Trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, ngày 16/5, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng các đại biểu Quốc hội đã gặp gỡ cử tri quận 1, quận 3 để ghi nhận và giải đáp những kiến nghị của người dân gửi đến Quốc hội.
Dành phần lớn thời gian để trả lời thẳng những vấn đề đang được cả nước quan tâm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou 981) trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, xâm phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam. Không những thế, Trung Quốc đã đi ngược lại với Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc là một bên ký kết; vi phạm những nội dung cam kết, thỏa thuận cấp cao của lãnh đạo hai nước. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan. Đây cũng là nguyện vọng của đông đảo người dân Việt Nam, được ủng hộ của cộng đồng quốc tế.
Chủ tịch nước đề nghị người dân phát huy vai trò giám sát thông qua vai trò của các đoàn thể, tổ chức đại diện, tiếp tục giúp các cơ quan chức năng phát huy vai trò.
Chủ tịch nước lưu ý, trong bối cảnh hiện nay, khi xuất hiện khó khăn, càng đòi hỏi mỗi người dân phải thật bình tĩnh, sáng suốt để bảo vệ chủ quyền và phát triển kinh tế, nâng cao tiềm lực đất nước.
Chủ tịch nước giải thích rõ, từ khi xảy ra vụ việc hai bên đã có hơn 10 cuộc trao đổi. Công hàm của Việt Nam một mặt khẳng định rõ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, đồng thời thông báo cho các nước trên thế giới nắm rõ tình hình. Việt Nam tiến hành bài bản các bước thực hiện về đối ngoại. Bộ Ngoại giao là cơ quan đầu tiên lên tiếng phản đối. Trên thực địa, Việt Nam cũng can thiệp kịp thời và bảo vệ chủ quyền bằng lực lượng thực thi pháp luật.
Chủ tịch nước nhấn mạnh dựa vào sự kiên cường và kiên nhẫn, những ngày qua, chúng ta đã không buông lỏng, có biện pháp xử lý kịp thời và đúng luật pháp quốc tế. Đến thời điểm này, trong số các nước lên tiếng, chưa quốc gia nào ủng hộ Trung Quốc. Diễn biến tình hình và chỉ đạo của các cơ quan chức năng Việt Nam được công khai, minh bạch, thông tin kịp thời tới đồng bào cả nước và kiều bào nước ngoài, không có sự né tránh. Việt Nam không muốn xung đột, nhưng kiên quyết bảo vệ chủ quyền.
Chủ tịch nêu rõ bên cạnh việc bảo vệ chủ quyền, điều cần thiết lúc này là phải ra sức phát triển kinh tế. Một nước nghèo sẽ không đủ sức để bảo vệ được chủ quyền. Chủ tịch nước bày tỏ, hơn lúc nào hết, toàn dân cần đoàn kết một lòng, cùng Đảng, Chính phủ, chứng minh lòng yêu nước qua việc dồn sức xây dựng đất nước. Đặc biệt phải biết biến thách thức thành thời cơ. Trong xây dựng chỉnh đốn Đảng, chống tham nhũng, nếu còn yếu kém phải ra sức nhanh chóng khắc phục. Nếu trên dưới một lòng, chẳng những bảo vệ được chủ quyền, mà còn khắc phục được nhược điểm cố hữu, đưa đất nước vượt qua thử thách.
Đối với các hành động quá khích, gây rối tại một số địa phương, Chủ tịch nước chỉ rõ đây là hành vi vi phạm pháp luật, làm phương hại lợi ích đất nước. Trong bối cảnh Nhà nước khẳng định đầu tư nước ngoài là thành phần của kinh tế của nước nhà, Việt Nam được cộng đồng ghi nhận là điểm đến an toàn, để xảy ra những vụ việc như ở Bình Dương, Hà Tĩnh đã gây thiệt hại cho doanh nghiệp, công nhân và kinh tế địa phương.
Chủ tịch nước yêu cầu xử lý thích đáng những hành vi gây rối, bảo đảm sự nghiêm minh của luật pháp, giữ vững niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài về một môi trường đầu tư Việt Nam ổn định và phát triển; người dân và đất nước Việt Nam thân thiện, hòa hiếu.
Chủ tịch nước nêu rõ tại những nơi xảy ra vụ việc, công đoàn, chính quyền phải nghiêm túc rút kinh nghiệm về những việc chưa tốt, làm công tác tư tưởng để nhà đầu tư yên tâm làm ăn lâu dài. Trước mắt phải tập trung khắc phục hậu quả, nhanh chóng vượt qua, không để tái diễn.
Về một số vụ tham nhũng gây nhiều dư luận quan ngại và băn khoăn, Chủ tịch nước khẳng định nhìn chung các vụ án liên quan đến tham nhũng đã được xét xử nghiêm minh, thể hiện sự kiên quyết của Đảng, Nhà nước. Dù còn tồn tại thiếu sót, nhưng được dư luận lên tiếng nhắc nhở, các cơ quan chức năng đã nghiêm túc tiếp thu, tiếp tục xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.
Bày tỏ phẫn nộ, lên án Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế, quyền chủ quyền của Việt Nam, các cử tri Hoàng Thị Lợi (phường Bến Nghé), Nguyễn Văn Bông (phường Đa Kao), Vương Liêm (Hội Người cao tuổi quận 1), Nguyễn Hữu Châu (phường 7, quận 3), Trần Thu Hà (Hội Luật gia Thành phố Hồ Chí Minh) đồng quan điểm cho rằng, trước thách thức này, nếu nhân dân cả nước đoàn kết một lòng, sẽ không một thế lực nào khuất phục nổi. Lịch sử Việt Nam qua các triều đại đã chứng minh điều đó.
Ngay trong kỳ họp lần này, Quốc hội cần ra phán quyết và thực thi bảo vệ chủ quyền thật sáng suốt và quyết liệt. Nếu Trung Quốc không dừng các hành động ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế và chủ quyền của Việt Nam, Việt Nam cần xúc tiến việc kiện ra tòa án quốc tế để công pháp phán quyết.
Các cử tri cũng cho rằng diễn biến trên Biển Đông những ngày qua càng khẳng định tầm quan trọng của thế trận toàn dân trên biển. Các cơ quan Nhà nước cần xem xét thấu đáo các dự án đầu tư tàu đánh cá để ngư dân Việt Nam có đội tàu hiện đại, công suất lớn, tham gia bảo vệ và khẳng định chủ quyền. Vạch rõ chân tướng của những kẻ xấu lợi dụng biểu tình yêu nước để gây rối ở một số khu công nghiệp, cử tri đặt câu hỏi với lãnh đạo Đảng, Nhà nước về hiệu quả trong công tác giáo dục nhận thức chính trị của đội ngũ công nhân hiện nay.
Trăn trở về việc ngăn chặn nạn tham nhũng lâu nay chưa hiệu quả, các cử tri nhấn mạnh, qua các vụ án Vinalines, Nguyễn Đức Kiên, Huyền Như, vụ hối lộ của công ty Nhật Bản với cán bộ Tổng công ty đường sắt Việt Nam, các cơ quan thực thi pháp luật cần có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn, xử lý nghiêm. Bên cạnh đó, phải xem xét và "bịt" lỗ hổng trong cơ chế quản lý tài chính với doanh nghiệp còn khá lỏng lẻo hiện nay.
Cùng với đề xuất cần tăng cường giám sát nợ công, sử dụng hiệu quả sử dụng vốn đầu tư Nhà nước, các cử tri cũng kiến nghị về lùi thời điểm xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, nếu xét thấy thiếu an toàn thì chưa thực hiện.
Đối với các dự án nhà ở, cử tri cho rằng cần minh bạch mục tiêu xã hội và thương mại để nguồn lực Nhà nước phát huy hiệu quả, tránh rơi vào nhóm lợi ích. Về kê khai tài sản của cán bộ, người dân kiến nghị cần phải kiểm tra chặt chẽ, nói đi đôi với làm.
Cử tri cũng đề nghị làm rõ về quy định độ tuổi kết hôn trong Luật Hôn nhân gia đình; giảm bớt hình thức trong phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa; sửa đổi một số nội dung trong các dự luật sẽ trình Quốc hội trong kỳ họp lần thứ 7./.
TTXVN