Khuyến nghị về các chỉ tiêu kinh tế-xã hội mà Quốc hội giao cho Chính
phủ, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng cần quan tâm, chú trọng
hơn đến các chỉ tiêu về các vấn đề xã hội.
Sáng 26/10, tiếp tục Kỳ họp thứ 6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về
kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018 và ba năm thực hiện kế hoạch
2016-2020; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2019.
Quốc hội cũng đánh giá sơ kết ba năm thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền
kinh tế 5 năm giai đoạn 2016-2020; kết quả ba năm thực hiện các chính
sách hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi;
việc thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư
các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.
THỰC HIỆN THÀNH CÔNG NHIỀU CHỈ TIÊU KINH TẾ-XÃ HỘI
Nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao những điều hành, quản lý kinh tế-xã
hội của Chính phủ trong thời gian qua, giúp đất nước vượt qua nhiều khó
khăn, thách thức trong đầu nhiệm kỳ; đạt được nhiều kết quả tích cực,
tăng cường niềm tin trong nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong nước
và quốc tế.
Theo đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An), kinh tế-xã hội năm 2018 đã đạt
nhiều thắng lợi, đánh dấu bước phát triển vượt bậc trong sự điều hành
vững chắc, sát sao, quyết liệt của Chính phủ từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
Đây là năm thứ hai liên tiếp chúng ta đạt được hầu hết tất cả các chỉ
tiêu về kinh tế-xã hội, trong đó có hơn 2/3 các chỉ tiêu vượt kế hoạch
đề ra.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An Nguyễn Hữu Cầu phát biểu. (Ảnh: TTXVN)
Nhìn lại những ngày đầu nhiệm kỳ với bề bộn khó khăn, thách thức của
nhiều năm trước tích tụ lại: nợ công cao, dư địa tài khóa tiền tệ trong
nước cạn kiệt, biến đổi khí hậu, thiên tai thường xuyên, tâm trạng xã
hội bất an, lòng tin của nhân dân có phần suy giảm. Trong khi đó, nhu
cầu nguồn lực cho đầu tư phát triển cũng như đảm bảo an sinh xã hội,
quốc phòng an ninh của đất nước đòi hỏi rất lớn.
"Tại thời điểm đó, tôi cùng nhiều đại biểu Quốc hội hết sức lo lắng,
không biết Chính phủ có nhanh chóng vượt qua được những thách thức đó
không. Bây giờ đứng trên thành công nhìn lại, chúng tôi quả thực khâm
phục với những bước phát triển ngoạn mục của nửa đầu nhiệm kỳ vừa qua...
Những thành tựu đó là sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, mà
trước hết là vai trò lãnh đạo Trung ương, sự điều hành quyết liệt, sáng
tạo của Chính phủ, sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp và cử tri cả
nước vui mừng phấn khởi", đại biểu Nguyễn Hữu Cầu nói.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cũng đưa ra các băn khoăn, lo lắng
của cử tri về tình trạng nhiều dự án điều chỉnh tăng vốn đầu tư, kéo dài
thời gian hoàn thiện trong thời gian qua khiến thất thoát lớn nguồn lực
nhà nước, gây bức xúc dư luận.
"Đầu nhiệm kỳ, nhiều đại biểu Quốc hội lên tiếng phản ứng gay gắt vì 12
dự án thua lỗ hàng nghìn tỷ do Bộ Công Thương quản lý, thì đến bây giờ
lại phát sinh thêm các dự án do Bộ Giao thông Vận tải quản lý", đại biểu
Nguyễn Hữu Cầu phản ánh và đưa ra một số ví dụ như dự án đường cao tốc Đà
Nẵng-Quảng Ngãi hơn 34.000 tỷ vừa nghiệm thu, thông xe, chỉ sau vài trận
mưa là hỏng. Dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông điều chỉnh mức đầu
tư so với ban đầu tăng 205,27%; dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng vào
năm 2013, nay đã quá sáu năm chưa kết thúc. Dự án đường sắt đô thị tuyến
Bến Thành-Suối Tiên do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đầu tư với
tổng mức đầu tư ban đầu là hơn 17 tỷ đồng, đã điều chỉnh tăng thêm là
hơn 47 tỷ đồng (tăng 272%); dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng vào cuối
năm 2018 này nhưng đến nay mới hoàn thành 52% khối lượng công việc...
"Cứ tình trạng điều chỉnh tăng thêm thế này, cứ kéo dài thời gian thế
này thất thoát lãng phí là nhiều vô kể. Cử tri đòi hỏi Chính phủ, Quốc
hội cần xử lý xử lý nghiêm những sai phạm này", Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu
nói.
Cũng tại hội trường, nhiều đại biểu đã đánh giá thực trạng và kiến nghị
các giải pháp về phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới. Bên cạnh
những thành tựu đạt được, một số đại biểu "chưa thật sự an tâm, còn cảm
thấy lo lắng" trước nhiều khó khăn thách thức đã và đang đặt ra trong
thời gian tới như chất lượng tăng trưởng tích cực, cải thiện nền kinh tế
dựa vào vốn tài nguyên sức lao động, đầu tư nước ngoài; công nghiệp chủ
yếu là quan hệ gia công sản xuất; nông nghiệp chưa phát huy lợi thế của
nền nông nghiệp nhiệt đới; nền nông nghiệp còn chịu nhiều rủi ro về thị
trường dễ bị tổn thương; nền kinh tế dựa vào khai thác tài nguyên thô,
lao động giá rẻ, chế biến thô là phổ biến, trong khi cuộc cách mạng công
nghiệp lần thứ tư chưa thật sự lan tỏa trong nền kinh tế.
Theo nhiều đại biểu, những hạn chế đó không chỉ mất lợi thế của đất nước
mà còn đang hình thành những yếu tố bất lợi trong điều kiện hội nhập
kinh tế thế giới và trước cuộc cạnh tranh thương mại, bảo hộ mậu dịch
diễn biến khó lường.
NGUỒN VỐN ĐẾN VỚI DOANH NGHIỆP CÒN CHẬM TRỄ
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đánh giá kết
quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội thời gian qua là thành
công và khá toàn diện. Tuy nhiên, tất cả mọi lĩnh vực đều có những vấn
đề, những khía cạnh chưa ổn, chưa an tâm hoặc chưa thực sự hiệu quả.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí chỉ ra, về đầu tư của FDI, chúng ta thấy rất rõ
chuyển giao công nghệ chưa đạt được yêu cầu như mong muốn. "Như trong
lĩnh vực y tế, các công nghệ mà để lại 3 năm, 5 năm, 10 năm không còn
giá trị gì nữa, vì người ta không dùng công nghệ này nữa rồi, đồng thời
lại tốn năng lượng, nguy cơ gây ô nhiễm... Tôi cũng rất vui vì Thủ tướng
đã nói rằng không phải chúng ta bằng mọi giá phải lấy cho được FDI. Cá
nhân tôi nghĩ, bây giờ có FDI ngay trong nhân dân. Vấn đề là làm sao có
được cơ chế thì sẽ có nguồn vốn từ người dân thôi", đại biểu Nguyễn Anh Trí nói.
Theo đại biểu Bùi Ngọc Phương (Quảng Bình), qua giám sát, việc sử dụng
nguồn vốn vay nước ngoài FDI, nhiều doanh nghiệp phản ánh hầu hết các dự
án đều mất rất nhiều thời gian chờ đợi vốn vì phải qua nhiều trung
gian, phải qua nhiều bộ để có vốn dự án.
"Trong bộ thì có nhiều cục, trong cục thì có vụ, trong vụ thì có các
phòng, ban và cá nhân phụ trách. Với quá trình quá nhiều tầng nấc như
vậy, nên nguồn vốn được đến với doanh nghiệp rất chậm trễ. Thậm chí có
những dự án điều chỉnh một vấn đề nhỏ nhưng phải mất hàng năm mới thực
hiện được", đại biểu Bùi Ngọc Phương nói, từ đó đề nghị Chính phủ tiếp tục quyết
liệt chỉ đạo cải cách hành chính, cắt giảm các điều kiện, thủ tục kinh
doanh, phân cấp trong một số lĩnh vực để tạo điều kiện cho các địa
phương, doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư một cách nhanh chóng,
nhất là việc phân bổ nguồn vốn.
CHÚ TRỌNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ, NHƯNG CẦN QUAN TÂM HƠN ĐẾN CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI
Khuyến nghị về các chỉ tiêu kinh tế-xã hội mà Quốc hội giao cho Chính
phủ, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng cần quan tâm, chú trọng
hơn đến các chỉ tiêu về các vấn đề xã hội.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí nói: "Trong các chỉ tiêu Quốc hội giao cho Chính
phủ, và các chi tiêu của Chính phủ giao cho các bộ, ngành, tôi đề nghị
cần phải bổ sung thêm một số chỉ tiêu nữa vì nó rất cần thiết. Đó chỉ
tiêu về biển, về du lịch, về giáo dục-đào tạo. Còn các chỉ tiêu của
Chính phủ giao cho Bộ Y tế, có lẽ phải điều chỉnh, phải thêm các chỉ
tiêu về sản khoa, trẻ em, các chỉ tiêu về dịch bệnh, số vụ, số người bị
bệnh không lây nhiễm, bệnh bẩm sinh, bệnh di truyền...".
Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình Bùi Ngọc Phương phát biểu. (Ảnh: TTXVN)
Ngoài phát triển kinh tế, đại biểu Bùi Ngọc Phương (Quảng Bình) đề nghị
Chính phủ cần phải tiếp tục tích cực chỉ đạo tăng cường hơn nữa vấn đề
phòng, chống tội phạm. Theo đại biểu, thời gian qua tình trạng giết
người tàn độc diễn ra ở nhiều nơi, nạn cờ bạc, số đề, cho vay nặng lãi
làm phát sinh tín dụng đen, các băng, nhóm đâm thuê, chém mướn, đòi nợ
thuê làm nhiều gia đình khốn đốn; bạo lực còn tràn vào nhà trường, bệnh
viện... Thực trạng trên đã khiến xã hội phát sinh nhiều tiêu cực, bất
an, xuất hiện tình trạng "người ngay sợ kẻ gian".
Bên cạnh đó, đại biểu Phương đề nghị Chính phủ tập trung quyết liệt hơn
nữa khắc phục tình trạng buôn lậu, hàng nhái, hàng giả, trốn thuế, gian
lận thương mại. "Tôi đưa ra ví dụ: pháo nổ thì đến Tết là nổ râm ran.
Nếu như các hàng lậu mà nổ như pháo thì phải nói rằng xã hội có nhiều
điều bức xúc", đại biểu Bùi Ngọc Phương nói.
Cũng tại hội trường, nhiều đại biểu kiến nghị về thực trạng và giải pháp
giảm nghèo bền vững cho các vùng nông thôn, vùng cao, vùng dân tộc
thiểu số; các vấn đề về tăng tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội; nâng cao chất
lượng y tế, giáo dục-đào tạo.../.
(TTXVN)