Chủ Nhật, 24/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 26/5/2023 8:23'(GMT+7)

Đảm bảo an toàn hoạt động trải nghiệm của học sinh và quản lý giá sách giáo khoa

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga. Ảnh tư liệu: Phạm Kiên/TTXVN

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga. Ảnh tư liệu: Phạm Kiên/TTXVN

Thời gian gần đây, nhiều hoạt động trải nghiệm, dã ngoại tự phát ở một số trường học tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho học sinh. Mới đây, sự việc 1 học sinh lớp 6 và 1 phụ huynh tử vong trong quá trình tham gia trải nghiệm bắt ngao ở Vườn quốc gia Xuân Thủy, tỉnh Nam Định, đã khiến nhiều người lo lắng.

Chia sẻ với báo chí về vụ việc này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng, hoạt động trải nghiệm của học sinh thời gian gần đây phát triển, đôi khi không có sự kiểm soát chặt chẽ từ cơ quan chức năng, dẫn tới những hậu quả đáng tiếc như ngộ độc thực phẩm, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, về bản chất, hoạt động trải nghiệm của học sinh là một nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông mới và là hoạt động rất cần thiết, nhưng vấn đề đặt ra hiện nay là cách hiểu về hoạt động trải nghiệm của học sinh vẫn còn khác nhau. Do đó, mỗi trường, cơ sở giáo dục có cách tổ chức cho học sinh hoạt động trải nghiệm khác nhau.

Hiện hoạt động trải nghiệm hầu hết là phụ huynh góp tiền, tổ chức theo kiểu cho học sinh đi du lịch. Cách tổ chức này, theo đại biểu có những bất cập, không phải phụ huynh học sinh nào cũng có đủ kinh phí cho con em mình tham gia các khóa trải nghiệm như vậy.

Trải nghiệm thực tế là chương trình bắt buộc trong nhà trường, tất cả học sinh phải tham gia, khác với hoạt động ngoại khóa thông thường là học sinh có thể tham gia hoặc không.

Việc cho học sinh đi trải nghiệm ở xa đòi hỏi công tác tổ chức không đơn giản, trong đó có yếu tố năng lực của các công ty, đơn vị tổ chức sự kiện mà nhà trường ký hợp đồng.

Theo đại biểu, hoạt động trải nghiệm không phải là "cái gì đao to, búa lớn", mà có thể tổ chức cho học sinh hoạt động trải nghiệm rất giản dị, không tốn kém, như trải nghiệm thực tế trên đồng ruộng để các em phân biệt được các loại cây, cỏ, đồng thời cảm nhận sự vất vả của người nông dân. Hoặc một số trường có câu lạc bộ làm bánh dân gian, hướng dẫn học sinh làm việc nhà...

"Hoạt động trải nghiệm cần gắn với môi trường xung quanh, gắn với địa phương, cuộc sống của các em sẽ tốt hơn", đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga chia sẻ.

Định giá sách giáo khoa phải tính đến mặt bằng chung

Giá sách giáo khoa có tác động lớn đến đời sống xã hội, đặc biệt đối với vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn. Vì vậy, dự thảo Luật Giá (sửa đổi) được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 5 đã bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá. Đây là một trong những vấn đề đang nhận được sự quan tâm của nhiều cử tri, phụ huynh học sinh trong cả nước và là một trong những nội dung được các đại biểu Quốc hội quan tâm.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, nên đưa sách giáo khoa vào mặt hàng nhà nước quản lý giá. Thời gian qua có rất nhiều ý kiến xung quanh về việc giá sách giáo khoa, thậm chí dư luận cho rằng, giá sách giáo khoa, đặc biệt là những bộ sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới có giá quá cao. Do đó, để quản lý giá, tránh đẩy giá sách giáo khoa lên cao quá, cần thiết đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa do nhà nước quản lý giá, tức là có một khung giá nhất định.

Chia sẻ quan điểm về việc, các nhà xuất bản lý giải giá sách cao là do in sách bằng giấy chất lượng tốt, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, việc lựa chọn chất lượng giấy in để quyết định giá sách không nên chỉ tính đến làm sao sách đẹp nhất, mà điều quan trọng hơn là phải tính đến mặt bằng chung cuộc sống.

"Cũng như trong gia đình, nếu thu nhập có hạn, khi mua sắm đồ dùng phải tính toán hợp túi tiền thay vì mua những thứ có giá trị cao. Sách giáo khoa cũng vậy", đại biểu đặt vấn đề.

Xem xét việc quản lý giá sách giáo khoa ở một hướng tiếp cận khác, theo đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam), việc định giá sách giáo khoa phải thực hiện trên nguyên tắc tính đúng, tính đủ, phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Theo đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ mua sách cho những nhóm đối tượng cụ thể, thay vì áp giá sách theo hướng đại trà.

Đại biểu Tạ Văn Hạ thể hiện sự ủng hộ với phương án của Bộ Giáo dục và Đào tạo khi Nhà nước hỗ trợ tiếp cận sách giáo khoa cho các nhóm học sinh khó khăn, yếu thế bằng cách trích ngân sách mua sách giáo khoa đưa vào thư viện trường học cho học sinh mượn, luân chuyển cho nhau.

Nêu quan điểm về những lo ngại của dư luận nếu không ấn định một khung giá sách giáo khoa sẽ khiến giá sách tăng cao, đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng, nếu áp dụng việc bán sách giáo khoa theo đúng cơ chế thị trường, việc nhà xuất bản định giá sách quá cao sẽ dẫn đến tình trạng thừa ế, gây thiệt hại cho chính nhà xuất bản.

Tuy nhiên, để thực hiện việc bán sách giáo khoa theo cơ chế thị trường, đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng cần có lộ trình, với các bước thực hiện thận trọng./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất