Chủ Nhật, 24/11/2024
Nghiên cứu
Thứ Sáu, 30/4/2021 11:1'(GMT+7)

Chủ trương đấu tranh quân sự của Đảng trong giai đoạn 1973-1975 mang tính toàn diện, kịp thời và phát triển

Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

 1. Chủ trương đấu tranh quân sự sau khi Hiệp định Pari được ký kết

Ngày 27-1-1973, Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết. Với tinh thần thượng tôn pháp luật quốc tế, ngay sau khi ký Hiệp định Pari, ngày 28 1-1973, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chính phủ nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa ra lời kêu gọi, trong đó xác định “Việc thống nhất nước Việt Nam sẽ đươc thực hiện từng bước bằng phương pháp hòa bình”(1).

Tuy nhiên, phía Mỹ và chính quyền Sài Gòn không nghĩ và thực hiện như vậy. Ngay sau đó, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đã tuyên bố “trên hòa bình dưới chiến tranh”, chúng xua quân đánh chiếm lại nhiều vùng giải phóng của ta, chiếm lại nhiều địa bàn giải phóng quan trọng, tạo thế da báo gây bất lợi cho ta. Năm 1973, trên toàn miền Nam, địch đóng thêm 500 đồn bốt, chiếm thêm 70 xã, 740 ấp, kiểm soát thêm 65 vạn dân. Cụ thể: ở khu V, địch đóng thêm 200 đồn, chiếm thêm 45 xã, 320 ấp, 25 vạn dân; khu VI và khu VII, địch lấy lại hầu hết các vùng ta mới mở gồm 300 ấp, gần 30 vạn dân; ở Khu VIII, địch đóng thêm gần 300 đồn bốt, chiếm thêm 24 xã, ta mất 120 ấp và 10 vạn dân(2). Trước hành động đó, tại công điện số 50, ngày 9-2-1973, Bộ Chính trị nhận định: Về địch, binh sĩ cấp dưới đã ngả về cách mạng, “nhiều nơi binh sĩ, cả sĩ quan cấp đại đội, một bộ phận sĩ quan cấp tiểu đoàn, tìm cách tiếp xúc với ta, bàn bạc với ta. Có nơi sĩ quan chỉ huy giao ước với ta không đánh nữa. Còn bọn hiếu chiến bên trên có nhiều thủ đoạn đánh chiếm lại Cửa Việt, Quảng Trị và mở các cuộc lấn chiếm nhỏ trên các địa bàn. Do vậy, phải gấp rút tăng cường bộ đội địa phương, du kích thôn xã, tăng cường quân số, tăng cường trang bị, nhưng biết làm êm, làm bí mật, tránh bộc lộ lực lượng, phải biết che giấu lực lượng của ta cho tốt. Đồng thời “phải luôn luôn đề cao cảnh giác, sẵn sàng đánh trả và kiên quyết đánh bại những cuộc càn quét lần chiếm của địch”(3).

      2. Chủ trương đẩy mạnh đấu tranh quân sự chống địch lấn chiếm

 Trước tình hình diễn biến phức tạp ở miền Nam, cách mạng bị mất dân, mất đất ở nhiều nơi, trước đề nghị quyết liệt của Khu ủy Khu IX (điểm sáng về đấu tranh quân sự kết hợp với Hiệp định Pari), ngày 13 tháng 10 năm 1973, Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III ra Nghị quyết số 227- QN/TW về Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và nhiệm vụ của cách mạng miền Nam Việt Nam trong giai đoạn mới. Sau khi phân tích đánh giá tình hình địch, ta trên chiến trường, Hội nghị nhận định: Tình hình cách mạng miền Nam có thể phát triển theo hai khả năng. Một là, do đấu tranh tích cực trên ba mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao, có thể từng bước buộc địch phải thi hành Hiệp định Pari về Việt Nam. Hai là, địch phá hoại Hiệp định, xung đột quân sự có thể ngày càng tăng, cường độ quy mô chiến tranh càng lớn, ta lại phải tiến hành chiến tranh cách mạng gay go, quyết liệt để đánh bại địch, giành thắng lợi hoàn toàn. Từ nhận định đó, Hội nghị xác định nhiệm vụ cách mạng miền Nam là tiếp tục thực hiện cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân chống đế quốc Mỹ, tập đoàn thống trị tư sản mại bản và địa chủ phong kiến.

  Để hoàn thành nhiệm vụ đề ra, Hội nghị chỉ rõ, địch dùng hành động quân sự vi phạm Hiệp định một cách có hệ thống, ta phải kiên quyết phản công và tiến công địch, đánh bại các cuộc hành quân lấn chiếm của địch; phải kết hợp ba thứ quân, ba mũi giáp công và ba vùng, để phản công địch, đánh những đòn thật đau, không để địch lấn chiếm vùng giải phóng của ta; ở nơi có điều kiện thì mở rộng vùng giải phóng của ta. Hội nghị nhấn mạnh, trong bất kỳ tình huống nào, phải nắm vững lực lượng vũ trang, củng cố và tăng cường ba thứ quân thật mạnh. Phải có kế hoạch toàn diện xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng và hiệu suất chiến đấu, làm cho bộ đội chủ lực thành lực lượng tinh nhuệ, chính quy, hiện đại, cơ động và linh hoạt, phù hợp với điều kiện chiến đấu trên từng chiến trường và cuộc chiến tranh cách mạng có tính chất toàn dân của ta.

Đối với bộ đội địa phương phải ra sức khắc phục tình trạng mất cân đối hiện nay giữa chủ lực, địa phương và dân quân du kích. Xây dựng bộ đội địa phương thành những đơn vị gọn, sắc, tinh nhuệ, vừa trang bị tương đối hiện đại, vừa tận dụng vũ khí thô sơ, đủ sức phản công, tấn công bẻ gãy và đp tan các cuộc hành quân gom dân, lấn đất của quân ngụy trong phạm vi từng địa phương. Huấn luyện cho cán bộ chiến sĩ nắm vững hơn nữa phương châm kết hợp đấu tranh chính trị, quân sự và binh vận, thành thạo công tác quần chúng.

Đối với lực lượng dân quân du kích, Hội nghị chủ trương: Ra sức phát triển dân quân du kích thành một lực lượng vũ trang mạnh của quần chúng, nằm trong quần chúng, bao gồm cả trai, gái, già trẻ. Chú ý phát triển lực lượng du kích gái, xây dựng “đội quân tóc dài” không những là lực lượng chính trị mà còn là lực lượng quân sự trong chiến tranh nhân dân của chúng ta.

 Để đấu tranh quân sự được thuận lợi và hiệu quả, Hội nghị yêu cầu: Các lực lượng vũ trang giữ vững vùng rừng núi từ vĩ tuyến 17 đến miền Đông Nam Bộ, xây dựng thành một hệ thống căn cứ địa hoàn chỉnh, phối hợp với việc giữ gìn vùng giải phóng ở đồng bằng, để tạo thế uy hiếp thành thị, giúp cho phong trào đấu tranh chính trị phát triển trong vùng tranh chấp và vùng địch kiểm soát. Bộ đội chủ lực, địa phương và dân quân du kích chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng trong tư thế đánh địch, chủ động đập tan các cuộc hành quân lấn chiếm, kiên quyết phản công và tiến công, đánh những trận tiêu diệt thật đau, thật mạnh để bảo vệ, giữ vùng giải phóng và các căn cứ địa, bảo vệ quần chúng, tạo thế cho phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng.

 Hội nghị nhận định, sau khi quân viễn chinh Mỹ và quân đồng minh rút khỏi miền Nam, đối tượng tác chiến chủ yếu của ta là quân đội Việt Nam Cộng hòa. Từ đó, Hội nghị yêu cầu phải nghiên cứu, bổ sung về nghệ thuật quân sự và cách đánh ở những địa bàn khác nhau. Trên cơ sở tổng kết công tác quân sự trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, kịp thời giải quyết tốt vấn đề mới về chiến lược, chiến dịch, chiến thuật, chiến đấu, xây dựng và củng cố lực lượng, về phương châm, phương thức tác chiến trên các chiến trường.

Để đảm bảo sự thống nhất và hiệu quả trong tiến công quân sự, Hội nghị yêu cầu phải kịp thời đề ra phương hướng quân sự cho toàn miền Nam, cho từng khu, từng vùng, từng xã, từng thôn, nhằm bố trí lực lượng ba thứ quân đủ sức làm tròn nhiệm vụ trước mắt, tạo ra thế căng kéo địch, không để cho chúng tập trung lực lượng lấn ra ở từng khu vực. Đồng thời phải có kế hoạch thực hiện hậu cần tại chỗ, động viên và tổ chức các lực lượng vũ trang của ta tích cực tham gia xây dựng những vùng kinh tế mới để bảo đảm tự cung, tự cấp một phần lương thực, thực phẩm và từng bước xây dựng vùng căn cứ về mọi mặt. Tích cực xây dựng, phát triển và hoàn thiện các tuyến giao thông vận tải, bảo vệ hành lang kho tàng, ra sức dự trữ lương thực, vũ khí, trang bị kỹ thuật, bảo đảm vật chất cho các lực lượng vũ trang trên các chiến trường.

3. Chủ trương mở các chiến dịch tiến công quân sự giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tiếp tục thực hiện chủ trương tiến công quân sự nhằm đánh bại hành động địch lấn chiếm vùng giải phóng của ta và giành lại vùng giải phóng bị địch tái chiếm, đến cuối năm 1974 ta đã giành lại phần lớn vùng địch lấn chiếm, đánh bại nhiều đợt tiến công của địch và gây cho chúng tổn thất nặng nề. Riêng ở Nam Bộ, ta đã loại ra khỏi vòng chiến đấu 56.315 tên địch, thu nhiều vũ khí trang bị và phương tiện chiến tranh; gỡ 1.548 đồn bốt, giải phỏng tỉnh Phước Long và 4 huyện, 72 xã, 489 ấp, với 584.000 dân(4). Phong trào cách mạng ở miền Nam ngày càng lớn mạnh, mũi tiến công quân sự ngày càng mạnh lên, đẩy địch vào thế bị động, chống đỡ, bộc lộ ra rất nhiều điểm yếu.

Đặc biệt, sự kiện tỉnh Phước Long là tỉnh đầu tiên được giải phóng, nhưng chính quyền Nguyễn Văn Thiệu bất lực không lấy lại được, đây là chiến thắng của đòn trinh sát chiến lược cực kỳ xuất sắc, cho ta khẳng định một lần nữa Mỹ rút khỏi miền Nam thì khó có thể quay lại. Đây là nhân tố quan trọng để Bộ Chính trị đề ra chủ trương mở các chiến dịch quân sự lớn giải phòng miền Nam, thống nhất đất nước.

Nhận thấy tình hình miền Nam có chuyển biến lớn và có nhiều thuận lợi cho cách mạng, Bộ Chính trị tiến hành Hội nghị đợt một (10/1974) và đợt hai (7/ 01/1975), bàn về tình hình và nhiệm vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Hội nghị chủ trương mở nhiều chiến dịch tổng hợp liên tiếp, đánh những trận đánh quyết định, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước. Để thực hiện thắng lợi quyết tâm đề ra, Bộ Chính trị yêu cầu phải thực hiện tiến công và nổi dậy trên quy mô lớn, tiêu diệt chi khu, quận lỵ, đánh bại kế hoạch bình định, giành phần lớn vùng đồng bằng nông thôn miền Nam.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí trong Quân ủy Trung ương duyệt phương án tác chiến Chiến dịch Hồ Chí Minh (Hà Nội, 4/1975). (Ảnh: TTXVN)

 

Đối với mũi tiến công quân sự, Bộ Chính trị chủ trương mở những chiến dịch hợp đồng quân binh chủng của bộ đội chủ lực, đánh mạnh vào quân chủ lực Việt Nam Cộng hòa, tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Đây là chủ trương quan trọng, là cơ sở để Quân ủy Trung ương chỉ đạo, tổ chức mở các chiến dịch quân sự lớn như Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Huế - Đà Nẵng và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, quyết định đến việc đánh bại, đánh đổ hoàn toàn các đơn vị chủ lực quân đội Việt Nam Cộng hòa.

Cùng với chủ trương mở những chiến dịch hợp đồng quân binh chủng của bộ đội chủ lực, Bộ Chính trị chủ trương mũi tiến công quân sự phải kết hợp với sự nổi dậy của quần chúng nhân dân để đánh bại hoàn toàn kế hoạch bình định của địch. Bộ Chính trị chủ trương kết hợp giữa đòn tiến công vào quân chủ lực Việt Nam Cộng hòa và đòn đánh phá “bình định” nông thôn, thực hiện uy hiếp, bao vây các thành thị lớn, nhất là Sài Gòn, phát triển phong trào đấu tranh chính trị lên quy mô lớn. Bên cạnh đó, mũi quân sự còn có nhiệm vụ phá hủy các cơ sở hậu cần và phương tiện chiến tranh của địch, làm cho địch mất nguồn dự trữ; đánh mạnh vào các cơ quan đầu não, triệt phá đường giao thông của địch. Đây là chủ trương quan trọng quyết định đến việc tiến công quân sự kết hợp với sự nổi dậy của quần chúng nhân dân, tạo ra sức mạnh tổng hợp áp đảo đối phương.

Chủ trương đấu tranh quân sự của Đảng trong giai đoạn 1973-1975 mang tính toàn diện, kịp thời và phát triển góp phần quan trọng, quyết định vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tính toàn diện, kịp thời, phát triển của chủ trương đấu tranh quân sự trong giai đoạn này thể hiện ở mức độ đấu tranh từ thấp đến cao. Từ đấu tranh bằng phương pháp hòa bình theo điều khoản được ký kết tại Hiệp định Pari, phát triển lên đẩy mạnh tiến công quân sự với quy mô các trận đánh, chiến dịch vừa và nhỏ ngăn chặn địch lấn chiếm vùng giải phóng của ta và lấy lại vùng giải phóng bị địch lấn chiếm sau Hiệp định Pari. Khi thời cơ thuận lợi Đảng đã chủ trương mở các chiến dịch quân sự lớn, kết hợp với sự nổi dậy của quần chúng nhân dân, tạo nên sức mạnh vô cùng to lớn nhanh chóng đánh bại quân đội và chính quyền Việt Nam Cộng hòa.

Tính toàn diện, kịp thời còn thể hiện ở chủ trương coi trọng phát triển nghệ thuật chiến lược, chiến dịch, chiến thuật, cách đánh đối với quân đội Việt Nam Cộng hòa, việc phát triển bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích. Coi trọng phát triển căn cứ địa cách mạng, đối tượng tiến công quân sự không chỉ có binh sĩ địch mà còn đánh phá cơ sở vật chất, hậu cần, phương tiện chiến tranh, cơ quan đầu não chính quyền và quân đội của địch.

Chủ trương tiến công quân sự của Đảng trong giai đoạn 1973-1975 phát triển lên tầm cao mới về nội dung, quy mô, tính chất, nghệ thuật và là cơ sở quan trọng để Quân ủy Trung ương, Trung ương Cục, Quân ủy Miền, các đơn vị, địa phương chuẩn bị lực lượng quân sự hùng mạnh, mở các chiến dịch quân sự lớn, đánh bại hoàn toàn quân đội và chính quyền Việt Nam Cộng hòa, giành độc lập dân tộc, giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước./.

Trung tá, TS. Nguyễn Khắc Trai

--------------

  1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 34, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.11.
  2. Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị, Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước - thắng lợi và bài học, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.316.
  3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 34, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2004, tr.21.
  4. Nguyễn Quý (Chủ biên), Lịch sử xứ ủy Nam Bộ và Trung ương Cục miền Nam (1954-1975), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015, tr.478.
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất