Tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên
trách, sáng 28/8, các đại biểu Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phòng
cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng
Tháp) đánh giá cao tinh thần của Ban soạn thảo đã tiếp thu ý kiến đóng
góp của các đại biểu Quốc hội và cho rằng dự thảo Luật được xây dựng rất
cụ thể, chi tiết. Tuy nhiên, theo đại biểu, Điều 58 quy định về xử lý
cơ sở, công trình không đảm bảo về phòng cháy, chữa cháy đã rất chặt chẽ
nhưng lại giao quyền và trách nhiệm cho Hội đồng nhân dân là chưa hợp
lý. HĐND chỉ quản lý về đầu mục các danh mục, những quy định cụ thể nên
giao cho UBND cấp tỉnh thì sẽ phù hợp hơn. Về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc,
đại biểu Phạm Văn Hòa nêu ý kiến, quy định các cơ sở phải mua bảo hiểm
bắt buộc là đúng nhưng phải cụ thể là những loại cơ sở nào, để việc
triển khai thực hiện được thuận lợi.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh) cho rằng, Khoản 2 quy định
điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở kinh doanh hàng
hóa nguy hiểm về cháy, nổ. Tuy nhiên Luật chưa quy định khái niệm hàng
hóa nguy hiểm về cháy nổ; bên cạnh đó trong thực tế số lượng nhà ở kết
hợp kinh doanh rất lớn, nếu không xác định rõ thì sẽ khó xác định nhà
nào là kinh doanh hay không kinh doanh hàng hóa nguy hiểm về cháy nổ sẽ
tác động ảnh hưởng đến nhiều tối tượng. Đại biểu đề nghị, cần bổ sung
khái niệm hàng hóa nguy hiểm cháy nổ và giao Chính phủ quy định danh mục
hàng hóa nguy hiểm về cháy nổ.
Quy định "Chủ đầu tư công trình, chủ phương tiện giao thông chịu
trách nhiệm trước pháp luật về kết quả nghiệm thu phòng cháy và chữa
cháy đối với công trình, hạng mục công trình, phương tiện giao thông".
Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, chủ đầu tư thường không có
chuyên môn về tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng cháy, chữa cháy nên rất khó
thực hiện; do đó nên quy định chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức nghiệm
thu, thuê các đơn vị có năng lực thẩm tra thực hiện nghiệm thu về phòng
cháy, chữa cháy.
Đại biểu Tô Ái Vang (Sóc Trăng) nhấn mạnh, thời gian qua xảy ra nhiều
vụ cháy ở các chung cư cao tầng, một trong những nguyên nhân chính là
vi phạm các quy định phòng cháy, chữa cháy. Theo đại biểu, những quy
định trong thiết kế các tòa nhà phải đảm bảo các quy chuẩn liên quan đến
phòng cháy, chữa cháy nhưng đa số các chủ đầu tư đều không tuân thủ đầu
đủ nguyên tắc này khiến người dân không thể thoát được ra ngoài khi hỏa
hoạn xảy ra.
Đại biểu tỉnh Sóc Trăng cũng cho biết, việc quản lý lỏng lẻo tại các
công trình nhà cao tần cũng là nguyên nhân xảy ra hỏa hoạn. Tại một số
chung cư hiện đang xảy ra tình trạng người dân chiếm lối vào cầu thang
làm nơi bán hàng, tận dụng mặt tiền toàn nhà để lắp biển quảng cáo, các
ban công tại các căn hộ đều bị bịt kín để sử dụng… các thiết bị phòng
cháy, chữa cháy như họng nước, bình chữa cháy tại nhiều nơi đã hỏng,
không thể sử dụng khi hỏa hoạn xảy ra.
Trước tình trạng này, đại biểu Tô Ái Vang đề nghị Chính phủ sớm điều
chỉnh quy chuẩn phù hợp với điều kiện hiện nay; đặc biệt cần tăng cường
trang bị những thiết bị hiện đại phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy,
sử dụng robot trong việc chữa cháy, đảm bảo hiệu quả khi lực lượng chức
năng thi hành nhiệm vụ. Đồng thời, tăng chế tài với những công trình vi
phạm, nhất là trong khẩu thẩm tra và xử lý các công trình vi phạm.
Bên cạnh đó, theo đại biểu tỉnh Sóc Trăng, lực lượng phòng cháy, chữa
cháy và cứu nạn, cứu hộ thường xuyên phải đối mặt với nguy hiểm, ảnh
hưởng trực tiếp đến tinh thần, sức khỏe nên cần được hưởng các chế độ ưu
đãi phù hợp. Đại biểu Vang đề nghị dự thảo cần bổ sung thêm những quy
định liên quan đến quyền lợi của lực lượng này.
Nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội cho
rằng, thời gian qua, các vụ tai nạn cháy nổ xảy ra ngày càng nhiều, gây
hậu quả nghiêm trọng trong thời gian qua. Nguyên tắc quy định trong luật
này lấy phòng ngừa là chính, hạn chế thấp nhất sự cố cháy nổ; khi có
tình huống xảy ra, yêu cầu công tác cứu nạn, cứu hộ phải nhanh chóng,
hiệu quả.
Theo các đại biểu, phương tiện, thiết bị chuyên dụng phục vụ phòng
cháy, chữa cháy và cứu hộ cứu nạn hiện nay còn thiếu, lạc hậu, kém chất
lượng, chưa đảm ứng yêu cầu nhiệm vụ cũng như tình hình thực tiễn. Các
đại biểu cho rằng, Nhà nước cần có ngay biện pháp phù hợp để giải quyết
nhanh nhất những tồn tại nêu trên; có ưu tiên thỏa đáng về nguồn lực tài
chính để mua sắm, trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ
cứu nạn tiên tiến, đảm bảo đạt hiệu quả cao nhất để cứu người, cứu tài
sản, dập đám cháy nhanh nhất, kể cả máy bay để thực hiện.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương
đánh giá cao nỗ lực của cơ quan chủ trì thẩm tra và soạn thảo; đến nay
dự thảo đã được sự thống nhất cao của các cơ quan, các đại biểu Quốc hội
cơ bản nhất trí và tham gia nhiều vấn đề cụ thể tại các chương trình
làm việc. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng cần rà soát
phạm vi của Luật để đảm bảo tính phổ quát của Luật chứ không cá biệt hóa
các quy định cụ thể, phù hợp với sự phát triển trên tinh thần chỉ đạo
của Ban Bí thư…
Sau phiên họp này, Ủy ban Quốc phòng An ninh phối hợp với cơ quan chủ
trì, soạn thảo hỗ trợ cho Chính phủ cũng như Ủy ban Thường vụ Quốc hội
tiếp thu đầy đủ để hoàn chỉnh dự thảo luật để trình Quốc hội xem xét,
thông qua tại Kỳ họp thứ 8./.
TTXVN