Với gần một triệu km2 mặt biển và 33 nghìn km đường biển, tiềm năng của ngành khảo cổ học dưới nước ở nước ta rất lớn. Tuy nhiên, trong những thập niên vừa qua, công tác khảo cổ học dưới nước còn quá nhiều khiếm khuyết, bất cập, thiếu khoa học và chưa đáp ứng được yêu cầu của một quốc gia có nhiều di sản dưới nước. Theo TS Phạm Quốc Quân (Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam), kể từ những năm 80 của thế kỷ trước cho tới nay, khảo cổ học dưới nước Việt Nam "tay không" nhưng đã khai quật sáu con tàu cổ. Ðó là những con tàu ở Hòn Cau (Bà Rịa - Vũng Tàu), Hòn Dầm (Phú Quốc - Kiên Giang), Cù Lao Chàm (Hội An - Quảng Nam), Cà Mau, Bình Thuận và gần đây nhất là Châu Thuận Biển (Bình Sơn - Quảng Ngãi). Nhưng dường như sáu con tàu được khai quật ở Việt Nam và rất nhiều những tín hiệu báo dẫn khác, chưa được khảo cổ học vươn tới một cách chủ động, thông qua khảo sát, lập bản đồ như nhiều quốc gia khác ở Ðông-Nam Á. Những cuộc khai quật "chữa cháy" sau phát hiện và một thời gian dài bị phá hủy khiến những thông tin về con tàu (quy mô, cấu trúc, kỹ thuật đóng tàu...) dường như không còn, trong đó có nhiều tiêu bản "độc nhất vô nhị", nhiều tư liệu có một không hai. Do vậy, việc nhận thức toàn diện về mỗi con tàu rất khó khăn, dẫn đến sự phục hồi những giá trị lịch sử, nhân văn, kinh tế, văn hóa... của chúng ta còn nặng về phỏng đoán, thiếu căn cứ khoa học.
Tình trạng không có đội ngũ, không có cơ quan chuyên môn về khảo cổ học dưới nước sẽ dẫn đến việc bảo vệ di sản biển bị thả nổi. Rất nhiều tàu đắm trên vùng biển Việt Nam bị một số ngư dân vô ý thức phá hủy bằng đánh mìn đến nay chỉ còn dấu tích. Nhiều con tàu và hàng hóa trên tàu bị những người săn lùng cổ vật trục vớt. Hầu hết cuộc khai quật từ trước tới nay đều mang tính thương mại, do các công ty ở trong hoặc ngoài nước đầu tư. Cổ vật thu được chia theo tỷ lệ, các sưu tập hiện vật bị xé lẻ, cắt nát, một phần đem bán, bù cho kinh phí khai quật, số còn lại được chia cho một số bảo tàng (phần được hưởng của Nhà nước). Ðây là một bất cập cho công tác lưu trữ và nghiên cứu khảo cổ học dưới nước.
Thiếu đầu tư
Khảo cổ học dưới nước đòi hỏi nguồn kinh phí lớn cho cơ sở hạ tầng, thiết bị, kinh phí hoạt động hằng năm, bảo quản di tích di vật và chi phí đào tạo con người. TS Lê Thị Liên, Trưởng Phòng Khảo cổ học dưới nước, Viện Khảo cổ học cho biết, đối với Việt Nam, cơ sở vật chất và thiết bị hiện nay của ngành khảo cổ học dưới nước có thể nói là con số "0" và là khó khăn hàng đầu trong việc triển khai các hoạt động khảo sát và nghiên cứu. Từ khi được thành lập vào năm 2013, Phòng Khảo cổ học dưới nước của Viện Khảo cổ học vẫn chưa được trang bị bất cứ một thiết bị gì, không được đầu tư kinh phí thường niên cho các hoạt động khảo sát, nghiên cứu dưới nước. Trong khi đó, theo tính toán của một chuyên gia Thái-lan chi phí tài chính và nhân sự cho khảo cổ học dưới nước cao gấp khoảng sáu lần so với khảo cổ trên đất liền. Viện Nghiên cứu di sản văn hóa dưới nước của Hàn Quốc đã tăng chi phí hoạt động hằng năm từ hơn 5,6 triệu uôn năm 2008 lên gần 10,7 triệu uôn vào năm 2011.
Không chỉ thiếu kinh phí đầu tư, tình trạng thiếu chuyên gia về khảo cổ học dưới nước đã tạo ra những khó khăn, bất cập lớn đối với công tác điều tra, khảo sát và khai quật. TS Phạm Quốc Quân cho rằng, chúng ta chưa có được những đợt điều tra cơ bản để lập bản đồ những con tàu đắm ở vùng biển Việt Nam. Sự thiếu vắng các nhà khảo cổ học dưới nước người Việt Nam cũng làm cho những công trình khai quật dưới nước trước đây ít nhiều bị ảnh hưởng. Bởi, các nhà khảo cổ học trên cạn còn hạn chế hoặc không có chuyên môn về khảo cổ dưới nước. Do vậy, nhiều khi việc khai quật các công trình dưới nước hoàn toàn phụ thuộc vào thợ lặn!
Thực tế, việc đào tạo các chuyên gia khảo cổ nói chung và chuyên gia khảo cổ dưới nước nói riêng đang gặp nhiều khó khăn. Hiện nay chỉ có ba trường đào tạo cử nhân ngành khảo cổ tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Huế. PGS, TS Lâm Thị Mỹ Dung - Khoa Lịch sử, Trường ÐH Khoa học xã hội và Nhân văn (Ðại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: "Mặc dù mỗi năm Khoa Lịch sử có hàng trăm sinh viên theo học, nhưng số lượng sinh viên "mặn mà" với khảo cổ học chiếm số lượng vô cùng ít ỏi do nhiều nguyên nhân, trong đó có vấn đề việc làm. Ðơn cử năm vừa rồi Khoa Lịch sử chỉ có khoảng sáu sinh viên đăng ký ngành này".
Ðể tạo đà và duy trì cho sự phát triển của chuyên ngành khảo cổ học dưới nước, rõ ràng cần có chủ trương đầu tư cơ bản từ Chính phủ và định hướng cụ thể của các cơ quan chức năng. Theo TS Phạm Quốc Quân, muốn cho khảo cổ học dưới nước Việt Nam phát triển sang một giai đoạn mới, cần phải nhanh chóng đào tạo một đội ngũ các nhà khảo cổ học dưới nước trẻ, làm việc tại một cơ quan nghiên cứu chuyên sâu, hoạt động bằng ngân sách Nhà nước với mục đích khoa học, phi thương mại. Ðặc biệt, cần thành lập Viện nghiên cứu Di sản biển. Viện nghiên cứu này là một phức hợp, ngoài trung tâm khảo học dưới nước, bảo tàng, còn có những trung tâm nghiên cứu về tàu, thuyền, nghiên cứu về thương mại bằng tàu thuyền, trung tâm về bảo quản, trung tâm lưu trữ...
Theo đánh giá của các nhà khoa học, ngành khảo cổ học dưới nước tại Việt Nam đã đi sau các nước phát triển khoảng 50 năm và chậm hơn một số nước trong khu vực khoảng 20 năm. Năm 2013, Phòng Khảo cổ học dưới nước được thành lập là một tín hiệu đáng mừng cho hoạt động khảo cổ học dưới nước. Nhưng từ đó đến nay, "trận địa" khảo cổ học dưới nước vẫn còn "ngổn ngang" những khó khăn, bất cập, trong khi chúng ta vẫn chưa thật sự "khởi động". Trong khi đó, nếu như được đầu tư thích đáng ngay từ bây giờ thì chúng ta vẫn phải mất chục năm nữa để có những hoạt động khảo cổ dưới nước đúng nghĩa. Nhưng muộn còn hơn không, nếu có một kế hoạch cụ thể về thời gian, con người, bộ máy vận hành cũng như được đầu tư kinh phí, thì chắc chắn những di sản quư giá sẽ không còn "chìm sâu" dưới đáy biển hoặc mất đi vĩnh viễn vì sự phá hủy của con người.