Thứ Bảy, 12/10/2024
Tin hoạt động
Thứ Hai, 27/10/2008 21:0'(GMT+7)

Chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Hội thảo khoa học thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội và các nhà khoa học trong và ngoài nước với hơn 90 bản tham luận gửi tới tham gia.Cách đây 450 năm (1558) khi chúa Nguyễn Hoàng rời xứ Thanh vào nhận chức Trấn thủ xứ Thuận Hoá đến năm 1945, lịch sử dân tộc ta trải qua nhiều biến động lớn. Việc nhận thức chúa Nguyễn, triều Nguyễn trong lịch sử không phải lúc nào cũng thống nhất, thậm chí có lúc trái ngược nhau trong giới nghiên cứu. Để từng bước làm rõ vấn đề này, nhiều công trình nghiên cứu, nhiều hội thảo khoa học đã được tổ chức.Tuy nhiên,các công trình nghiên cứu, các cuộc hội thảo trước đây chưa có được một cách nhìn toàn diện và thấu đáo về giai đoạn của chúa Nguyễn, triều Nguyễn trong lịch sử dân tộc.

Nội dung hội thảo được chia thành 3 phần:

1.Thời kỳ chúa Nguyễn, với các chủ đề: Khai phá và xây dựng Thuận Quảng; Mở mang lãnh thổ và xác lập chủ quyền trên đất Nam bộ; Quan hệ Nguyễn –Tây Sơn và vấn đề thống nhất đất nước; Kinh tế hàng hoá và đô thị.

2. Thời kỳ Vương triều Nguyễn thế kỷ XIX, với các chủ đề: Thống nhất đất nước và xây dựng Vương triều Nguyễn;Chính sách đối nội, đối ngoại của triều Nguyễn; Tình hình kinh tế-xã hội;Vấn đề canh tân đất nước và thất bại của cuộc kháng chiến chống Pháp.

3.Nhân vật lịch sử và Di sản văn hoá triều Nguyễn với các chủ đề:Quê hương và dòng họ;Nhân vật lịch sử thời Chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn;Văn hoá, di sản văn hoá.

Nhìn chung Hội thảo đạt được sự thống nhất về ghi nhận công lao của Chúa Nguyễn trong việc mở rộng lãnh thổ đất nước.Những hạn chế của triều Nguyễn là, công tác đối nội, đối ngoại, canh tân đất nước và thất bại của cuộc kháng chiến chống Pháp… phần nào đã được giới nghiên cứu phân tích làm sáng tỏ.

Giáo sư Phan Huy Lê- Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam đánh giá: Những cống hiến của triều Nguyễn thể hiện ở những khía cạnh: Thứ nhất là công mở mang bờ cõi vào phía Nam (từ vùng Thuận Hoá vào đến đồng bằng sông Cửu Long tạo nên nhiều hương cảng, đô thị giàu có…),thành tựu khai hoang,thuỷ lợi, phát triển nông nghiệp…; Thứ hai là triều Nguyễn với tư cách là một vương triều phong kiến độc lập, thống trị trên toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam, đã xây dựng được hệ thống tổ chức chính quyền với quy chế hoạt động có hiệu lực. Thứ ba là, thời nhà Nguyễn để lại cho Việt Nam nhiều di sản văn hoá: Đó là một giang san đất nước trải rộng trên lãnh thổ thống nhất từ bắc chí nam gần như tương ứng với lãnh thổ Việt Nam hiện đại, bao gồm cả đất liền và hải đảo trên biển Đông; Về di sản vật chất có kinh thành Huế, phố cổ Hội An, về di sản phi vật thể có Nhã nhạc cung đình Huế đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới. Ngoài ra còn có các di tích, kiến trúc, đình, đền, miếu, nhà thờ họ, tín ngưỡng dân gian, chùa tháp của Phật giáo, văn bia, địa bạ, gia phả, hương ước, sắc phong, câu đối, luật pháp…những di sản này đã hoà đồng vào cùng toàn bộ di sản văn hoá dân tộc góp phần tạo nên bản sắc văn hoá và bản lĩnh dân tộc Việt Nam.

Tuy nhiên, trong giai đoạn bản lề phức tạp này, những hạn chế của Vương triều Nguyễn trong mối quan hệ với phong trào Tây Sơn, với việc thống nhất đất nước cũng được nhiều nhà nghiên cứu khoa học phân tích làm sáng tỏ yếu tố khách quan, chủ quan trên tinh thần khách quan, không cực đoan, võ đoán.

Kết quả của Hội thảo khoa học giúp cho giới sử học Việt Nam đánh giá khách quan, toàn diện và gần nhau hơn trong nhận thức về thành tựu và hạn chế của chúa Nguyễn, Vương triều Nguyễn trong lịch sử dân tộc. Qua đó, rút ra được những bài học kinh nghiệm bổ ích, góp phần nâng cao giáo dục truyền thống, điều chỉnh nội dung một số sách cho phù hợp với thực tế lịch sử. Đặc biệt là có ý thức giữ gìn, phát huy những giá trị của di sản văn hoá phong phú, độc đáo mà Vương triều Nguyễn đã để lại, góp phần xây dựng đất nước giàu đẹp và phát triển./.

Vũ Công Hội
Vụ Văn hoá-Văn nghệ, Ban Tuyên giáo TW

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất