Hôm nay (14/7), Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết rời Hà Nội, dẫn đầu Đoàn Việt Nam lên đường tham dự Hội nghị Cấp cao Không liên kết lần thứ 15 tại thành phố Sharm el-Sheikh, Ai Cập từ ngày 15 đến 16/7/2009
Tham gia Đoàn Việt Nam dự Hội nghị có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Nguyễn Văn Chiền; Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập Phạm Sỹ Tam; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc Lê Lương Minh.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới thời gian qua có những biến động mới, tác động đến phong trào cũng như các nước thành viên, xung đột và căng thẳng gia tăng tại một số khu vực; khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu đang cộng hưởng với vấn đề biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, năng lượng, dịch bệnh... gây tác động bất lợi đối với các nước đang phát triển, đặt ra thách thức lớn đối với phát triển bền vững của các quốc gia.
Phong trào Không liên kết (KLK) hiện có 118 thành viên, chiếm gần 2/3 tổng số thành viên của Liên Hợp Quốc và 51% dân số thế giới. Phong trào cũng là nòng cốt của G77 (Nhóm kinh tế các nước đang phát triển).
Việt Nam đã sớm gắn bó và đóng góp vào những mục tiêu và quá trình hình thành Phong trào KLK từ khi chưa là thành viên chính thức, đặc biệt là đóng góp quan trọng vào cuộc đấu tranh của các nước KLK và đang phát triển. Sau khi giành độc lập (năm 1945), Việt Nam đã đi đầu trong phong trào giải phóng dân tộc, góp phần quan trọng xóa bỏ chủ nghĩa thực dân, chống chủ nghĩa đế quốc.
Từ khi tham gia phong trào, Việt Nam đã tham dự tất cả các Hội nghị Cấp cao và Hội nghị Ngoại trưởng, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng tích cực tăng cường đoàn kết đề cao vai trò của Phong trào, nỗ lực đấu tranh cho mục tiêu hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội; tích cực tham gia các hoạt động và có nhiều đóng góp quan trọng vào việc xây dựng các văn kiện của Hội nghị; đưa ra một số khuyến nghị cụ thể nâng cao vai trò của Phong trào trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm phát triển của Việt Nam.
Luôn coi trọng việc tham gia vào Phong trào KLK, Việt Nam coi đó là chủ trương nhất quán, một bộ phận của chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa và đa dạng hóa, bổ sung cho quan hệ song phương, khu vực và quốc tế của đất nước. Đồng thời với những thành tựu đáng kể trong công cuộc Đổi mới, Việt Nam cũng chủ trương tham gia và đóng góp tích cực hơn vào sự nghiệp phát triển chung của các nước KLK, đang phát triển.
Từ Hội nghị cấp cao lần thứ 14 (năm 2006) đến nay, vị thế của Phong trào KLK đã được nâng cao, có tiếng nói trên nhiều vấn đề quốc tế quan trọng. Các nước ghi nhận sự phối hợp tốt hơn giữa các nước thành viên của Phong trào tại các diễn đàn quốc tế, đánh giá cao vai trò của các nước KLK thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh đó, Phong trào cũng đang đứng trước những khó khăn trong việc thống nhất quan điểm, duy trì tiếng nói chung trên một số vấn đề thời sự được thế giới quan tâm.
Với chủ đề “Đoàn kết vì hòa bình và phát triển”, mục tiêu chính của Hội nghị lần này là đánh giá tình hình quốc tế và các vấn đề chung được tất cả các nước thành viên quan tâm, thảo luận các biện pháp chung ứng phó với tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế, các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực…
Hội nghị cũng sẽ đề ra kế hoạch hành động về hợp tác chính trị, kinh tế, xã hội để cụ thể hóa các mục tiêu của Phong trào KLK.
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị do Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết dẫn đầu nhằm tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế.
Việt Nam sẽ phối hợp với các nước KLK thúc đẩy các quan điểm tích cực trong Phong trào, tăng cường đoàn kết, nâng cao hiệu quả hợp tác và vị trí của Phong trào trong bối cảnh quốc tế mới.
Dự kiến, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết sẽ có bài phát biểu tại Hội nghị và có các cuộc gặp song phương với lãnh đạo cấp cao một số nước nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác đôi bên.
Chinhphu.vn