Thứ Tư, 27/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Năm, 18/10/2012 14:4'(GMT+7)

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp xúc cử tri quận 1 và quận 3, TP.Hồ Chí Minh

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các cử tri quận 1, quận 3, TP Hồ Chí Minh

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các cử tri quận 1, quận 3, TP Hồ Chí Minh


Sau khi đại diện đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh báo cáo dự kiến nội dung và chương trình của kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII, khai mạc vào ngày 22/10 sắp tới, cùng một số hoạt động của đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua, Hội trường Bảo tàng Tôn Đức Thắng, Câu lạc bộ hưu trí Nguyễn Thông - nơi diễn ra các cuộc tiếp xúc, đã được “hâm nóng” với hàng loạt ý kiến tâm huyết và phát biểu thẳng thắn của các cử tri.

Mở đầu phần kiến nghị, ông Lê Văn Minh, cử tri phường Cô Giang, quận 1, TP. Hồ Chí Minh bày tỏ, thắng lợi kết quả hội nghị trung ương 6 là bước đầu, đã tạo được niềm tin mới. Ông nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước cần có sự kiên quyết mạnh mẽ hơn nữa, bởi phát triển bền vững mà không đầy lùi được tham nhũng thì tăng trưởng kinh tế, an sinh xã hội không hiệu quả. Ông mong muốn, Quốc hội với sự tập trung trí tuệ, tâm huyết của các đại biểu có đức, có tài, tiếp tục ban hành các văn bản về phòng chống tham nhũng, đồng thời giám sát hiệu quả các chương trình kinh tế - xã hội lớn của quốc gia. Cùng với xây dựng được các thiết chế phòng chống tham nhũng, Đảng, Nhà nước phải nâng cao vai trò phát hiện tham nhũng.

Lần lượt sau đó, ý kiến của các cử tri Lương Minh Nguyệt, cử tri phường Nguyễn Cư Trinh; Trần Thanh Quang, cử tri phường Cô Giang; Nguyễn Thanh Long, cử tri phường Bến Nghé, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh, đều bày sự quan tâm với kết quả kiểm điểm tự phê bình và phê bình đã được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng tại Hội nghị Trung ương 6, với tinh thần cần tiếp tục thực hiện thường xuyên, quyết liệt hơn nữa. Cử tri Lương Minh Nguyệt thẳng thắn “đặt hàng” các đại biểu, nêu yêu cầu sau hội nghị Trung ương 6, thì các bước tiếp theo sẽ là gì? Các cử tri chất vấn: “vì sao tham nhũng ngày càng nhiều mà không ngăn chặn được”? đồng thời đề nghị: “cần trị tội những kẻ tham nhũng thật bình đẳng trước pháp luật”.

Tán thành tính đúng đắn của các nghị quyết Trung ương Đảng được ban hành, cử tri Nguyễn Kiên Cường, phường Cầu Ông Lãnh, Quận 1, TP.Hồ Chí Minh kiến nghị, các cơ quan, đơn vị từ trung ương đến cơ sở, phải có cơ chế thực hiện hiệu quả, để vừa bám sát định hướng, đồng thời đưa được nghị quyết Đảng vào cuộc sống. Cử tri Nguyễn Minh Nguyệt, phường Cô Giang, thẳng thắn phát biểu: “qua các vấn đề chính sách vĩ mô của Chính phủ như: chính sách tiền tệ, tài chính, hệ thống tiền lương và chính sách phân phối thu nhập cá nhân, quản lý ngoại thương và cân bằng thu chi quốc tế, phải nói là một bộ phận cán bộ làm công tác tham mưu làm việc chưa tốt” . Cho rằng đời sống nhân dân so với trước đây khá hơn nhiều, nhưng lòng dân vẫn chưa thuận, bà Nguyệt đề nghị: “vấn đề gì đưa ra mà không kết quả, làm hại đến tài sản nhà nước và nhân dân thì tham mưu đó phải chịu trách nhiệm”.

Với hai lần đăng kí phát biểu để nói được hết những trăn trở của mình, cử tri Võ Văn Thôn, phường 3, quận 3, đề nghị thời gian tới trong thành phần đại biểu Quốc hội cần tăng cường thêm đại biểu chuyên trách, giảm kiêm nhiệm, để giúp các đại biểu có thời gian tập trung cho công việc chuyên sâu. Tha thiết, chân tình, cử tri Trần Nguyệt Anh, phường 13, quận 3, làm hội trường xúc động, khi nêu ra những bất bình của người dân về tình trạng mất an ninh trật tự xã hội, băng nhóm tội phạm lộng hành, cuộc sống người dân bị đe dọa. Trong khi đó, trên các phương tiện thông tin đại chúng, việc giáo dục giá trị đạo đức nhân văn, lý tưởng cách mạng bị xem nhẹ; lối sống thực dụng trên phim, truyền hình đang tác động tiêu cực đến nhận thức của lớp trẻ.

Gần 50 ý kiến đại diện cho hơn 500 cử tri tham dự buổi tiếp xúc tại hai quận 1 và quận 3 đánh giá cao nội dung sẽ được thảo luận tại kỳ họp thứ 4 như thông qua quy chế bỏ phiếu tín nhiệm, thông qua và cho ý kiến 1 số luật quan trọng như Luật đất đai, Luật dự trữ, luật phòng chống thiên tai... Tuy nhiên, các cử tri bày tỏ chưa hài lòng khi những bất cập tồn tại trong giáo dục đào tạo chưa được khắc phục, quản lý đất đai, đô thị chưa đi vào trật tự, thuần phong mỹ tục đang ngày càng bị xâm hại, những sai phạm trong quản lý kinh tế - xã hội chưa được xử lý triệt để, thủ tục hành chính còn rườm rà, chế tài luật chưa đủ mạnh.... Điều đó đồi hỏi phải nâng cao hơn nữa vai trò giám sát tối cao của Quốc hội với hoạt động của bộ máy Nhà nước. Hơn lúc nào hết, các cử tri đề nghị Quốc hội sớm có chương trình triển khai tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết Trung ương 6 vào hoạt động kỳ này.

Vui mừng nhận thấy công tác tiếp xúc cử tri đã có nhiều đổi mới qua việc tiếp nhận thông tin, lắng nghe ý kiến người dân được thực hiện ngay tại các khu, cụm dân cư; liên hệ giữa các đại biểu với cử tri ngày càng gắn kết, đồng cảm sẻ chia; nhiều cử tri hoan nghênh những chuyển biến tích cực trong các phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội, nêu được vấn đề người dân quan tâm.

Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp thu những ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội. Trao đổi với cử tri về những nội dung liên quan tới thông báo Hội nghị Trung ương 6, Chủ tịch nước nêu rõ đây kết quả bước đầu. Trong công cuộc xây dựng Đảng, phê bình và tự phê bình là hết sức quan trọng nhưng không phải là khâu duy nhất. Công tác xây dựng Đảng còn rất nhiều việc phải làm. Việc kiểm điểm của Bộ Chính trị và Ban Bí thư theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 đã được thực hiện với tinh thần hết sức nghiêm túc. Quá trình góp ý, tiếp thu, kiểm điểm, không phải khép lại sau hội nghị mà sẽ làm thường xuyên dưới sự giám sát của cán bộ, đảng viên cả nước. Sau khi có thông báo ngắn gọn nội dung Hội nghị Trung ương 6 đăng tải trên báo chí, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đã có văn kiện gửi đến Ban Tuyên giáo các tỉnh, nói rất rõ khuyết điểm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, khuyết điểm của cá nhân đồng chí trong Bộ Chính trị. Tại sao Bộ Chính trị nhận hình thức kỷ luật, tại sao đề xuất Ban Chấp hành Trung ương có hình thức kỷ luật với tập thể, cá nhân đều nói rất rõ. Chủ tịch nước khẳng định, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương sẵn sàng lắng nghe ý kiến đóng góp, phê bình; tiếp tục thực hiện khẩn trương, bài bản về những nội dung Nghị quyết Trung ương 4 đề ra.

Chủ tịch nhấn mạnh, việc của Đảng làm, dân có quyền kiểm tra giám sát; kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa 13 thông qua quy chế bỏ phiếu tín nhiệm cũng là hình thức giám sát hiệu quả.

Về những bức xúc của cử tri với tình trạng tham nhũng, Chủ tịch nước cho rằng, đây là việc hết sức hệ trọng ảnh hưởng tới sự phát triển của đất nước. Bên cạnh việc thành lập Ban Nội chính Trung ương làm cơ quan thường trực phòng chống tham nhũng, thời gian tới đây Đảng, Nhà nước cũng sẽ xem xét sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng và kiện toàn lại Ban Chỉ đạo, tạo động lực quan trọng cho việc đẩy mạnh giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm những vi phạm.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, cùng với sự quyết liệt của Đảng, Nhà nước, mỗi cử tri phải phát huy mạnh mẽ tinh thần đấu tranh với tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Chủ tịch nước cho rằng, dẫu hiện tượng trù úm không được xử lý có dẫn đến tình trạng e ngại, né tránh, nhưng nếu chỉ vì sợ sệt mà để những kẻ xấu làm điều sai trái, phương hại lợi ích quốc gia thì không ai chấp nhận được. Chủ tịch nước mong muốn, mỗi lần gặp gỡ tiếp xúc, các cử tri tiếp tục nhắc nhở, phê bình, góp ý. Theo Chủ tịch, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải hành xử theo chức trách của mình, phát huy sức mạnh, thì công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng mới thực sự thành công.

Ghi nhận những kiến nghị của cử tri về sửa đổi, bổ sung Hiến Pháp 1992 và tình hình kinh tế - xã hội cùng các vấn đề cụ thể, Chủ tịch nước và đoàn đại biểu Quốc hội khẳng định sẽ có phản ánh xác đáng tới các ngành chức năng của thành phố và kỳ họp Quốc hội sắp tới.

Thời gian còn lại của buổi tiếp xúc, Chủ tịch nước đi sâu phân tích tình hình kinh tế - xã hội những tháng cuối năm. Chủ tịch nước gợi mở nhiều nội dung để các cử tri cùng chia sẻ, như những nỗ lực của Nhà nước trong việc kiềm chế lạm phát, xử lý nợ xấu, hàng tồn kho, hỗ trợ doanh nghiệp. Chủ tịch cho rằng, tình hình nhập siêu những tháng vừa qua giảm nhưng không đáng mừng vì một phần do sản xuất trong nước đình đốn. Trước tình hình như vậy, Quốc hội kỳ này sẽ bàn tính kỹ để có thể xoay chuyển tình thế, đem lại bước phát triển tổng thể cho đất nước tại thời điểm khép lại năm 2012, sẽ vượt lên mặt bằng chung của năm 2011./.

Hoàng Giang/TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất