Một số đại biểu cho rằng phạm vi áp dụng trong dự án Luật Phòng, chống
tham nhũng (sửa đổi) này quá rộng nhưng lại chưa đề cập đến những doanh
nghiệp “sân sau”.
Đây là ý kiến được đưa ra trong phiên họp lấy ý kiến đại biểu Quốc hội
cho dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) do Ủy viên Ủy ban
Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga
trình bày tại Quốc hội sáng ngày 25/10 tại Hà Nội.
CHỐNG THAM NHŨNG KHÔNG CHỈ Ở KHU VỰC NHÀ NƯỚC
Nhiều ý kiến đại biểu tán thành với dự thảo Luật về mở rộng phạm vi áp
dụng một số biện pháp phòng chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước.
Một số ý kiến không tán thành với việc mở rộng này.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, Uỷ ban Thường
vụ Quốc hội nhận thấy, việc mở rộng phạm vi áp dụng một số biện pháp
phòng chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước trong giai đoạn hiện
nay là cần thiết, vì trên thực tế, tình hình tham nhũng khu vực ngoài
nhà nước đã và đang làm ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động sản xuất, kinh
doanh của doanh nghiệp, hoạt động bình thường của các cơ quan nhà nước
và hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng.
Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khu vực ngoài nhà nước phù hợp với
quan điểm chỉ đạo tại Kết luận số 10-KL/TW ngày 26/12/2016 của Bộ Chính
trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khoá X về tăng
cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng,
lãng phí; đồng bộ với Bộ luật Hình sự đã mở rộng quy định xử lý đối với
một số tội phạm về tham nhũng trong mọi tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà
nước; phù hợp với yêu cầu của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng
mà Việt Nam là thành viên.
Bà Lê Thị Nga cho hay, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho
chỉnh lý theo hướng áp dụng các biện pháp phòng chống tham nhũng áp dụng
đối với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, tổ chức xã hội vì đây là
các doanh nghiệp, tổ chức có huy động vốn đóng góp của nhiều cổ đông,
ảnh hưởng lớn đến sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế hoặc có huy
động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện.
“Để việc thanh tra công tác phòng chống tham nhũng không gây ảnh hưởng
đến hoạt động bình thường của doanh nghiệp, tiếp thu ý kiến đại biểu
quốc hội, dự thảo luật được chỉnh lý theo hướng: Bổ sung căn cứ ‘khi có
dấu hiệu rõ ràng về việc vi phạm…’ mới tiến hành thanh tra; trình tự,
thủ được thực hiện theo pháp luật về thanh tra”, bà Lê Thị Nga nhấn
mạnh.
Bên cạnh đó, để tránh việc một doanh nghiệp, tổ chức xã hội bị thanh tra
nhiều lần bởi nhiều cơ quan thanh tra khác nhau về cùng một nội dung,
dự thảo Luật cũng đã giao cho Tổng Thanh tra Chính phủ hướng dẫn xử lý
chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra.
CHƯA ĐỀ CẬP ĐẾN DOANH NGHIỆP "SÂN SAU"
Đồng tình việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật, nhưng đại biểu Hoàng
Văn Cường, Đoàn đại biểu thành phố Hà Nội không đồng tinh mở rộng với
đối tượng doanh nghiệp tư như dự thảo vì doanh nghiệp đại chúng hiện nay
có rất đông cổ đông kiểm soát nên khó có hành vi tham nhũng. Tuy nhiên,
đối tượng doanh nghiệp khu vực tư đang tiếp tay cho tham nhũng ở khu
vực công thường là doanh nghiệp “sân sau”.
Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Hoàng Văn Cường phát biểu ý kiến. (Ảnh: TTXVN)
“Đấy là đối tượng chính mà luật cần kiểm soát, nhưng trong dự thảo luật
không đề cập đến. Tôi đề nghị quy định đối tượng cần kiểm soát là doanh
nghiệp tư mà có quan hệ kinh tế như cung cấp, mua bán tài sản, cung cấp
dịch vụ cho khu vực công thì phải thực hiện kiểm soát tham nhũng bằng
hình thức kiểm toán, công khai tài chính ba năm: năm trước, năm nảy sinh
quan hệ mua bán, năm sau, như kiểm soát doanh nghiệp nhà nước”, ông
Hoàng Văn Cường nói.
Dẫn chứng thế giới kiểm toán dòng tiền là theo đầu đến cuối chứ không
chỉ dừng ở hoá đơn chứng từ của doanh nghiệp, ông Hoàng Văn Cường đề
nghị phải kiểm toán “truy” đến cùng đồng tiền đảm bảo có đúng vật tư,
nguyên liệu, hàng hoá cung cấp có đúng không... chứ không căn cứ chỉ
trên chứng từ.
Đánh giá cao ý kiến của đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông
Chu Lưu cũng đã đề nghị Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội tiếp thu ý kiến để
giải trình lý do chưa đề cập đến doanh nghiệp sân sau khi mở rộng phạm
vi áp dụng một số biện pháp phòng chống tham nhũng với Quốc hội./.
(Vietnam+)