Để kiểm tra tình hình phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, công tác cải cách tư pháp, tình hình sản xuất doanh nghiệp tại Bình Dương, ngày 27/10, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã thăm và làm việc tại tỉnh.
Tại hội trường Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc của 70 doanh nghiệp, đại diện cho hơn 15.000 doanh nghiệp trong nước và nước ngoài hoạt động trên địa bàn đã bày tỏ ý kiến, nhấn mạnh “hơn lúc nào hết, doanh nghiệp cần sự giúp đỡ của Nhà nước.”
Theo các doanh nghiệp, từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất gặp nhiều khó khăn, nhưng nhờ chủ động nâng cao năng lực quản trị, đổi mới công nghệ, tiết kiệm chi phí, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn đạt mức tăng trưởng khá.
Tuy nhiên, việc hạn chế tín dụng đã khiến các doanh nghiệp đang phải thu hẹp quy mô sản xuất. Trong bối cảnh các gói hỗ trợ không đủ sức cứu phần lớn doanh nghiệp, tình trạng hàng tồn kho ứ đọng, tình trạng khó tiếp cận được nguồn tài chính bổ sung vẫn kéo dài, sẽ dẫn đến hàng loạt doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản.
Các doanh nghiệp phản ánh trong khi sản xuất kinh doanh đang thiếu vốn thì nguồn vốn lại không “chảy” đến nơi cần đến; nhiều ngân hàng không mặn mà với việc cho vay, dành để mua trái phiếu.
Các doanh nghiệp cũng cho rằng doanh nghiệp phá sản thời điểm này chẳng những ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà còn tăng thêm gánh nặng cho xã hội. Bởi vậy, Nhà nước cần một chính sách ổn định về thuế, lãi suất ưu đãi để hỗ trợ doanh nghiệp làm tốt chương trình hàng xuất khẩu; giảm thiểu tình trạng xuất khẩu nguyên liệu thô rẻ mạt để nhập về hàng hóa chế biến với giá đắt gấp nhiều lần.
Nhiều đại diện doanh nghiệp FDI khẳng định chắc chắn sẽ mở rộng dây chuyền, nâng cao năng lực kinh doanh một khi được ưu đãi về thuế; bày tỏ mong muốn lộ trình tăng lương cơ bản cần có những bước đi thích hợp, giúp doanh nghiệp yên tâm xây dựng chiến lược kinh doanh. Chính phủ cần kiểm soát chặt chẽ việc tăng giá ở các nhóm hàng điện, xăng dầu, gas, bởi đây là những nhóm ngành hàng tác động trực tiếp đến đầu vào sản xuất mà chưa có sự vận hành theo cơ chế thị trường.
Cùng ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã làm việc với các cơ quan khối tư pháp tỉnh Bình Dương, nghe đại diện các cơ quan Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân, Công an tỉnh báo cáo thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
Qua 7 năm triển khai, đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp trong tỉnh đã thực hiện có hiệu quả công tác giám sát của cơ quan dân cử đối với hoạt động tư pháp. Số lượng giám sát hàng năm khoảng 20 cuộc, trọng tâm là giám sát việc bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố điều tra xét xử, thi hành án và công tác phòng chống tham nhũng.
Trong lĩnh vực hình sự, các cơ quan tư pháp nhận thức rõ hơn trách nhiệm, giải quyết kịp thời, đúng luật định, tổ chức phòng chống và ngăn ngừa xử lý tội phạm hiệu quả; việc tranh tụng công khai dân chủ tại phiên tòa được phát huy. Ngành tòa án đã giải quyết được 42.033 vụ, việc, trên tổng số 42.694 vụ việc, đạt 98%. Hầu hết các vụ án hình sự được dư luận quan tâm, xử lý kịp thời đúng pháp luật.
Chiều cùng ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bình Dương, nghe báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã xã hội trên địa bàn.
Chín tháng năm 2012, nhờ triển khai quyết liệt đồng bộ các giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh ước thực hiện 95.212 tỷ đồng, tăng 12,7% so với cùng kỳ, đạt 65,5% kế hoạch năm 2012. Khu vực kinh tế trong nước ước thực hiện 29.600 tỷ đồng, tăng 11,3%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 65.612 tỷ đồng, tăng 13,3%.
Riêng trong tháng Chín vừa qua, giá trị sản xuất công nghiệp ước thực hiện 12.925,7 tỷ đồng, tăng 6,6% so với tháng trước. Trong chín tháng qua, Bình Dương đã thu hút thêm 9.919 tỷ đồng vốn của doanh nghêệp trong nước, nâng nguồn đầu tư trong nước trên địa bàn hiện nay lên 13.140 doanh nghiệp với tổng vốn đầu tư 101.439 tỷ đồng. Đặt kế hoạch năm 2012 thu hút hơn 1 tỷ USD nhưng trong 9 tháng, Bình Dương đã có thêm hơn 2,5 tỷ USD vốn đầu tư, nâng nguồn đầu tư nước ngoài hiện nay lên 2.108 dự án FDI với số vốn hơn 17 tỷ USD.
Trước tình hình khả năng thu ngân sách của tỉnh sẽ không đạt dự toán đề ra, do hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn, đồng thời thực hiện chính sách miễn giảm, gia hạn thuế của Nhà nước, tỉnh đã triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, huy động nhiều nguồn vốn để phát triển mạnh hạ tầng kỹ thuật; đẩy mạnh chương trình nhà ở xã hội; tạo động lực phát triển kinh doanh và môi trường thu hút đầu tư.
Các đại biểu đề nghị Chính phủ cho thực hiện tỷ lệ điều tiết thuế xuất nhập khẩu phù hợp; tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi thuế đối với các doanh nghiệp đầu tư vào các khu công nghiệp như trước đây; hỗ trợ vốn trái phiếu Chính phủ theo chương trình mục tiêu dự án nhà ở xã hội, bệnh viện đa khoa, chuyên khoa trên địa bàn tỉnh từ năm 2013 trở đi.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao nỗ lực của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn đã góp một phần vào sự phát triển của tỉnh Bình Dương nói riêng và kinh tế đất nước nói chung. Chia sẻ với những khó khăn của các doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới đang đứng trước nhiều thách thức, Chủ tịch nước nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước đã và đang có những chính sách tháo gỡ để giúp các doanh nghiệp phát triển.
Năm nay, Chính phủ quyết tâm kiềm chế lạm phát xuống một con số, do đó việc siết tín dụng cũng ảnh hưởng tới doanh nghiệp. Thời gian tới đây khi kinh tế bình ổn, hạn mức tín dụng sẽ từng bước được mở, giữ ổn định lãi suất cho vay ở mức chấp nhận được đối với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn.
Chủ tịch nước cho rằng tình hình hiện tại đang đặt ra nhiều khó khăn thách thức nhưng kinh tế sẽ hồi phục theo chu kỳ. Đánh giá cao Bình Dương đưa ra nhiều chính sách bảo hiểm xã hội tốt cho người lao động, đặc biệt là chương trình nhà ở cho công nhân, lao động, người thu nhập thấp, Chủ tịch nhấn mạnh trong bối cảnh chung, việc Bình Dương giữ được ổn định và tăng trưởng khá cao là đáng khích lệ, thực sự là điểm sáng để các địa phương trong cả nước học tập kinh nghiệm.
Chủ tịch nước lưu ý dù con số dự án đầu tư không ngừng tăng lên, nhưng về cơ bản, công nghiệp Việt Nam phần nhiều vẫn là gia công. Bởi vậy, những dự án chuyển giao công nghệ cao, hàm lượng kinh tế tri thức nhiều, phải được ưu tiên chọn lựa.
Chia sẻ với những suy nghĩ của lãnh đạo các ban ngành tỉnh về lợi thế cạnh tranh của Việt Nam giảm dần khi các nước trong khu vực đang bằng nhiều cách thu hút các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, Chủ tịch nước cho rằng trước sức ép của việc hội nhập khu vực và quốc tế, việc hỗ trợ nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp là hết sức quan trọng. Thời gian qua một số chính sách của Việt Nam thay đổi nhanh, cần phải ổn định để tạo niềm tin cho nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đây là bài học kinh nghiệm để xây dựng chính sách trong những năm tới.
Chỉ đạo công tác cải cách tư pháp, Chủ tịch nước lưu ý Bình Dương là địa phương có tốc độ phát triển nhanh, tình hình tội phạm diễn biến phức tạp. Tỉnh cần phải đặc biệt chú ý công tác phòng chống tội phạm nhất là tội phạm mới trong lĩnh vực viễn thông, tin học và tội phạm mang yếu tố nước ngoài...
Chủ tịch nước nhấn mạnh, kinh tế càng phát triển thì tội phạm phải càng giảm. Để làm được điều đó cùng với sự nỗ lực chung, các ngành tư pháp phải thể hiện được vai trò đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật qua đó góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.
Chủ tịch nước lưu ý lãnh đạo các ngành công an, kiểm sát, tòa án cần phải đề xuất cụ thể các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là các quy định trong việc chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, tạo sự đồng bộ trong đào tạo cán bộ ngành tư pháp.
Đề cập vấn đề cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn của ngành tòa án và kiểm sát, Chủ tịch nước nhấn mạnh cùng với hỗ trợ của trung ương, tỉnh cần tập trung đầu tư xây dựng trụ sở, trang bị cơ sở vật chất khang trang, thể hiện sự uy nghiêm của cơ quan bảo vệ pháp luật./.
(Hoàng Giang-Quách Lắm/TTXVN)