa, anh hùng giải phóng dân tộc được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn
hóa Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh.
Tham dự tọa đàm có Đoàn công tác
của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, do GS. TS. Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện làm trưởng đoàn; Đại sứ
Dương Hải Hưng và cán bộ các cơ quan đại diện tại Italy; bà Lê
Thị Bích Hường, Liên minh Chủ tịch các hội người Việt Nam tại
Italy, kiêm đại diện Bộ môn Tiếng Việt, Trường Đại học Ca'
Foscari, Italy; đại diện Chi bộ Lưu học sinh, sinh viên tại Rome; các đại diện của Đảng Cộng sản Italia,
Đảng Cộng sản Tái lập Italia, Đảng Dân chủ Italia, Đảng Anh em
Italy; Thượng viện Italy; Hội hữu nghị Italia - Việt Nam vùng
Piemonte; Quỹ Italia - Việt Nam; Trường Đại học Đông phương Napoli;
Đại học Palermo; Nhà xuất bản Anteo Edizioni.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Đại sứ Dương Hải Hưng nhấn mạnh rằng đây
là hoạt động có ý nghĩa sâu sắc, giới thiệu những nội dung cốt lõi và
quan trọng nhất về Chủ tịch Hồ Chí Minh và tư tưởng Hồ Chí Minh
đối với công cuộc đổi mới mà Việt Nam đã thực hiện gần 40 năm qua, đưa
Việt Nam trở thành một trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, một trong
20 nước có quy mô thương mại lớn nhất toàn cầu, và tạo cơ sở vững chắc
để thực hiện mục tiêu đến năm 2045 trở thành một nước công nghiệp
hóa - hiện đại hóa, một nước phát triển có thu nhập cao.
Ngoài các nội
dung chính trên, tọa đàm còn cung cấp thêm thông tin, làm rõ thêm thời
gian Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Italy trong những năm 30 của thế kỷ
trước, là mối dây tình cảm tô thắm thêm quan hệ đoàn kết chặt chẽ và sâu
sắc giữa Việt Nam với Italy.
Trong báo cáo đề dẫn, GS. TS. Lê Văn Lợi nêu rõ mục tiêu
của cuộc tọa đàm là làm sáng tỏ 5 nội dung, giá trị cốt lõi. Thứ nhất,
Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng của hòa bình và phát triển trong độc
lập, tự do, là hiện thân của quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm giữa
các dân tộc và là lý tưởng, khát vọng của dân tộc Việt Nam và nhân loại.
Thứ hai, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhất quán khẳng định các nước có chế
độ chính trị khác nhau đều có thể chung sống hòa bình, hợp tác cùng
phát triển. Thứ ba, Chủ tịch Hồ Chí Minh đấu tranh để bảo đảm các quyền
dân tộc cơ bản; giải quyết mâu thuẫn, bất đồng bằng thương lượng hòa
bình, hợp tác, bình đẳng, cùng có lợi. Thứ tư, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn
bày tỏ mong muốn: Việt Nam sẵn sàng là bạn, đối tác tin cậy và hữu
nghị, hợp tác phát triển với các quốc gia dân tộc trên thế giới. Thứ
năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh nỗ lực giải quyết xung đột bằng con đường hòa
bình; kiên quyết, kiên trì ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh.
Theo GS. TS. Lê Văn Lợi, việc Việt Nam và Italy tăng cường
hơn nữa sự hợp tác nghiên cứu, phổ biến, lan tỏa giá trị tư tưởng Hồ Chí
Minh cũng như tư tưởng các vĩ nhân, danh nhân văn hóa thế giới để cùng
học tập, làm theo vì một thế giới hòa bình, phát triển và tiến bộ, chính
là cách thức thiết thực để nâng cao sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, tìm
tiếng nói chung trong quan hệ hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Trong bản tham luận chính tại tọa đàm, PGS. TS. Đỗ Xuân
Tuất, Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Tổng
biên tập Tạp chí Nghiên cứu Hồ Chí Minh, cung cấp cho những người tham
dự về dấu ấn không gian Italy trên hành trình khát vọng độc lập, tự do,
hạnh phúc, hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
PGS. Đỗ Xuân Tuất đã dẫn các nguồn tài liệu đáng tin cậy cho
thấy đầu tháng 6/1928, người thanh niên Nguyễn Ái Quốc đã rời Berlin
(Đức), qua Thụy Sĩ sang Italy, đến Milan, Rome và Napoli. Dù thời gian
trên đất nước Italy ngắn ngủi, nhưng đó là "gạch nối" cho một dấu ấn
trên hành trình khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc, hòa bình, hữu nghị
giữa các dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
GS. Mario Primicerio, người được gặp Chủ tịch Hồ
Chí Minh vào tháng 11/1965 cùng cựu Thị trưởng thành phố Firenze, ông
Giorgio La Pira, tại Hà Nội, nhớ lại kỷ niệm Bác Hồ đã chào bằng tiếng
Italy và giải thích rằng Người đã từng ở Italy trong những năm 1930;
đến Napoli với tư cách là thủy thủ trên một con tàu, sau đó đến thành
phố Milan và làm việc trong một nhà hàng.
Bà Sandra Scagliotti, Lãnh sự danh dự Việt Nam, Chủ tịch Hội hữu
nghị Italy - Việt Nam vùng Piemonte, kiêm Giám đốc Trung tâm nghiên
cứu Việt Nam học tại thành phố Turin, khẳng định Chủ tịch Hồ Chí
Minh là biểu tượng hòa bình, tình bạn giữa Việt Nam và thế giới. Bà cũng
rất tâm đắc với những thông tin về thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh tại
Italy và bày tỏ mong ước có thể sưu tầm được đầy đủ.
Tại cuộc tọa đàm, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Italy Mauro Alboresi
cho rằng tư tưởng Hồ Chí Minh, cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin, đã trở
thành điểm tham chiếu cho toàn bộ phong trào cộng sản quốc tế, trong đó
có Italy. Những người cộng sản Italy rất quan tâm đến hệ tư tưởng đã và
đang hướng dẫn hành động của những người cộng sản Việt Nam nhằm khẳng
định một giải pháp thay thế cho hệ thống tư bản chủ nghĩa, xây dựng một
xã hội xã hội chủ nghĩa hiện đại, với hạnh phúc của người dân là mục
tiêu hàng đầu.
Trong tham luận của mình, ông Francesco Maringiò, Phó Chủ tịch Quỹ
Italy-Việt Nam nói về nền tảng mang tính quyết định của Chủ tịch Hồ Chí
Minh đối với vấn đề hội nhập quốc tế của Việt Nam. Theo ông, lời kết
trong di chúc của Người, rằng “Mong muốn cuối cùng của tôi là Đảng và
nhân dân ta đoàn kết chặt chẽ xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống
nhất, độc lập, dân chủ và thịnh vượng, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp
cách mạng thế giới”, chứa đựng tất cả những nét cơ bản của quá trình
hội nhập quốc tế của Việt Nam. Những thành tựu trong 40 năm Đổi mới thể
hiện việc vận dụng chiến lược hội nhập quốc tế của tư tưởng Hồ Chí Minh
của Việt Nam.
Còn tham luận của ông Stefano Bonilauri, Giám
đốc Nhà xuất bản Anteo lại nêu bật rằng đóng góp về mặt lý luận của Chủ
tịch Hồ Chí Minh cho chủ nghĩa xã hội phản ánh sự kết hợp độc đáo giữa
tư tưởng Mác - Lênin và truyền thống văn hóa Việt Nam, đưa ra một góc nhìn
độc đáo về việc áp dụng các nguyên tắc xã hội chủ nghĩa vào thực tế
Việt Nam và toàn cầu. Một trong những nét đặc sắc trong tư tưởng Hồ Chí
Minh là sự tổng hợp giữa chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa xã hội quốc tế.
Nói cách khác, đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, chủ nghĩa xã hội không chỉ
là một hệ tư tưởng kinh tế, mà còn là một hệ tư tưởng chính trị, đề cao
quyền tự quyết của các dân tộc bị áp bức và sự tương trợ lẫn nhau. Cuộc
đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh là minh chứng cho sức mạnh ý
chí bất khuất của con người và khả năng ảnh hưởng đến tiến trình lịch sử
của một cá nhân.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Ugo Papi, Cố vấn Thị trưởng thành
phố Rome, đại diện đảng Dân chủ Italia, nói: “Trong cuộc tọa đàm hôm
nay, chúng ta tưởng nhớ đóng góp lớn lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho
nền hòa bình nhân loại. Đối với chiến sĩ cách mạng Hồ Chí Minh thì hòa
bình có ý nghĩa trước hết là công bằng, độc lập và tự quyết cho dân tộc.
Do đó, nền hòa bình của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nền hòa bình gắn liền
với thắng lợi của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống thực dân
và đế quốc. Để giành lại nền độc lập và quyền tự quyết, nhân dân Việt
Nam đã phải chiến đấu chống phát xít Nhật, rồi đến thực dân Pháp và cuối
cùng là đế quốc Mỹ. Ngày nay, đất nước Việt Nam đã lớn mạnh với đường
lối Đổi mới và tất cả chúng ta đều nhận thấy rõ từ Việt Nam một nền kinh
tế phát triển, đời sống người dân được nâng cao. Hơi thở thời đại Hồ
Chí Minh vẫn được tiếp nối trong mỗi người dân cũng như những người lãnh
đạo đất nước và trong sự tôn trọng của toàn thế giới đối với Việt Nam”.
Ông Noberto Natali chia sẻ: “Thời điểm
Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần năm 1969, Đảng Cộng sản Italy đã long trọng
tưởng nhớ Người và rất nhiều đảng viên mới đã gia nhập Đảng trong năm
đó. Lúc ấy còn nhỏ, nhưng tôi cũng đứng trong hàng ngũ Đoàn Thanh niên
Cộng sản với một niềm cảm hứng mang tên Hồ Chí Minh. Vì vậy, phẩm chất
con người và hình ảnh đất nước Việt Nam luôn ở trong trong trái tim
tôi”.
Còn ông Pino Piretti bày tỏ hy vọng: “Chúng tôi rất vui mừng được có
mặt ở đây ngày hôm nay, được thảo luận với đoàn đại biểu Học viện Chính
trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Đây là một dịp rất quan trọng bởi sự hiện diện
của đoàn là minh chứng đạị diện cho ý chí kiên cường của Chủ tịch Hồ
Chí Minh, không bao giờ ngừng đấu tranh. Những người Italy chúng tôi
không thể nào quên những gì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm cho dân tộc Việt
Nam. Chúng tôi cũng hy vọng về một triển vọng rằng một phần của sự
nghiệp đó cũng được hiện thực hóa cả ở Italy, để triển vọng về chủ nghĩa
xã hội, hòa bình, dân chủ, tự do, độc lập cuối cùng cũng có thể được
thực hiện ở Italy”.
Một số tham luận, trao đổi của học giả Việt Nam và Italy đã làm sáng
tỏ dấu ấn không gian Italy trên hành trình Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện
thực hóa khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc, hòa bình, hữu nghị giữa
các dân tộc. Dù ở đất nước Italy chỉ trong thời gian rất ngắn, nhưng
hành trình đó của Người cũng đặt cơ sở cho việc Việt Nam và Italy thiết
lập, tăng cường, mở rộng quan hệ ngoại giao (từ năm 1973) và quan hệ Đối
tác chiến lược (từ năm 2013), tạo nền tảng quan trọng góp phần thúc đẩy
quan hệ hai nước lên tầm cao mới./.
TTXVN