Thứ Sáu, 22/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Tư, 28/8/2024 13:36'(GMT+7)

Chủ tịch Thượng viện Australia dự Diễn đàn Việt Nam - Australia lần thứ hai

Diễn đàn Việt Nam – Australia lần thứ hai với chủ đề: “Tăng cường kết nối kinh tế - Chia sẻ tầm nhìn thịnh vượng”. (Ảnh: TTXVN)

Diễn đàn Việt Nam – Australia lần thứ hai với chủ đề: “Tăng cường kết nối kinh tế - Chia sẻ tầm nhìn thịnh vượng”. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch Thượng viện Australia Sue Lines và GS. TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Phó Chủ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cùng trên 600 đại biểu dự Diễn đàn.

Phát biểu tại Diễn đàn, GS. TS. Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, sự kiện mang nhiều ý nghĩa, diễn ra sau khi Việt Nam và Australia nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, mở ra bước ngoặt mới, đưa Australia và Việt Nam trở thành một trong những đối tác quan trọng nhất của nhau.

Tại Diễn đàn này, GS. TS. Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh ba câu chuyện về sự thay đổi mang nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc mà hai nước Việt Nam và Australia đã cùng nhau viết nên trong suốt 50 năm qua, nhất là kể từ khi Việt Nam bước vào công cuộc đổi mới đất nước.

Chủ tịch Thượng viện Australia Sue Lines và GS. TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương dự Diễn đàn. (Ảnh: TTXVN)

Thứ nhất, câu chuyện về “đối tác đầu tiên”. Australia là nước công nghiệp phát triển đầu tiên chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam ngay sau khi Hiệp định hòa bình Paris được ký kết. Đó là sự khởi đầu mang tính lịch sử, đặt nền móng cho nhiều sự khởi đầu khác.

Australia là nhà đầu tư nước ngoài đầu tiên vào Việt Nam sau khi luật đầu tư trực tiếp nước ngoài được ban hành. Công ty viễn thông Australia (nay là Telstra) đã hỗ trợ tuyến cáp ngầm dưới biển đầu tiên để thực hiện cuộc gọi quốc tế trực tiếp đầu tiên từ Việt Nam. ANZ là ngân hàng quốc tế đầu tiên vào Việt Nam và cũng là ngân hàng đầu tiên đã giới thiệu máy ATM ở Việt Nam. RMIT là trường đại học nước ngoài đầu tiên ở Việt Nam được thành lập. Phillips Fox (nay là Allens) là văn phòng luật nước ngoài đầu tiên đặt tại Việt Nam...

Các chuyên gia Australia đã hỗ trợ Việt Nam về tư vấn thiết kế đường dây siêu cao áp 500kV Bắc Nam đầu tiên, là hệ thống hạ tầng năng lượng thiết yếu trong thập niên đầu đổi mới. Nguồn vốn ODA của Australia đã góp phần giúp Việt Nam xây dựng nên cây cầu Mỹ Thuận, cây cầu dây văng đầu tiên bắc qua sông Tiền, mở đường, kết nối, lan tỏa, tạo động lực cho sự phát triển của đồng bằng sông Cửu Long.

Tiếp nối những khởi đầu tốt đẹp đó, Việt Nam hiện đã thiết lập quan hệ ngoại giao với tất cả các nước thành viên Liên hợp quốc; có quan hệ thương mại với 230 thị trường nước ngoài và có FTA với 60 nền kinh tế. Việt Nam đã trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài; đã phát triển một hệ thống viễn thông và năng lượng không ngừng được hiện đại hoá. Mỗi năm có hơn 130.000 thanh, thiếu niên Việt Nam ra nước ngoài học tập và Australia là một trong những điểm đến đầu tiên được lựa chọn.

Tại đồng bằng sông Cửu Long, những cây cầu dây văng mới tiếp tục được khánh thành, nhưng do kỹ sư, công nhân Việt Nam thiết kế, thi công, kết nối miền Tây sông nước với TP. Hồ Chí Minh và cả nước, để từng bước thực hiện giấc mơ hóa Rồng. Hiện nay, Việt Nam đã đưa Trung tâm Việt - Úc, một sáng kiến do hai Thủ tướng Việt Nam và Australia đề xuất đi vào hoạt động hiệu quả, để tiếp tục xây dựng nên một cây cầu kết nối tri thức và giao lưu nhân dân giữa hai nước...

Thứ hai, câu chuyện về “hai quốc gia đồng hành”. Việc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện đã đưa quan hệ Việt Nam và Australia bước sang một chương mới, với sự hợp tác ngày càng thực chất, hiệu quả, toàn diện, bền vững hơn trên các lĩnh vực, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích thiết thực của nhân dân hai nước.

Đó là mô hình kiểu mẫu của hợp tác giữa hai nước đang ngày càng có vai trò, vị thế lớn hơn ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, nhằm thúc đẩy lợi ích chiến lược, tự chủ chiến lược thông qua hợp tác cả trên bình diện song phương và đa phương. Từ những nền kinh tế thâm dụng tài nguyên, hiện nay cả Australia và Việt Nam đều cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 và nỗ lực triển khai những chiến lược chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng.

Chú thích ảnh
GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu khai mạc Diễn đàn. (Ảnh: TTXVN)

"Đây là nền tảng cho sự đồng hành và hợp tác chặt chẽ hơn trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, môi trường, năng lượng và tài nguyên; trở thành một trụ cột mới, điểm sáng nổi bật và là động lực quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước", GS. TS. Nguyễn Xuân Thắng cho biết.

Là những thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam và Australia đều đề cao văn hóa đối thoại và hợp tác, xây dựng lòng tin và ngăn ngừa xung đột; coi trọng vai trò của luật pháp quốc tế và chủ nghĩa đa phương trong đối phó với những thách thức chung; bảo vệ người dân và tiếp cận bao trùm không để ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển; phản đối những hành động cường quyền và mong muốn giải quyết hoà bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Cả hai nước đều chia sẻ lợi ích duy trì hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông; phát huy vai trò trung tâm và cầu nối quan trọng của ASEAN trong việc tạo lập mạng lưới đối thoại và hợp tác rộng mở, xây dựng một khu vực hòa bình, ổn định, tự cường và thịnh vượng.

Trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều thay đổi, biến động phức tạp, đa chiều, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng mong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Australia không chỉ mang tầm vóc song phương thông thường, mà cần trở thành "câu chuyện thành công", một hình mẫu để lan tỏa thông điệp về khôi phục, tăng cường lòng tin chiến lược, sự chân thành và tôn trọng lẫn nhau trong quan hệ quốc tế, đóng góp tích cực vào vì hòa bình, ổn định, dân chủ, hợp tác, phát triển bao trùm và bền vững.

GS. TS. Nguyễn Xuân Thắng nêu nội dung thứ 3 là câu chuyện về “hai người bạn thân thiết”. Cụ thể, thời gian qua, Việt Nam và Australia đã triển khai hiệu quả Chương trình Hành động 2020 - 2023 và Chương trình hợp tác kinh tế tăng cường tới năm 2025, đưa hợp tác thương mại, đầu tư từng bước trở thành điểm sáng trong quan hệ hai nước. Cả Việt Nam và Australia đều nằm trong top 10 đối tác thương mại lớn của nhau. Thương mại hai chiều năm 2023 đạt 13,8 tỷ USD, tăng gấp đôi so với 10 năm trước. Hai nước đã thiết lập mối quan hệ hợp tác ngày càng chặt chẽ, nhất là trong lĩnh vực sản xuất các mặt hàng chiến lược. Australia tiếp tục là một trong những đối tác cung cấp ODA hàng đầu của Việt Nam. Australia cũng luôn nằm trong nhóm 15 thị trường là điểm đến hàng đầu của khách du lịch Việt Nam.

Cộng đồng người Việt Nam hiện nay lên tới khoảng 350.000 người, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế xã hội của Australia và trở thành cầu nối hữu nghị quan trọng, góp phần tăng cường hiểu biết lẫn nhau về văn hóa, xã hội và hợp tác kinh tế giữa hai nước.

Hợp tác khoa học, công nghệ được quan tâm và đang trở thành điểm sáng nổi bật giữa hai nước. Ngày càng có nhiều sáng kiến hợp tác khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giữa các doanh nghiệp, trường đại học và tổ chức nghiên cứu của Việt Nam và Australia, đem lại lợi ích chung và thúc đẩy sự đa dạng, hòa nhập và bình đẳng giới cùng các lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng… trở thành ưu tiên cao và động lực mang ý nghĩa chiến lược của quan hệ hai nước.

Chủ tịch Thượng viện Australia Sue Lines với các đại biểu dự Diễn đàn. (Ảnh: TTXVN)

"Chúng tôi đánh giá cao việc Chính phủ Australia đang hết sức coi trọng phát triển quan hệ với khu vực Đông Nam Á, coi trọng vị thế và vai trò trung tâm của ASEAN nói chung và của Việt Nam nói riêng. Điều này được thể hiện rõ ràng trong Chiến lược Kinh tế Đông Nam Á 2040 với nhiều biện pháp và khuyến nghị cụ thể nhằm thúc đẩy trao đổi đầu tư và thương mại của Australia với ASEAN, trong đó có Việt Nam", GS. TS. Nguyễn Xuân Thắng cho biết.

Đồng thời, mong muốn, Australia sẽ trở lại là nhà đầu tư nước ngoài thuộc top đầu ở Việt Nam trong những năm tới. Là hai người bạn thân thiết của nhau, Australia sẽ tiếp tục đồng hành với Việt Nam trong việc tận dụng những cơ hội phát triển mới; hợp tác thúc đẩy những lĩnh vực tiên phong như trí tuệ nhân tạo, công nghệ tài chính, nông nghiệp công nghệ cao; đào tạo nguồn nhân lực cho các ngành công nghệ cao, quản lý bậc cao; đẩy nhanh các quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng; tiếp tục mở ra những trang mới trong quan hệ giữa hai nước.

GS. TS. Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam - Australia là thành quả xứng đáng của những nỗ lực to lớn trong chặng đường 50 năm qua, phù hợp với nhu cầu, lợi ích và nguyện vọng chung của hai nước. Từ chỗ là đối tác đầu tiên, cho đến hai quốc gia đồng hành và là hai người bạn thân thiết, Việt Nam và Australia đang cùng viết nên một “câu chuyện mới” ấn tượng, sâu sắc và điển hình về tình hữu nghị, được dệt kết nên từ sự chân thành, tin tưởng, thiện chí, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau cũng như từ tầm nhìn chung và niềm tin về một khu vực Đông Á – Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương ổn định, hoà bình và thịnh vượng.

Vì vậy, diễn đàn là dịp làm sâu sắc hơn ý nghĩa của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Australia; nhìn lại 40 năm thực hiện công cuộc Đổi mới ở Việt Nam làm nền tảng cho việc đề ra những định hướng tiếp tục thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Australia trong thời gian tới; hiện thực hoá tầm nhìn phát triển của hai nước; đóng góp tích cực cho hoà bình, hợp tác, phát triển của khu vực và thế giới./.

TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất