MỞ CỬA NHỮNG KHÔNG ĐƯỢC CHỦ QUAN, PHẢI KIỂM SOÁT TỐT
Phát biểu tại phiên thảo luận Tổ ngày 21/10, Chủ tịch nước Nguyễn
Xuân Phúc cho biết, dịch COVID-19 với biến chủng mới đang đe dọa nước
ta và các nước trên thế giới. Do đó, trong thời gian này, trách
nhiệm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân rất nặng nề.
“Nước ta đã đi qua 4 thời kỳ của dịch bệnh, trực tiếp tôi
khi đó là Thủ tướng và Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã
chỉ đạo qua 3 đợt dịch. Như Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói,
Chủ tịch nước với vai trò của một nguyên thủ quốc gia thì tôi
cần có trách nhiệm với các đồng chí nhiều hơn. Thường xuyên
gọi điện, trao đổi, bàn bạc với Thủ tướng, Bộ Y tế để tìm ra
một giải pháp tốt. Đây là điều mà cần phối hợp tốt hơn nữa
để phục vụ nhân dân”, Chủ tịch nước nói.
Theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, tất cả những sự việc
diễn ra ở nước ta từ dịch bệnh, thiên tai, kể cả công tác chỉ
đạo điều hành đất nước với gần 100 triệu dân là một vấn đề
rất khó khăn. Ngoài những thành quả chung cần được phát huy
thì cần rút kinh nghiệm sâu sắc để công tác điều hành trong thời
gian sắp tới phải thích ứng được với khối lượng công việc của
một thời kỳ nhiều vấn đề.
Nhắc tới các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền
thống đang diễn ra như thiên tai, dịch bệnh, cạnh tranh khốc liệt
giữa các quốc gia, Chủ tịch nước cho rằng, nếu chúng ta có
cách làm việc tốt, cầu thị, lo cho dân thì chúng ta tiến bộ
để phục vụ tốt cho nhân dân.
“Nhân dân trao cho chúng ta quyền hạn rất lớn, đồng thời cũng
yêu cầu cao. Chúng ta phải biết rút kinh nghiệm tất cả những
việc đã làm để thời gian tới làm tốt hơn nữa”, Chủ tịch nước
nhấn mạnh.
Chủ tịch nước cũng bày tỏ tin tưởng Chính phủ sẽ tiếp tục
phát huy những truyền thống từ năm 1945 đến nay; các Bộ trưởng
cũng có trách nhiệm cao để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. “Đây
là mong mỏi của Quốc hội cũng như nhân dân cả nước”, Chủ tịch
nước nói.
Chủ tịch nước cho biết trong công tác phòng, chống dịch Covid-19,
Việt Nam đã tổng kết, điều chỉnh phương án từ “Zero COVID-19” sang
thích ứng an toàn với dịch COVID-19 bằng những phương thức như 5K,
vaccine, thuốc… Tuy nhiên, nhắc đến những ổ dịch mới vừa diễn ra
ở Cà Mau, Nam Định, Phú Thọ, Chủ tịch nước nhấn mạnh việc không
được chủ quan, không đơn giản hóa, thích ứng nhưng phải có kiểm
soát tốt, phải đề cao cảnh giác.
Chủ tịch nước cũng cho rằng, Việt Nam không thể đóng cửa mãi
đất nước, các nước đều mở cửa: “Nước ta cũng phải mở cửa để
giải quyết vấn đề việc làm, thu nhập, hoạt động kinh tế xã
hội. Đây mặc dù là yêu cầu rất lớn hiện nay nhưng vẫn phải có
tinh thần đề cao cảnh giác”.
KHÔNG KHÍ LAO ĐỘNG SẢN XUẤT, QUYẾT TÂM CỦA NGƯỜI DÂN, DOANH NGHIỆP ĐANG RẤT TỐT
Cho ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân
Phúc cho biết, dù có khó khăn, tăng trưởng thấp, hụt thu ngân
sách Trung ương nhưng tổng thu vẫn tốt, nguồn thu ngân sách Trung
ương vẫn đạt hơn 20.000 tỷ đồng. Nước ta cũng đã xuất một số quỹ
ra để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch, an sinh xã hội.
Chủ tịch nước cho rằng, tuy tình hình kinh tế - xã hội nhìn
chung có những khó khăn nhất định nhưng khi dần mở cửa một
bước thì không khí làm ăn của các doanh nghiệp cả nước sẽ tốt
lên. Bên cạnh nhiều điểm sáng như Quảng Ninh, Hải Phòng, Vĩnh
Phúc… thì có một số địa phương vươn lên mạnh mẽ như các
tỉnh Đông Nam Bộ, TP. Hồ Chí Minh. Trong đó, riêng T.P Hồ Chí Minh đã
có có chương trình tái thiết kinh tế thành phố, bước đầu
nhiều người lao động quay lại làm việc.
“Đây là cơ sở để có niềm tin vào một đất nước phát triển
sau đại dịch, sống chung với dịch với điều kiện cụ thể
(vaccine +5K). Niềm tin vào một nền kinh tế Việt Nam đang phát
triển với một động lực có cơ sở”, Chủ tịch nước nói.
Chủ tịch nước cho biết, chúng ta có hàng nghìn nhà máy với công
nghệ cao, kể cả công nghiệp chế biến, cùng với đó là người Việt
Nam năng động sáng tạo, cấp ủy chính quyền các cấp đều lo
lắng, có quyết tâm cao, Việt Nam vẫn bảo đảm được năng lượng,
sản xuất xuất khẩu, nông nghiệp, đẩy mạnh khắc phục những điểm
yếu trong đầu tư công.
Bên cạnh đó, nguồn vốn đổ vào Việt Nam cả trực tiếp và
gián tiếp cũng rất tốt. Đồng thời, người Việt Nam trong "cái
khó ló cái khôn" đã xuất hiện nhiều tấm gương. Chủ tịch nước
bày tỏ tin tưởng, với sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành,
địa phương trong cả nước, kế hoạch năm 2022 sẽ đạt kết quả tốt.
“Nền kinh tế Việt Nam sẽ trở lại phong độ mới, sẽ đạt được
mục tiêu Chính phủ đã báo cáo Quốc hội. Đặc biệt, năm 2022,
chúng ta có thể phấn đấu đến con số 6,5% GDP”, Chủ tịch nước nhận
định.
Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 2.
KHÔNG THỂ ĐI VAY ĐỂ TĂNG LƯƠNG
Về vấn đề cải cách tiền lương, Chủ tịch nước cho biết, theo
Nghị quyết 27 thì đã đến thời điểm tăng lương từ năm ngoái
nhưng chúng ta đã chậm lại. Dự kiến, năm 2021 sẽ tăng lương, cải
cách tiền lương một bước vì từ thời kỳ trước chúng ta đã vượt
thu ngân sách lớn, từ đó đưa ra chủ trương nếu vượt thu của
địa phương nào thì để lại 50% để đầu tư, còn 50% để lại cho
tăng lương.
“Con số để lại là 600 - 700.000 tỷ đồng là lớn, gần đủ khả
năng có thể cải cách một bước tiền lương. Tuy nhiên, khi dịch
bệnh xảy ra tại TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh đã hết nguồn
thu, phải sử dụng một số quỹ, trong đó có quỹ vượt thu để
dành cho tiền lương để chi cho khám chữa bệnh, điều trị, vật tư
y tế”, Chủ tịch nước cho biết.
“Chúng ta phải có nguồn thu, không thể đi vay để tăng lương
được. Việc giảm biên chế, nhất là các đơn vị sự nghiệp cũng
đồng bộ với cải cách tiền lương đang đặt ra. Nhưng cũng có yêu
cầu Chính phủ tiếp tục suy nghĩ, lập phương án sớm trình năm
2022 tăng lương, cải cách tiền lương. Trước mắt thống nhất chưa
nâng lương đợt này”, Chủ tịch nước cho biết.
Chủ tịch nước nhận định, đây là thời điểm người dân đang khó
khăn, nhất là tình trạng công nhân, nông dân thiếu việc làm là
rất lớn.
“Lúc này nếu công chức, viên chức mà tăng lương thì không có
ý nghĩa về chính trị. Do đó, đề nghị Bộ Chính trị, Quốc hội
và Chính phủ chưa nâng lương đợt này để phù hợp lòng dân”, Chủ
tịch nước nói.
Tuy nhiên, Chủ tịch nước cũng cho rằng việc này không thể kéo
dài mãi và nếu đợt này chưa nâng lương được cho toàn bộ cán
bộ, công chức, viên chức thì phải có chính sách hỗ trợ, tăng
lương cho người về hưu trước năm 1995.
“Đây là những người đang hưởng lương quá thấp, đời sống rất
khó khăn. Bên cạnh đó, chúng ta cần tiếp tục phát triển sản
xuất kinh doanh, chuẩn bị nguồn lực tốt hơn để tính toán năm
sau sẽ báo cáo Trung ương, Quốc hội về việc cải cách tiền
lương cho cán bộ, công chức. Từ đó động viên đời sống cũng như
giải quyết phòng, chống tham nhũng”, Chủ tịch nước cho biết./.