Tại Hội nghị, đại diện các đối tác, tổ chức quốc tế, chuyên gia và các nhà đầu tư trình bày tham luận nêu bật tiềm năng, lợi thế của Hà Tĩnh; những gợi ý, kiến nghị để Hà Tĩnh phát huy tiềm năng, lợi thế, thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn, qua đó hiện thực hóa các mục tiêu đã được nêu ra tại Quy hoạch tỉnh.
Hướng đến mục tiêu thành một trong những cực phát triển của Vùng
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư vào Hà Tĩnh là sự kiện rất có ý nghĩa, là “cú hích” có sức lan tỏa về tư duy phát triển, về tầm nhìn và thu hút đầu tư trong giai đoạn hiện nay, không chỉ riêng cho Hà Tĩnh mà cho cả các tỉnh Bắc Trung bộ, duyên hải Trung bộ… nói chung.
Tại Kỳ họp bất thường lần thứ hai vào ngày 4/1/2023, Quốc hội khóa XV đã xem xét (theo đề nghị của Chính phủ), phê chuẩn Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là quy hoạch cấp cao nhất, là căn cứ cho các quy hoạch quốc gia khác, quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh...
Chủ tịch Quốc hội biểu dương tỉnh Hà Tĩnh đã quan tâm, tập trung làm tốt, đi đầu trong công tác lập quy hoạch và là tỉnh thứ hai (sau Bắc Giang) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo đúng tinh thần Nghị quyết số 61/2022/QH15 của Quốc hội.
Hà Tĩnh có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng; bờ biển dài 137 km với các bãi biển đẹp; nhiều di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc được UNESCO ghi danh. Đây còn là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, cách mạng, quê hương của 2 đồng chí Tổng Bí thư của Đảng, quê hương của Danh nhân văn hóa thế giới - Đại thi hào Nguyễn Du; người dân Hà Tĩnh luôn đoàn kết, nghĩa tình, tương thân, tương ái, yêu quê hương, đất nước, kiên cường, dũng cảm, hiếu học, có ý chí vượt khó, vươn lên.
Tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng, là cửa ngõ ra biển của hành lang kinh tế Đông – Tây kết nối với Lào, Thái Lan, nằm trên các tuyến giao thông trục Bắc - Nam; có 2 khu kinh tế trọng điểm quốc gia là Khu kinh tế Vũng Áng và Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo; Cảng Vũng Áng - Sơn Dương là một trong những cảng nước sâu lớn nhất khu vực, đáp ứng các điều kiện cần thiết để đầu tư phát triển công nghiệp, dịch vụ, xuất khẩu, logistics liên vùng và quốc tế. Đây là lợi thế rất lớn của Hà Tĩnh.
Tốc độ tăng trưởng GRDP của Hà Tĩnh duy trì ở mức cao qua các thời kỳ (giai đoạn 1991 - 2022 đạt trên 9%/năm); quy mô nền kinh tế năm 2022 đạt gần 93.000 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 70,5 triệu đồng. Hà Tĩnh là điểm sáng xây dựng nông thôn mới của cả nước…
Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu: “Xây dựng tỉnh Hà Tĩnh trở thành một trong những cực phát triển của Vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh khá; phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, đối ngoại ổn định, bền vững”, với một số mục tiêu lớn như: Đạt chuẩn Tỉnh nông thôn mới vào năm 2025; đến năm 2030, thuộc nhóm 20 tỉnh, thành phố có tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cao nhất cả nước; đến năm 2050 là tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển toàn diện, một cực tăng trưởng của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước…
Biến những thách thức thành khát vọng phát triển
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục quán triệt sâu sắc, thể chế hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ.
Cụ thể, tỉnh đẩy mạnh đột phá với 4 ngành trọng điểm (Công nghiệp luyện thép, công nghiệp hỗ trợ, chế tạo sau thép và sản xuất điện; nông, lâm nghiệp và thủy sản; dịch vụ logistics; du lịch), 3 trung tâm đô thị (Trung tâm đô thị xung quanh thành phố Hà Tĩnh; Trung tâm đô thị phía Bắc là thị xã Hồng Lĩnh gắn với thị trấn Tiên Điền, thị trấn Xuân An, đô thị mới Nghi Xuân và vùng phụ cận và Trung tâm đô thị phía Nam với hạt nhân là thị xã Kỳ Anh gắn với Khu kinh tế Vũng Áng và vùng phụ cận), 3 hành lang kinh tế (Hành lang kinh tế đồng bằng ven biển gắn với Quốc lộ 1, cao tốc Bắc Nam và đường ven biển; Hành lang kinh tế dọc Quốc lộ 8 từ thị xã Hồng Lĩnh đến Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế cầu Treo và Hành lang kinh tế trung du và miền núi phía Tây gắn với đường Hồ Chí Minh; 1 trung tâm động lực tăng trưởng (Khu kinh tế Vũng Áng).
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đến việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh nền kinh tế của tỉnh, tăng thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, để người dân thực sự được thụ hưởng từ thành quả phát triển.
Theo Chủ tịch Quốc hội, bắt đầu từ bây giờ, tỉnh cần triển khai việc nghiên cứu, xây dựng văn kiện Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XX cho nhiệm kỳ 5 năm tới (2026 - 2030).
Nhấn mạnh rằng việc xây dựng, lập Quy hoạch đã khó, việc triển khai còn khó hơn và đòi hỏi rất khẩn trương, Chủ tịch Quốc hội dẫn lại câu nói nổi tiếng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong thời kháng chiến: “Thời gian là lực lượng”, cho rằng trong thời bình, xây dựng và phát triển đất nước cũng phải theo tinh thần đó. Hà Tĩnh cần phải hết sức khẩn trương, nhanh chóng tập trung các giải pháp để triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, chương trình, dự án trong Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt.
Tỉnh tổ chức công bố, triển lãm rộng rãi thông tin quy hoạch, thành lập trung tâm thông tin để quảng bá, giới thiệu quy hoạch, thu hút các nhà đầu tư, kinh doanh; tăng cường quản lý, giám sát việc thực hiện Quy hoạch, định kỳ rà soát, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Quy hoạch.
“Người dân và doanh nghiệp phải thấy Quy hoạch này, hình dung đến năm 2030, Hà Tĩnh sẽ như thế nào, từ đó có khát vọng, có niềm tin; nhà đầu tư biết sẽ đầu tư vào đâu… Do đó, tỉnh phải công khai quy hoạch để cho người dân được biết. Đây cũng là hình thức để người dân, doanh nghiệp giám sát việc quản lý, thực thi quy hoạch”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Cùng với đó, tỉnh tiếp tục áp dụng các giải pháp cần thiết để đạt chỉ tiêu kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng cao nhất của năm 2023, góp phần cho cả nhiệm kỳ và đóng góp vào chung cả nước; tìm nguyên nhân khách quan, chủ quan của những điểm yếu hiện nay để tháo gỡ, giải phóng các “điểm nghẽn” của các loại thị trường; “hâm nóng” lại tinh thần “Quốc hội, Chính phủ kiến tạo phát triển” thì địa phương cũng phải kiến tạo phát triển, phải đồng hành với người dân và doanh nghiệp.
Chủ tịch Quốc hội nhắc lại thời gian gần đây lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã nhấn mạnh đến yêu cầu tìm ra căn nguyên và có giải pháp hữu hiệu khắc phục tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức còn né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm, sợ trách nhiệm.“Chúng ta phải khắc phục chuyện này và tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường chuyển đổi số để phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp; vì muốn phát triển được thì phải dựa vào sức dân, dựa vào doanh nghiệp”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội cũng nêu yêu cầu về việc tiếp tục đổi mới tác phong, lề lối làm việc; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; tập trung đầu tư cho giáo dục và đào tạo, phát triển và tăng cường thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đổi mới giáo dục nghề nghiệp gắn với thế mạnh và định hướng phát triển của tỉnh; về tầm quan trọng của tiếp tục củng cố thế trận quốc phòng, an ninh nhân dân vững chắc, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Đảng, Nhà nước; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực; tận dụng sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để xây dựng mạnh mẽ chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số; xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín; đề cao tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Hà Tĩnh tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan dân cử, Đoàn đại biểu Quốc hội, của Hội đồng nhân dân các cấp; nghiên cứu xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính khoa học, minh bạch; tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước trên địa bàn; nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết kiến nghị của cử tri, đáp ứng ngày càng tốt hơn kỳ vọng của người dân.
Tỉnh khơi dậy, phát huy cao độ các giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng hào hùng của quê hương; quan tâm an sinh xã hội; tăng cường đầu tư cho y tế, nhất là y tế dự phòng và y tế cơ sở; không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần…
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan hữu quan khẩn trương rà soát, cập nhật và cụ thể hóa các nội dung của Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Quốc hội thông qua vào các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch cấp tỉnh, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của các cấp quy hoạch…
Các nhà đầu tư, kinh doanh trong và ngoài nước tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu tiềm năng của vùng Bắc Trung Bộ nói chung và Hà Tĩnh nói riêng, qua đó tìm kiếm và mở rộng cơ hội đầu tư; tích cực sớm triển khai các dự án đầu tư theo các nội dung, thỏa thuận đã được ký kết, với những sản phẩm, công trình cụ thể để chuyển hóa tiềm năng, lợi thế của tỉnh, thành các động lực phát triển.
Chủ tịch Quốc hội cũng bày tỏ sự quan tâm các dự án sau Hội nghị này khi vào Hà Tĩnh sẽ sớm được triển khai và triển khai một cách nhanh nhất theo đúng quy Quy hoạch.
Hội nghị được tổ chức đúng vào thời điểm kỷ niệm 66 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu về thăm Hà Tĩnh (15/6/1957 - 15/6/2023). Những tình cảm sâu nặng và lời căn dặn của Người: “Hà Tĩnh phải làm sao cho tình hình nổi bật lên”, cùng với truyền thống đoàn kết, bản lĩnh, vượt khó của Đảng bộ, chính quyền, ý chí cần cù, chăm chỉ, không ngừng vươn lên của con người Hà Tĩnh, Chủ tịch Quốc hội tin tưởng rằng, vùng đất “99 ngọn núi Hồng” sẽ biến những thách thức thành khát vọng phát triển, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Phát biểu bế mạc Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng cho biết, tại Hội nghị, với 15 dự án được ký kết có tổng mức đầu tư gần 10 nghìn tỷ đồng; 25 Bản ghi nhớ hợp tác có tổng mức đầu tư hơn 210 nghìn tỷ đồng sẽ góp phần tạo động lực, dư địa mới cho tỉnh. Để thực hiện Quy hoạch tỉnh, Quy hoạch vùng, Quy hoạch tổng thể quốc gia, tỉnh Hà Tĩnh cam kết sẽ làm hết sức mình để đánh thức các tiềm năng, lợi thế, xây dựng môi trường đầu tư lành mạnh.
Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh đề nghị các doanh nghiệp, doanh nhân cùng đồng hành với tỉnh triển khai đồng bộ, hiệu quả quy hoạch; khi gặp các vướng mắc, khó khăn kịp thời thông tin để tỉnh cùng doanh nghiệp tháo gỡ.
Hoàng Hoa - Hoàng Ngà (TTXVN)