Nghị quyết của Đảng yêu cầu đẩy mạnh công tác thu hồi tài sản trong
phòng, chống tham nhũng, nâng cao tính gương mẫu của cán bộ, công chức,
người có chức vụ, quyền hạn trong minh bạch tài sản, thu nhập.
Sáng 25/10, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV tiếp tục thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi.
Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi đã được thảo luận và cho ý
kiến tại Kỳ họp thứ tư và Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV.
Ngay sau kỳ họp thứ năm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường
trực Ủy ban Tư pháp phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì soạn thảo và
các cơ quan hữu quan nghiên cứu đầy đủ ý kiến của các vị Đại biểu Quốc
hội để tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội xem
xét thông qua.
Hầu hết nội dung dự thảo Luật đã được thống nhất, riêng quy định về xử
lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn
gốc, vẫn còn nhiều phương án và ý kiến khác nhau như giải quyết tại tòa
án; thu thuế thu nhập cá nhân và xử phạt hành chính...
Hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về ưu, nhược điểm của từng phương
án, cũng như các cơ sở pháp lý và thực tiễn để triển khai hiệu quả khi
đưa vào Luật.
Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV lần này, bản Dự thảo mới nhất Luật
Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) trình 2 phương án xử lý tài sản, thu
nhập tăng thêm mà không giải trình được nguồn gốc hợp lý là xem xét giải
quyết tại tòa án và phương án đánh thuế.
Các đại biểu sẽ thảo luận, cho ý kiến để thống nhất phương án cuối cùng
được quy định trong Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).
Trình bày báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng,
chống tham nhũng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị
Nga cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, đối với tài sản do
phạm tội, vi phạm pháp luật mà có, thì Bộ luật Hình sự, Luật Xử lý vi
phạm hành chính đã quy định rất cụ thể các biện pháp tịch thu sung công
hoặc trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp.
Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành và dự thảo Luật cũng đã quy định
tịch thu đối với tài sản do tham nhũng mà có. Riêng đối với tài sản, thu
nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về
nguồn gốc thì đến nay, pháp luật chưa có quy định để xử lý, trong khi đó
không loại trừ tài sản, thu nhập này có nguồn gốc bất hợp pháp.
Nghị quyết của Đảng yêu cầu đẩy mạnh công tác thu hồi tài sản trong
phòng, chống tham nhũng, nâng cao tính gương mẫu của cán bộ, công chức,
người có chức vụ, quyền hạn trong minh bạch tài sản, thu nhập.
Thực tiễn xử lý các trường hợp vi phạm nghĩa vụ kê khai và giải trình
nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm thời gian qua cho thấy, một số cán
bộ, công chức, viên chức có tài sản giá trị rất lớn và giải trình không
hợp lý về nguồn gốc, nhưng cũng chưa có cơ chế để xử lý đối với tài sản
này.
Do đó, để tạo bước tiến mới và nâng cao hiệu quả trong công tác phòng,
chống tham nhũng, phù hợp với xu thế chung của quốc tế, Ủy ban Thường vụ
Quốc hội đề nghị Quốc hội cho tiếp thu ý kiến của nhiều đại biểu Quốc
hội, quy định trong dự thảo Luật việc xử lý đối với tài sản, thu nhập
tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn
gốc.
"Qua cân nhắc kỹ ưu điểm, nhược điểm của từng phương án, Ủy ban Thường
vụ Quốc hội đề nghị lựa chọn phương án xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm
mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc qua
thủ tục tố tụng tại Tòa án, vì đây là phương án có nhiều ưu điểm hơn so
với hai phương án còn lại", Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho
biết.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu đưa ra khuyến nghị về phương án này. Đại biểu
Tô Văn Tám (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kom Tum) cho rằng nếu phương án
giải quyết tại Tòa án được thông qua thì có vấn đề cần phải được làm rõ
để quy định được triển khai khả thi trên thực tế. Đó là vấn đề chứng
minh tài sản hợp pháp hay không hợp pháp.
"Người có nghĩa vụ kê khai phải có trách nhiệm giải trình về nguồn gốc
tài sản, thu nhập, nhưng cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập cho rằng
không hợp lý thì đưa ra Tòa. Vậy lúc này trách nhiệm chứng minh là trách
nhiệm của tòa. Vậy liệu tòa có thực hiện được nhiệm vụ chứng minh điều
này, có quá tải hay không?", đại biểu đặt câu hỏi và cho rằng nếu không
giải quyết được các vấn đề thì nên tính các phương án khác.
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu không đồng ý với phương án giải quyết tại
tòa án. Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng
Bình) đề nghị Quốc hội phải xem xét kỹ lưỡng và không thể đồng tình với
phương án xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà giải trình không hợp lý
về nguồn gốc thông qua Tòa án.
"Khi cơ quan thanh tra, kiểm toán, cơ quan điều tra chưa chứng minh được
tài sản, thu nhập do vi phạm pháp luật mà có, thì không thể có chứng
cứ, cơ sở pháp lý để quy tội và không thể chuyển tòa án để xét xử. Thực
tế, nhiều vụ án phạm tội, nhận hối lộ, người ta khai đưa cho ông A, ông
B, nhưng tòa không thể xét xử vì không có chứng cứ... Thực tế tài sản là
của cá nhân, nếu cơ quan có thẩm quyền không thể chứng minh tài sản do
phạm pháp mà có, nhưng lại giao cho Tòa để xử lý thu hồi thì không khả
thi, vi phạm quyền sở hữu tài sản,", đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nói.
Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp sáng 25/10. (Ảnh: TTXVN)
Trong khi đó, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến
Tre) không đồng ý với cả 2 phương án giải quyết tại tòa và thu thuế thu
nhập cá nhân do cả 2 phương án đều chưa đủ cơ sở pháp lý, thực tiễn.
"Tài sản nghi ngờ do tham nhũng mà có thì hoàn toàn có thể đưa vào điều
tra. Nếu điều tra chứng minh là tài sản tham nhũng thì thu hồi toàn bộ.
Đạo luật này chủ yếu hướng đến phòng, chứ không phải xử lý các vấn đề về
nghiệp vụ. Nếu xử lý về nghiệp vụ thì pháp luật hiện hành đã có biện
pháp về hành chính, về tổ chức cán bộ, xử lý hình sự", đại biểu Lưu Bình Nhưỡng
lý giải, đồng thời đề nghị dự thảo Luật giữ nguyên quy định hiện hành.
Cần thống nhất về cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập
Bên cạnh đó, các đại biểu cho ý kiến về một số vấn đề lớn của dự thảo
Luật như: Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật ra khu vực
ngoài nhà nước; người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập; cơ quan
kiểm soát tài sản, thu nhập;...
Về cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập, theo báo cáo của Ủy ban Thường
vụ Quốc hội, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với phương án giao
cho Thanh tra Chính phủ, Thanh tra các bộ, ngành, Thanh tra tỉnh kiểm
soát tài sản, thu nhập của những người kê khai công tác tại các bộ, cơ
quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và chính quyền địa phương; các cơ
quan khác và tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã
hội chịu trách nhiệm kiểm soát tài sản, thu nhập của người kê khai công
tác trong cơ quan, tổ chức mình; ý kiến khác đề nghị Thanh tra Chính phủ
chỉ kiểm soát tài sản, thu nhập của người giữ chức vụ từ Phó Chủ tịch
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên.
Một số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với phương án giao cho Thanh
tra Chính phủ, Thanh tra các bộ, ngành, Thanh tra tỉnh kiểm soát tài
sản, thu nhập của tất cả các đối tượng có nghĩa vụ kê khai. Có ý kiến
đại biểu Quốc hội đề nghị thành lập cơ quan chuyên trách hoặc giao cho
cơ quan của Quốc hội thực hiện việc kiểm soát tài sản, thu nhập; ý kiến
khác đề nghị giữ như quy định của Luật hiện hành.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành
quy định cơ quan có thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập là cơ quan
quản lý trực tiếp người có nghĩa vụ kê khai tại các cơ quan, tổ chức,
đơn vị. Quy định này dẫn đến quá nhiều cơ quan có chức năng quản lý bản
kê khai và xác minh tài sản, thu nhập; cán bộ làm công tác này thực chất
là cán bộ làm công tác tổ chức thiếu nghiệp vụ, kinh nghiệm về kiểm
soát tài sản, thu nhập, dẫn đến việc thực hiện còn hình thức, hiệu quả
thấp.
Để khắc phục những hạn chế này, việc sửa đổi mô hình cơ quan kiểm soát
tài sản, thu nhập cần theo hướng tăng cường một bước tính tập trung,
đồng thời cũng phải phù hợp với thực tiễn tổ chức bộ máy nhà nước ta
hiện nay, bảo đảm tính khả thi.
Nếu theo phương án giao cơ quan thanh tra kiểm soát tài sản, thu nhập
hoặc thành lập cơ quan chuyên trách để kiểm soát tài sản, thu nhập thì
có thể gây quá tải, thiếu khả thi, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của
cơ quan này, nhất là trong điều kiện dự thảo Luật đã mở rộng đối tượng
có nghĩa vụ kê khai và giao thêm nhiều thẩm quyền cho cơ quan kiểm soát
tài sản, thu nhập.
Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với đa số ý kiến đại biểu
Quốc hội, đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý theo hướng giao cho Thanh tra
Chính phủ, Thanh tra các bộ, ngành, Thanh tra tỉnh kiểm soát tài sản,
thu nhập của những người thuộc diện kê khai công tác tại các bộ, cơ quan
ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và chính quyền địa phương; các cơ
quan khác và tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội
chịu trách nhiệm kiểm soát tài sản, thu nhập của người kê khai công tác
trong cơ quan, tổ chức mình.
Trong phiên họp chiều 25/10, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng./.
(TTXVN)